Khi tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nông thôn ở các tỉnh thành càng cao, làn sóng dân nhập cư đổ về miền Đông Nam bộ tìm việc càng nhiều. Trong khi phần lớn người lao động rời bỏ ruộng đồng vào làm công nhân thì cũng có những người tìm đến Bình Dương để… thuê đất trồng rau.
Khi tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nông thôn ở các tỉnh thành càng cao, làn sóng dân nhập cư đổ về miền Đông Nam bộ tìm việc càng nhiều. Trong khi phần lớn người lao động rời bỏ ruộng đồng vào làm công nhân thì cũng có những người tìm đến Bình Dương để… thuê đất trồng rau.
Những khay rau mầm trồng trong nhà lưới.
* Làm nông giữa vùng công nghiệp
Cách nay mấy năm, anh Nguyễn Ngọc Dũng, quê ở Thái Bình đến khu phố Bình Phước A, phường Bình Chuẩn, TX. Thuận An, Bình Dương thuê 2500m2 đất ở với giá là 6 triệu đồng/năm để trồng rau. Anh kể thêm: “Phần lớn, họ hàng tôi thường sang Củ Chi, Hóc Môn để trồng rau. Tuy nhiên, tôi lại chọn Bình Dương vì nơi này chưa ai thuê đất trồng rau nên giá rẻ, lại gần các khu công nghiệp nên dễ bán hàng”.
Thời gian đầu, do đặc thù khí hậu và thổ nhưỡng Bắc Nam khác nhau nên khi áp dụng những kinh nghiệm của miền Bắc vào sản xuất, anh cũng gặp không ít thất bại. Qua tìm tòi học hỏi, anh quyết định áp dụng công nghệ trồng rau trong nhà lưới, vừa ngăn sâu bệnh làm hại rau màu vừa chủ động trồng rau quanh năm. Anh Dũng bỏ ra 70 triệu đồng đầu tư trồng các loại rau, như: dền, mồng tơi, cải dún, cải xanh, cải ngọt, xà lách, tần ô... Rau được thu hoạch luân phiên, loại rau này vừa thu hoạch xong thì lại được trồng vào đó loại rau khác. Rau thường trồng từ 25 - 40 ngày là cho thu hoạch, sau đó được bó lại thành từng bó và được thương lái đến tận nơi mua. Hằng ngày anh thu hoạch trung bình từ 300 - 500 bó rau các loại, mang về thu nhập 300 - 500 ngàn đồng/ngày.
Còn anh Huỳnh Văn Khải ở Bến Tre đến phường Phú Mỹ, TX. Thủ Dầu Một, Bình Dương thuê nhà trọ để đi làm công nhân. Thời gian rảnh, anh Huỳnh Văn Khải nuôi thêm dế. Trong một lần mua rau ở chợ về cho dế ăn, đàn dế chết gần hết, anh quyết định tự trồng rau để nuôi dế. Cơ duyên gắn anh với rau mầm từ đó. Anh chia sẻ: “Tôi tính, so với nuôi dế thì rau mầm có hiệu quả tương đương nhưng có thể thu lợi mỗi ngày. Ban đầu tôi trồng thử 10 khay/ngày, chỉ mơ ước có thu nhập bằng đồng lương công nhân. Càng trồng càng thấy hiệu quả và tôi bắt đầu tìm đất rộng hơn để phát triển”.
Đến nay, anh đã 3 lần thay đổi chỗ ở trọ để phát triển nghề trồng rau mầm. Hiện, anh thuê 2000m2 đất với giá là 10 triệu đồng năm. Mỗi ngày cung cấp ra thị trường từ 400 - 800 hộp rau mầm (4000đ/hộp), sau khi trừ tất cả chi phí anh thu về một triệu đồng. Sản phẩm rau mầm Khải Yến của anh đã có mặt ở các chợ đầu mối, các siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong năm 2010 vừa qua, nhãn hiệu rau mầm Khải Yến đã được đăng ký sở hữu trí tuệ.
* Thành công nhờ vượt khó
Những mô hình như anh Khải, anh Dũng không phải là hiện tượng mới ở Bình Dương hiện nay. Những năm qua, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhiều bà con nông dân ở Bình Dương đã lần lượt bỏ đất, phá vườn để chuyển sang kinh doanh nhà trọ. Những mảnh đất mà những người nông dân nhập cư này thuê được thường nằm ở những nơi hẻo lánh, quanh co không thể áp dụng các mô hình kinh tế khác, kể cả làm nhà trọ. Thuê đất trồng rau lợi cả đôi đường, người cho thuê thì có thêm thu nhập từ một vùng đất hoang hóa, ít hiệu quả. Còn người đi thuê đất có dịp để phát huy kinh nghiệm nhà nông để làm giàu.
Tuy nhiên, nghề thuê đất làm nông nghiệp giữa thành phố công nghiệp cũng lắm truân chuyên. Để đạt được những thành quả như trên thì bản thân những người nông dân du mục này phải trải qua nhiều khó khăn.
Trồng rau trong nhà lưới.
Anh Dũng nói thêm: “Thời gian đầu, do chưa biết được đất ở Bình Dương có nhiều cát hơn so ở quê nên tôi cứ áp dụng toàn bộ những kỹ thuật canh tác ở quê vào ruộng rau. Hậu quả là rau lớn không nổi”. Bỏ ra nhiều thời gian và công sức đi học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đồng hương ở Củ Chi, Hóc Môn… cuối cùng anh cũng đã thành công trong khâu làm đất. Hiện tại, 2500m2 chỉ có hai vợ chồng thay cùng nhau làm quần quật từ sáng sớm đến chiều tối. Một ngày của vợ chồng anh được bắt đầu từ 2 giờ sáng và kết thúc vào lúc 10 giờ đêm. Hết nhổ rau bó thành từng bó nhỏ lại đến tưới rau, chăm bón và làm đất, gieo hạt.
Còn đối với anh Khải, tháng đầu tiên trồng thử nghiệm, rau mầm bị bầm dập te tua với những khay rau vàng. Chạy vạy khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm nhưng do đây là một loại sản phẩm mới nên cũng không ai biết. Vốn liếng cứ thế mà trôi dần. Anh tìm đến Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Dương, qua Trung tâm khuyến nông tỉnh, cũng không ai biết nhiều về loại rau này. Anh dành nhiều ngày để theo dõi và nghiên cứu toàn bộ quy trình nẩy mầm và phát triển của cây. “Tôi chợt nhớ đến xơ dừa của quê mình có thể dùng làm giá thể được, nên chở xơ dừa lên để thử nghiệm. Rau phát triển tốt, nhưng độ cao vẫn không đồng đều. Chợt nhớ cha ngày xưa thường dùng gạch chận lên các hạt mạ để mạ phát triển đều nhau. Tôi thử dùng những tấm bìa giấy carton đậy lên các khay rồi xếp một lớp gạch lên trên” - anh kể lại. Sau nhiều thất bại mà vẫn không sờn lòng, cuối cùng anh cũng đã thành công.
Đan Châu