Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm 2022, kinh tế vùng Đông Nam bộ lội ngược dòng

07:12, 03/12/2022

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do kinh tế toàn cầu suy giảm nhưng kinh tế của vùng Đông Nam bộ trong năm 2022 vẫn lội ngược dòng, giữ được mức tăng trưởng khá. Đây là khu vực có thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu dẫn đầu cả nước.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do kinh tế toàn cầu suy giảm nhưng kinh tế của vùng Đông Nam bộ trong năm 2022 vẫn lội ngược dòng, giữ được mức tăng trưởng khá. Đây là khu vực có thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu dẫn đầu cả nước.

Sản xuất hàng hóa xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch)
Sản xuất hàng hóa xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch). Ảnh: K.Minh

Theo Chính phủ, vùng Đông Nam bộ được coi là đầu tàu trong phát triển kinh tế của Việt Nam vì có tứ giác kinh tế: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Các trung tâm công nghiệp lớn đa số tập trung tại Đông Nam bộ nên nhiều tập đoàn đa quốc gia muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ, bất động sản…

* Dẫn đầu về thu hút vốn FDI

Vùng Đông Nam bộ bao gồm 6 tỉnh, thành: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Trong 11 tháng của năm 2022, thu hút vốn FDI vào khu vực đã đạt 8,5 tỷ USD, chiếm gần 34% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với 3,54 tỷ USD, tiếp đến là Bình Dương hơn 3 tỷ USD. Trong năm nay, Đồng Nai vẫn nằm trong tốp 10 các tỉnh, thành về thu hút FDI với gần 1,1 tỷ USD.

Tính đến nay, Đông Nam bộ vẫn là nơi có thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Dòng vốn FDI chủ yếu đổ vào lĩnh vực công nghiệp đã giúp vùng trở thành trung tâm công nghiệp, xuất khẩu lớn của Việt Nam. Công nghiệp phát triển kéo theo thương mại, dịch vụ cũng phát triển, tạo ra nhiều việc làm với thu nhập cao cho người lao động. Thu nhập bình quân đầu người của Đông Nam bộ hơn 5 ngàn USD/người/năm, gấp gần 2 lần bình quân chung của cả nước.

Mục tiêu của Chính phủ phát triển vùng Đông Nam bộ trở thành nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là trung tâm khoa học, tài chính, công nghiệp công nghệ cao, logistics ở Việt Nam.

Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) Nguyễn Tuấn Anh đánh giá: “Hiện nay, nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam hơn 36,1 ngàn dự án trên các lĩnh vực với tổng vốn đăng ký hơn 437,5 tỷ USD. Trong đó, Đông Nam bộ là nơi được nhiều doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào vì có môi trường năng động, thuận lợi và có nhiều tiềm năng. Vốn FDI góp phần quan trọng trong phát triển, tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, thành trong vùng”.

Hiện đã có gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào vùng với nhiều nhà máy sản xuất hiện đại so với khu vực ASEAN. Nhiều công ty đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và giữ vị trí quan trọng. Việt Nam vươn lên xếp thứ 3 trong khối ASEAN có sự đóng góp lớn từ những tỉnh, thành thuộc Đông Nam bộ.

Theo các hiệp hội DN nước ngoài thì trong thời gian tới, Đông Nam bộ vẫn là khu vực được nhiều nhà đầu tư FDI chú ý và muốn tìm cơ hội để đầu tư vào.

Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam Alain Cany cho biết: “Tuy xảy ra dịch bệnh Covid-19 kéo theo kinh tế toàn cầu rơi vào suy giảm nhưng nhiều DN châu Âu vẫn đầu tư mới và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, vùng Đông Nam bộ vẫn là nơi được nhiều tập đoàn, DN châu Âu lựa chọn đặt những dự án lớn từ vài trăm đến cả tỷ euro. Các nhà máy của châu Âu đầu tư vào Đông Nam bộ đều có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường”.

* Vẫn giữ mức tăng trưởng cao

Trong quý IV-2022, các DN trong vùng Đông Nam bộ gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu đơn hàng. Do đó, DN ở một số ngành hàng phải thu hẹp sản xuất, cho người lao động nghỉ luân phiên hoặc chỉ làm 4-5 ngày/tuần. Thế nhưng, các DN và tỉnh, thành vẫn nỗ lực để hoàn thành chỉ tiêu về kinh tế đã đặt ra, có nhiều chỉ tiêu vẫn giữ mức tăng trưởng khá như: chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng GRDP, huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội…

Cụ thể, thu ngân sách nhà nước gần 11 tháng năm 2022 của vùng Đông Nam bộ gần 600 ngàn tỷ đồng và hầu hết các tỉnh, thành đều đã thu vượt dự toán năm. Trong đó, TP.HCM thu hơn 400 ngàn tỷ đồng; tiếp đến là Đồng Nai được hơn 61 ngàn tỷ đồng; Bình Dương gần 61 ngàn tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu riêng thu nội địa trên 40 ngàn tỷ đồng…

Phó giám đốc Sở KH-ĐT
tỉnh Bình Dương Trịnh Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Bình Dương có 28 khu công nghiệp với diện tích hơn 12 ngàn ha đang hoạt động, thu hút hơn 4 ngàn dự án, tổng vốn đăng ký trên 40 tỷ USD. Công nghiệp phát triển đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nâng cao thu nhập của người dân. Hiện thu nhập bình quân đầu người của tỉnh khoảng 6 ngàn USD/người/năm”. Khoảng 4-5 năm trở lại đây, Bình Dương bứt phá vượt qua Đồng Nai trong thu hút đầu tư trong nước, FDI, thu ngân sách và xuất khẩu.

Tại Đồng Nai, dự tính năm nay, GRDP theo giá hiện hành sẽ đạt gần 431 ngàn tỷ đồng, tăng 8,52% so với năm trước và thu nhập bình quân đầu người hơn 5,7 ngàn USD. Năm 2022, thu hút đầu tư FDI của Đồng Nai thấp là do đất trong các khu công nghiệp còn rất ít nên không thể đón được những dự án có vốn lớn. Thu hút đầu tư trong nước lại vướng các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai do vướng các luật.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Tình hình kinh tế trong những tháng cuối năm rất khó khăn do ảnh hưởng chung của suy giảm kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tỉnh vẫn cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, giữ mức tăng trưởng khá. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương kịp thời hỗ trợ các DN trên địa bàn giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để tăng thu hút đầu tư và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho DN”.

Mới đây, Chính phủ tổ chức hội nghị vùng Đông Nam bộ để đưa ra các giải pháp nhằm tạo đột phá trong xây dựng và phát triển, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và Đông Nam Á. Mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Đến năm 2045, Đông Nam bộ sẽ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại…

 Khánh Minh 

Tin xem nhiều