Báo Đồng Nai điện tử
En

Thông tin minh bạch - tiêu dùng an toàn

Hoàng Hải
08:00, 16/03/2024

Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 có chủ đề: “Thông tin minh bạch - tiêu dùng an toàn”. Có thể thấy, tiêu dùng ngày nay không chỉ đòi hỏi sự thông minh khi lựa chọn chất lượng sản phẩm, mà còn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về tính xã hội và tính nhân văn của từng sản phẩm.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm nông sản sạch tại một siêu thị ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Quân
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm nông sản sạch tại một siêu thị ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

Nhiều người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao hơn đối với những sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn sản xuất xanh, có thông tin minh bạch, thông điệp bền vững, xem đó là tiêu chuẩn cho một sản phẩm chất lượng cao.

* Chú trọng tính minh bạch trong thương mại

Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai Phạm Gia Hải chia sẻ, chủ đề của Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay do Bộ Công thương phát động, trong đó tập trung hướng tới đảm bảo thông tin công khai, minh bạch đối với sản phẩm tiêu dùng. Đặc biệt, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 7 năm nay, trong đó có nhiều quy định mới nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng, không để rò rỉ thông tin khách hàng. Đồng thời, người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng, lưu ý khi cung cấp thông tin trong bối cảnh thương mại điện tử, tiêu dùng số ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang phát triển thực sự về chiều sâu. Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe. Xu hướng lựa chọn sản phẩm “xanh” và “sạch”, thân thiện môi trường hoặc đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng trở thành ưu tiên hàng đầu.

Đồng Nai đã có kế hoạch hành động về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030. Theo đó, tỉnh khuyến khích phát triển, sử dụng các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, vật liệu có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trên nền tảng đổi mới, sáng tạo; phát triển, phổ biến các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Các xu hướng đó sẽ chi phối và thúc đẩy việc phát triển kinh tế phải đảm bảo cho các nguồn lực tự nhiên được tiết kiệm, phát huy hiệu quả, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và môi trường sống trong tương lai. Cùng với đó là “thói quen tiêu dùng” đã thay đổi lớn, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Theo kết quả khảo sát do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao mới công bố, có 69% ý kiến người tiêu dùng chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe hoặc đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng. 45% chọn sản phẩm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất hữu cơ (có chứng nhận organic) có tỷ lệ người chọn mua là 25%.

Chị Lê Thanh Hiền (ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) cho biết: “Tôi ngày càng chú trọng, xem kỹ thông tin trên sản phẩm, nhất là các yêu tố xanh, truy xuất nguồn gốc để lựa chọn mua sản phẩm. Bên cạnh đó, trong xu hướng thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến ngày càng phát triển thì việc các nhà sản xuất, nhà cung ứng sản xuất thông tin minh bạch, chân thật, nhận được nhiều đánh giá tốt về sản phẩm sẽ là một điểm cộng để người tiêu dùng tin tưởng chọn mua”.

* Hướng tới tiêu dùng an toàn, bền vững

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất, tập đoàn về bán lẻ, cung ứng, phân phối hàng hóa ngày càng chú trọng đến các mục tiêu về tiêu dùng, tăng trưởng xanh. Việc phát triển các hệ thống siêu thị, bán lẻ hiện đại góp phần không nhỏ trong việc đưa các sản phẩm xanh, sạch đến gần hơn với người tiêu dùng vì đa số đều được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả với hệ thống phân phối, logistics chuyên nghiệp.

Theo ông Vũ Thanh Tân, đại diện Bộ phận truyền thông của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Big C/GO!, trong thời gian qua, Hành trình xanh của Central Retail Việt Nam khởi đầu mạnh mẽ thông qua loạt sáng kiến phù hợp với giá trị về trách nhiệm xã hội và tính bền vững của một tập đoàn bán lẻ như: chương trình bán túi Lohas không lợi nhuận; hỗ trợ đóng thùng giấy carton chứa hàng hóa miễn phí tại chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm; khuyến khích khách hàng tái sử dụng túi mua hàng.

Ngoài ra, còn có các hoạt động thí điểm sử dụng bao bì, khay đựng thức ăn chế biến được làm từ bã mía có khả năng phân hủy sinh học; cung cấp các sản phẩm có lượng phát thải carbon thấp; triển khai hệ thống phân loại rác thải tại các trung tâm thương mại GO!…

Theo thời gian, người tiêu dùng ngày càng xem trọng yếu tố bền vững, xanh - sạch - an toàn, đặc biệt là có nhiều sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, ăn uống. Người tiêu dùng hiện nay có xu hướng tăng sử dụng các nông sản, thực phẩm sạch vì sức khỏe của bản thân và cả gia đình. Với nhận thức ngày càng cao, người dân, nhất là ở đô thị, quan tâm hơn đến việc tiêu dùng xanh, đòi hỏi cao hơn về chất lượng, sự thông minh và tiện dụng của sản phẩm. Đặc biệt là những sản phẩm ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe, tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai Phạm Gia Hải nhấn mạnh, xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, bền vững mang tính xã hội sâu sắc với những sản phẩm nhãn xanh, nhãn an toàn, sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về môi trường, đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng, hướng tới kinh tế xanh, bền vững… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng cần đảm bảo đạo đức, chữ tín trong sản xuất, kinh doanh, từ đó giữ vững thương hiệu của doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh - tiêu dùng lành mạnh, văn minh.

Hoàng Hải

Tin xem nhiều
Cách mua hàng alibaba giá sỉ