Báo Đồng Nai điện tử
En

Tín hiệu vui từ hồ Dầu Tiếng

09:11, 08/11/2011

Ở tỉnh Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng không chỉ là công trình thủy lợi, là thắng cảnh phục vụ du lịch mà còn là nguồn lợi thủy sản lớn. Hồ có diện tích mặt nước rộng hơn 27 ngàn hécta, chứa đến 1,5 tỷ mét khối nước, là nguồn sống của hàng ngàn hộ dân. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, việc đánh bắt thủy sản bừa bãi đã dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thiên nhiên này.

Ở tỉnh Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng không chỉ là công trình thủy lợi, là thắng cảnh phục vụ du lịch mà còn là nguồn lợi thủy sản lớn. Hồ có diện tích mặt nước rộng hơn 27 ngàn hécta, chứa đến 1,5 tỷ mét khối nước, là nguồn sống của hàng ngàn hộ dân. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, việc đánh bắt thủy sản bừa bãi đã dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thiên nhiên này.

Cách nay 2 năm, trước thực trạng nguồn thủy sản hồ Dầu Tiếng có dấu hiệu cạn kiệt, UBND tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân đánh bắt thủy sản phải đăng ký phương tiện, ngư cụ, hợp đồng đánh bắt và phải đóng phí hàng tháng theo quy định để ngành thủy sản trích mua cá giống thả bổ sung xuống hồ. Mức thu phí tùy theo phương tiện được phép đánh bắt trong hồ như: vó, lưới bén, câu giăng, lợp cá, cào hến, ủ chà… Việc thu phí được tiến hành một thời gian ngắn sau đó phải ngưng.

 * Nỗ lực quản lý nguồn thủy sản

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tây Ninh, hiện khu vực hồ Dầu Tiếng có trên 1.200 hộ dân, quản lý hơn 1 ngàn phương tiện (tàu, ghe…) đang hoạt động đánh bắt thủy sản với sản lượng đạt khoảng 3 ngàn tấn/năm. Đa số ngư dân đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, không có đất sản xuất và cũng không có nghề nghiệp nào khác ngoài việc bắt cá trên hồ kiếm sống qua ngày, vì thế việc thu phí làm cho nhiều hộ khó khăn càng gặp khó khăn hơn. Từ phản ứng của người dân qua các dịp tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp HĐND tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh Tây Ninh đã quyết định ngừng thu phí đánh bắt thủy sản.

Hồ Dầu Tiếng không chỉ là hồ thủy lợi mà còn có trữ lượng thủy sản cao.
Hồ Dầu Tiếng không chỉ là hồ thủy lợi mà còn có trữ lượng thủy sản cao.

Tuy nhiên, theo các cán bộ của Chi cục Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Tây Ninh, thì trong số những hộ dân đánh bắt thủy sản ở hồ Dầu Tiếng có cả người địa phương lẫn người nơi khác đến sinh sống. Nhiều người đến từ các tỉnh khác tham gia đánh bắt theo kiểu “tận thu”, sử dụng cả những cách đánh bắt có tính chất hủy diệt như: đánh trái nổ, xung điện, thậm chí có chỗ còn sử dụng thuốc hóa học dẫn đến tình trạng cạn kiệt rất nhanh nguồn lợi thủy sản.

Trước thực trạng đó, những năm gần đây, tỉnh Tây Ninh đã đưa ra nhiều biện pháp quản lý mạnh. Các ngành chức năng đã kiểm tra và tổ chức việc cấp hồ sơ đăng ký tàu cá, bè cá, cấu trúc nổi và thuyền viên, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho ngư dân trong hồ. Chi cục Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Tây Ninh đã tiến hành thống kê các phương tiện đánh bắt cá để cấp biển số ghe, cấp giấy phép khai thác thủy sản trong hồ và giấy chứng nhận đăng ký tàu cá.

Việc tuần tra, kiểm tra thường xuyên của lực lượng chức năng và xử phạt kịp thời các biểu hiện đánh bắt sai pháp luật, hủy hoại môi trường, tận diệt tôm cá … đã góp phần rất lớn trong việc quản lý nguồn lợi thủy sản!

Nhưng có lẽ nỗ lực lớn nhất của tỉnh Tây Ninh là việc thường xuyên thả cá giống xuống lòng hồ.

 * Khi cá tôm trở về

6 năm qua, để khôi phục nguồn lợi thủy sản trong hồ Dầu Tiếng, ngành nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh đã lên kế hoạch thả cá giống hàng năm trình UBND tỉnh để xin ngân sách đầu tư. Mỗi đợt thả cá giống bình quân hàng triệu con, gồm các loại: mè trắng, mè vinh, trắm cỏ, cá trôi, cá lăng...

Sau các đợt thả cá giống, Chi cục Thủy sản tỉnh Tây Ninh kết hợp cùng Công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng và Phòng Kinh tế huyện Dương Minh Châu tiến hành khảo sát, điều tra thực tế tại 10 bến cá chính trong hồ. Qua điều tra, những con số thống kê hàng năm cho thấy sản lượng cá tăng dần theo từng năm. Nhiều loại cá bà con đánh bắt được có trọng lượng cao.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, những loài cá được thả xuống hồ Dầu Tiếng đều phát triển nhanh do gặp môi trường sống tốt, nguồn thức ăn phong phú.

Hồ Dầu Tiếng hiện nay được xem là nơi bảo tồn và phát triển rất thuận lợi cho các loài thủy sản. Hiện trong hồ có khoảng trên năm chục loài sinh sống, hàng năm cung cấp hàng ngàn tấn thủy sản cho nhu cầu tiêu dùng và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Từ đầu năm 2011 đến nay, theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Ninh, sản lượng thủy sản khai thác được trên địa bàn tỉnh đạt hơn trên 1.800 tấn, trong đó chủ yếu là sản lượng cá đánh bắt trong hồ Dầu Tiếng.

* Và tín hiệu vui cho thủy lợi

Theo cơ quan quản lý công trình thủy lợi Dầu Tiếng, hiện nay, mực nước tích được trong hồ đã gần đạt cao trình 24m. Hiện đã gần cuối mùa mưa, và theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, lượng mưa sẽ không còn nhiều. Dự báo, năm nay hồ Dầu Tiếng có khả năng tích được lượng nước đạt cao trình từ 24m đến 24,4m (mức thiết kế cho phép tích nước tối đa của hồ, tương ứng với 1 tỷ 580,8 triệu m3 nước). So với năm 2010, lượng nước tích được năm nay nhiều hơn (trên 300 triệu m3).

Ông Bùi Xuân Đại, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, lượng nước tích được trong mùa mưa năm nay là rất tốt. Nếu đạt theo mức dự báo, năm nay hồ Dầu Tiếng tích được lượng nước vừa đủ, không quá dư có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến hồ phải xả bỏ bớt như đã dự phòng; đồng thời cũng không quá thấp đến mức thiếu nước nghiêm trọng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho đến mùa mưa năm sau.

Diệu Anh

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều