Một cơ chế "chỉ huy" đủ mạnh, trong đó "người chỉ huy" phải thực sự có quyền lực là một trong những yếu tố then chốt để mối liên kết vùng Đông Nam bộ thực sự mang lại hiệu quả.
Một cơ chế “chỉ huy” đủ mạnh, trong đó “người chỉ huy” phải thực sự có quyền lực là một trong những yếu tố then chốt để mối liên kết vùng Đông Nam bộ thực sự mang lại hiệu quả.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một trong những dự án hạ tầng liên kết vùng Đông Nam bộ đã hoàn thành xây dựng và mang lại hiệu quả cao trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Ảnh: P.Tùng |
* Liên kết vùng vẫn còn lỏng lẻo
Vùng Đông Nam bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đối với nước ta và khu vực. Đặc biệt, trên lĩnh vực kinh tế, vùng Đông Nam bộ được xem là vùng phát triển “đầu tàu” của cả nước. Với diện tích khoảng 30,5 ngàn km2, chiếm 9,2% diện tích cả nước và dân số khoảng 21,9 triệu người, chiếm khoảng 22% dân số cả nước nhưng GRDP của vùng chiếm hơn 35% cả nước. Đồng thời, vùng Đông Nam bộ cũng đang đóng góp hơn 40% tổng thu ngân sách cả nước.
Những năm qua, việc thực hiện liên kết vùng để phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ đã có nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể là những kết quả đạt được trong liên kết vùng để phát triển hệ thống hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác kinh tế.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG, thời gian qua, gần như các địa phương trong vùng Đông Nam bộ vẫn đang điều hành, thực hiện theo các chức năng, nhiệm vụ trong địa phương mình là chính. Sự chỉ đạo, điều hành của vùng chưa thực sự rõ ràng nên chưa tập hợp được sức mạnh về nguồn lực của từng địa phương, nguồn lực trung ương phục vụ phát triển chung. “Phần lớn các địa phương vẫn đang tự mình thực hiện các dự án trên địa bàn mình là chính. Việc phối hợp giữa các địa phương trong vùng Đông Nam bộ đạt hiệu quả chủ yếu là sự hợp tác liên kết phát triển song phương giữa các địa phương” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay. |
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được tổ chức vào giữa tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, thời gian qua, nhiều dự án phát triển hạ tầng trong quy hoạch phát triển vùng đã được đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Các dự án như: cầu Đồng Nai mới; đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; các dự án mở rộng quốc lộ 51, quốc lộ 1, quốc lộ 20… đã phát huy hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung. Hiện nay, nhiều dự án hạ tầng trong quy hoạch phát triển vùng cũng đang được tiếp tục triển khai thực hiện như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường vành đai 3 - TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.
Cùng với đó, Đồng Nai và các địa phương khác trong vùng Đông Nam bộ cũng đã triển khai nhiều chương trình hợp tác kinh tế như: tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại; tạo kết nối các đơn vị, cá nhân sản xuất các mặt hàng nông sản, thủy sản đạt chuẩn an toàn, các sản phẩm thuộc chuỗi liên kết; thực hiện phối hợp trong công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; phối hợp giới thiệu các sản phẩm du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, mối liên kết của vùng Đông Nam bộ vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu cố hữu, đặc biệt là thiếu cơ chế đặc thù trong phối hợp liên kết vùng. Chính điều này đã khiến cho mối liên kết vùng Đông Nam bộ vẫn còn lỏng lẻo và chưa mang tính sâu rộng.
* Cần lời giải cho “3 bài toán” để liên kết vùng hiệu quả
Hiện nay, cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 đang được triển khai xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2025. Trước đó, vùng Đông Nam bộ cũng đã sở hữu một trong 2 cảng biển lớn nhất cả nước là cảng Cái Mép. Cùng với hàng loạt dự án hạ tầng lớn, có tính kết nối vùng cũng đang và sắp được triển khai thực hiện như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 - TP.HCM. Chính vì vậy, tiềm năng và động lực phát triển của vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới được đánh giá là rất to lớn.
Mặc dù vậy, để những tiềm năng và động lực phát triển này trở thành hiện thực, việc xây dựng mối liên kết vùng chặt chẽ, đồng bộ hơn là vấn đề cần phải được giải quyết rốt ráo.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, muốn liên kết vùng Đông Nam bộ đạt hiệu quả cần phải giải quyết được 3 vấn đề. Trong đó, vấn đề lớn, quan trọng nhất là phải có một cơ chế chỉ huy đủ mạnh, thực sự có quyền lực. “Phải có thiết chế nào để có được sự chỉ huy thống nhất của vùng. Quy hoạch thôi thì chưa đủ mạnh mà phải có cơ chế chỉ huy toàn vùng” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Cùng với cơ chế chỉ huy, vấn đề thứ hai là vùng phải có nguồn lực phục vụ phát triển vùng. Đây là vấn đề rất quan trọng; bởi nếu không có nguồn lực chung của vùng mà vẫn phát triển dựa trên nguồn lực riêng của từng địa phương thì sẽ không mang lại hiệu quả, không có tính kết nối. Để liên kết vùng đạt hiệu quả, vùng Đông Nam bộ phải có nguồn lực sử dụng chung cho toàn vùng.
Vấn đề thứ 3 được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ ra là liên kết vùng phải tạo ra động lực cho mỗi địa phương trong vùng. Hợp tác phải mang lại lợi ích, mang lại động lực cho mỗi địa phương thì mới có thể thúc đẩy các địa phương tham gia, hợp tác hiệu quả.
* Kiến nghị thành lập Ban quản lý dự án vùng
Phát biểu tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, qua kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, nếu không có Ban quản lý dự án vùng thì không làm được các dự án liên kết vùng.
Do đó, đề nghị sớm có quy hoạch vùng và xác định các công trình liên kết vùng. Đồng thời, thành lập Ban quản lý dự án vùng, hoàn thiện cơ chế đóng góp nguồn vốn của mỗi địa phương trong vùng để thực hiện các dự án mang tính liên kết vùng.
Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá, liên kết vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian qua còn lỏng lẻo và chưa mang lại hiệu quả cao. Trong đó, nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng này là do hệ thống pháp luật chưa có quy định cụ thể về chính quyền cấp vùng. Điều này dẫn đến không có bộ máy điều hành vùng, không có nguồn ngân sách vùng để phục vụ phát triển.
Vậy nên, từ thực tiễn tổng kết, vấn đề liên kết phát triển vùng phải được nghiên cứu bài bản và rõ hơn. Bộ KH-ĐT đang phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu mô hình phát triển vùng hiệu quả nhất. Các địa phương, trong đó có Đồng Nai cần nghiên cứu, đóng góp để xây dựng mô hình phát triển vùng.
Phạm Tùng