6/6 tỉnh, thành đã ký kết chương trình phối hợp; mỗi địa phương có hàng trăm tổ, mô hình, câu lạc bộ bảo vệ môi trường (BVMT).
Bà Lê Thị Dung (ngụ ấp Tân Hưng, xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc) chia sẻ tại Hội nghị Tập huấn công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực phía Nam. Ảnh: H.Lộc |
Đó là kết quả chương trình phối hợp giữa ủy ban MTTQ Việt Nam với ngành tài nguyên và môi trường tại các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ về BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021-2025.
Hàng trăm tổ tự quản môi trường
BVMT, ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở đã phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia.
Tại hội nghị Tập huấn công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ BVMT, ứng phó với BĐKH khu vực phía Nam vừa diễn ra tại Đồng Nai ngày 5-12, Phó trưởng ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Đình Long cho rằng, trong bối cảnh trái đất dần nóng lên, băng tan nhanh; nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt, sạt lở, cháy rừng diễn ra khốc liệt; tài nguyên dần cạn kiệt, dân số già hóa… thì BVMT, ứng phó với BĐKH là vấn đề mang tính toàn cầu.
Cũng theo ông Long, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao công tác BVMT, thích ứng với BĐKH. Thông qua chương trình phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và môi trường với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; giữa ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh với sở tài nguyên và môi trường, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo ở địa phương đã góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống và môi trường sinh thái.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tất Độ, thời gian qua, Mặt trận các cấp đã xây dựng và duy trì nhiều mô hình BVMT ở khu dân cư. Thống kê từ các huyện, thành phố, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 320 mô hình, tổ, câu lạc bộ BVMT ở các khu dân cư. Mỗi mô hình đều có ban điều hành hoặc ban chủ nhiệm, có quy chế hoạt động với mục đích chung là tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các hộ dân tham gia trồng cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường, kiến tạo không gian sống sạch đẹp.
Ông Nguyễn Thanh Minh, Phó trưởng ban Tuyên giáo - phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương, cho biết tại tỉnh Bình Dương, mỗi khu phố, tổ nhân dân đều có mô hình hoặc tổ tự quản BVMT để vận động người dân thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu. Nhờ có khoảng 380 mô hình, tổ tự quản BVMT mà nhận thức cũng như hành vi của người dân đối với công tác BVMT, ứng phó với BĐKH ngày một tốt hơn.
Tại tỉnh Tây Ninh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu Phạm Thành Giang cho hay, để thực hiện công tác BVMT, thích ứng với BĐKH, Mặt trận đã xây dựng mô hình Phát huy vai trò của cán bộ chi hội, tổ hội trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân đăng ký thu gom và phân loại rác tại nguồn. Tất cả 78 tổ nhân dân toàn xã đều đã thành lập mô hình này. Nhờ hoạt động của tổ, môi trường nông thôn, đặc biệt là cảnh quan ngày càng cải thiện. Năm 2022, xã được công nhận đạt nông thôn mới nâng cao và từ đó đến nay, tiêu chí môi trường vẫn được duy trì tốt.
Tiếp tục nhân rộng tổ tự quản môi trường
Theo đánh giá của Phó trưởng ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Đình Long, mặc dù đã có nhiều mô hình và công tác BVMT, ứng phó với BĐKH tại các khu dân cư cải thiện hơn, song do các yếu tố cực đoan về khí hậu, môi trường ngày càng phức tạp và khó lường nên cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động và nhân rộng các mô hình tổ tự quản môi trường hoạt động hiệu quả. Hội nghị tập huấn này sẽ trang bị thêm kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ Mặt trận, phụ nữ, môi trường các cấp để tuyên truyền lại cho người dân, hội viên thực hiện. Ngoài ra, hội nghị cũng là diễn đàn cho những người làm công tác tuyên truyền từ cơ sở trình bày quan điểm và đề xuất cơ chế, chính sách BVMT, ứng phó với BĐKH để hoạt động này đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường), cho rằng nước thải đô thị, rác thải sinh hoạt; chất thải ở các khu công nghiệp tập trung, vùng chăn nuôi, thậm chí cả vùng trồng lúa… đang là thách thức lớn trong BVMT, thích ứng với BĐKH. Hiện nay, chính sách BVMT ở Việt Nam đã cơ bản đầy đủ và hoàn thiện. Bên cạnh các giải pháp từ cơ quan quản lý nhà nước, từ chủ đầu tư thì mỗi người dân, bằng việc làm nhỏ nhưng thường xuyên của mình sẽ góp phần cải thiện môi trường sống. Đó là hạn chế xả thải bằng cách tái sử dụng nhiều nhất có thể, trồng thêm cây xanh, cùng nhau làm sạch môi trường.
Ở góc độ thành viên Tổ Tự quản môi trường, bà Lê Thị Dung (ngụ ấp Tân Hưng, xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc) cho rằng, thời gian qua, tổ hoạt động tích cực, được người dân hưởng ứng. Nhờ đó, việc thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới và xây dựng tuyến đường kiểu mẫu đạt kết quả tích cực. Thế nhưng, hoạt động của tổ cũng gặp khó khăn là nguồn kinh phí không có, các hộ dân ở xa đường giao thông không bỏ rác thải đúng giờ.
Hiện nay, mô hình, tổ, câu lạc bộ BVMT tiếp tục được MTTQ các cấp triển khai nhân rộng tại các địa phương. Hoạt động của các mô hình, tổ, câu lạc bộ này đã và đang góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Và quan trọng hơn, nhờ thói quen tốt này, môi trường sống và môi trường sinh thái từng bước được cải thiện.
BVMT, ứng phó với BĐKH là vấn đề không phải một vài cá nhân thực hiện trong ngày một ngày hai, mà cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức tôn giáo, toàn thể nhân dân. Việc này cần làm thường xuyên và tích cực thì mới phát huy hiệu quả.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin