Ở vùng nông thôn Nam bộ nói chung, miền Đông nói riêng, việc uống cà phê vào sáng sớm, chiều mát và lúc nông nhàn để trao đổi những câu chuyện về sản xuất, đời sống là một tập quán lâu đời của người nông dân. Vì thế, mô hình cà phê khuyến nông ra đời dựa vào thói quen cà phê để chia sẻ của bà con, giúp họ có cơ hội trao đổi với nhau những kinh nghiệm; thông tin cho nhau về giá cả, thời tiết, cùng nhau tra cứu tài liệu qua nhiều kênh khác nhau.
Ở vùng nông thôn Nam bộ nói chung, miền Đông nói riêng, việc uống cà phê vào sáng sớm, chiều mát và lúc nông nhàn để trao đổi những câu chuyện về sản xuất, đời sống là một tập quán lâu đời của người nông dân. Vì thế, mô hình cà phê khuyến nông ra đời dựa vào thói quen cà phê để chia sẻ của bà con, giúp họ có cơ hội trao đổi với nhau những kinh nghiệm; thông tin cho nhau về giá cả, thời tiết, cùng nhau tra cứu tài liệu qua nhiều kênh khác nhau.
Ông Lê Văn Lợi ngụ ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh làm nghề chăn nuôi heo hàng chục năm nay với quy mô lớn, từ khi quán cà phê khuyến nông do Trung tâm khuyến nông TP. Hồ Chí Minh mở ra gần nhà, ông có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật mới. Ông nói: “Ngày nào tôi cũng thường xuyên ghé đến đây lên mạng tìm hiểu về giá cả để không bị thương lái ép giá”.
* Nông dân thời Internet
Giờ đây, hình ảnh những nông dân vừa nhâm nhi cà phê vừa lướt web không còn xa lạ ở nhiều địa bàn nông thôn miền Đông. Không cần nhạc hay, khung cảnh đẹp, các quán cà phê khuyến nông có máy tính nối mạng do ngành khuyến nông tổ chức đã thu hút khách đều đặn ngày 2 buổi, sáng bắt đầu từ lúc gà gáy và khi mặt trời tắt nắng là quán luôn đông khách. Vì là “cà phê khuyến nông” nên quán chỉ có ở các huyện ngoại thành, nơi mà đa số người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông.
Một quán cà phê khuyến nông ở TP.Hồ Chí Minh. |
Tọa lạc tại một ngã tư của xã Thái Mỹ, cách tỉnh Long An 6km, cách Tây Ninh 10km, quán cà phê khuyến nông ở vùng đất Củ Chi này không chỉ thu hút được sự quan tâm của bà con trong vùng mà ở cả những vùng lân cận cũng đến tìm hiểu. Quán trang bị được một máy tính nối mạng, có cả máy in cho bà con sao chép tài liệu. Một tủ sách với hơn 200 đầu sách báo, băng đĩa phần lớn là tài liệu chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất nông nghiệp.
Nhiều bà con ở xã Thái Mỹ và khu vực lân cận cũng có nhiều điều kiện để tiếp cận với khoa học kỹ thuật nông nghiệp và giá cả thị trường nhiều hơn khi lên net tìm kiếm thông tin tại cà phê khuyến nông. Mỗi lần khó khăn chuyện gì trong sản xuất, chăn nuôi, bà con lại chỉ nhau dùng Google để tìm thông tin. Sự ra đời của quán cà phê khuyến nông đã giúp ích rất nhiều cho đời sống và sản xuất nông nghiệp của bà con. Nhiều người học theo các mô hình sản xuất trên báo và nuôi thành công bò sữa, nhím, trăn, trồng thêm hoa lan, hoa mai… thông qua các trang web nongnghiep.vn, khuyennongvn.gov.vn, webchannuoi.com, trang web của Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông thành phố…
Cà phê khuyến nông ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) nhìn bên ngoài rất tuềnh toàng, nhưng bên trong có một tủ lớn với hơn 200 đầu sách kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp và “điểm nhấn” là một bộ máy vi tính luôn được nối mạng Internet. Đối lập với không khí sôi nổi của bàn bên cạnh đang tranh cãi về việc dự báo giá phân bón tăng hay giảm là một nhóm các lão nông đang chăm chú theo dõi đoạn phim tư liệu về kỹ thuật trồng hoa lan trên màn hình máy tính. Nếu như có chỗ nào chưa nắm rõ thì có ý kiến cho “tua” lại. Lão nông Ba Hoàng hứng khởi cho biết: Mấy hôm trước, bà con có tham khảo tài liệu hướng dẫn cách trồng hoa lan trên sách nhưng có nhiều chỗ chưa hiểu, chỉ đến khi được “mắt thấy, tai nghe” thì mọi chuyện mới thông.
Ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, cà phê khuyến nông còn có bàn cờ tướng cho các Hai Lúa giải trí. Quán này thường xuyên đón những nông dân ở tận Tây Ninh xuống học hỏi và xin tài liệu.
* Một mô hình cần nhân rộng
Có khá nhiều hình thức thông tin mà các quán cà phê khuyến nông khai thác. Ví dụ, có chủ quán cho biết họ cũng dùng các đĩa ghi âm về các mô hình, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi để bà con vừa uống cà phê vừa nghe. Thường buổi trưa, từ 12 - 1 giờ 30, quán trở thành nơi nghỉ ngơi cho bà con và chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật đồng án. Buổi chiều, quán là nơi họp mặt, truy cập web, trao đổi những thông tin khoa học kỹ thuật nông nghiệp trong và ngoài nước, những mô hình và những cách làm hiệu quả. Các thông tin được bà con quan tâm phần lớn là cách thức trồng rau củ quả, trồng nấm rơm và các mô hình chăn nuôi. Rất nhiều trường hợp thắc mắc, sự cố của bà con nông dân, nếu như trước đây chỉ biết buông tay đứng nhìn hoặc giải quyết theo kiểu “hên xui” thì bây giờ đã có thể đem ra quán, nhiều người cùng nhau mổ xẻ hoặc người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau. Nếu gặp vấn đề hóc búa, bó tay thì có thể tham khảo sách báo, vào mạng hoặc hỏi trực tiếp nhân viên kỹ thuật luôn có mặt thường xuyên ở quán.
Mô hình cà phê khuyến nông được mở đầu tiên tại xã Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ngày nay, mô hình này đã lan rộng đến nhiều địa phương. Đây là một hình thức mới đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến nông, chủ trương, chính sách, pháp luật đến với bà con nông dân một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, cũng tạo sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà sản xuất). Mô hình này bước đầu được đa số bà con nông dân hưởng ứng và đồng tình.
Anh Trần Quang Mẫn, cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông Hóc Môn giải thích: Khi vấn đề sản xuất đã tạm ổn, điều mà nông dân quan tâm nhất chính là đầu ra. Giá cả thu mua thường phó mặc cho thương lái nên thường xuyên bị họ ép giá. Trước đây, bà con phải chạy ngược chạy xuôi, cầu cạnh người khác để biết giá cả chính xác. Giờ thì chỉ việc ra quán, en-tơ một cái là biết liền, bán theo giá thị trường chứ không bị “hớ” nữa.
Từ những hiệu quả của mô hình cà phê khuyến nông mang lại, nếu được nhân rộng và được sự ủng hộ, khuyến khích từ nhiều phía sẽ tạo điều kiện giúp nông dân tránh được nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất và chủ động hơn ở khâu đầu ra.
Quốc Khánh - Hạ Nhiên