Dịch bệnh, chiến tranh khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia bắt tay với nhau điều tiết lại chuỗi sản xuất để không quá tập trung vào một vài thị trường. Trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn, sản xuất quốc tế vùng Đông Nam bộ (ĐNB) là nơi được nhiều nhà đầu tư tìm đến.
Dịch bệnh, chiến tranh khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia bắt tay với nhau điều tiết lại chuỗi sản xuất để không quá tập trung vào một vài thị trường. Trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn, sản xuất quốc tế vùng Đông Nam bộ (ĐNB) là nơi được nhiều nhà đầu tư tìm đến.
Sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Huỳnh Đức (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Thế |
Với các doanh nghiệp (DN), sự chủ động nâng cao năng lực sản xuất là cơ hội để tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết quốc tế và vươn ra thế giới.
* Trọng điểm hút vốn ngoại
Năm 2022, dù khó khăn, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chảy mạnh vào vùng ĐNB. 2 vị trí dẫn đầu cả nước lần lượt thuộc về TP.HCM với hơn 3,9 tỷ USD và Bình Dương hơn 3,1 tỷ USD. Các tỉnh còn lại như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước cũng có nhiều nỗ lực trong bối cảnh kinh tế vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng quốc tế từ Trung Quốc ra các khu vực khác là cơ hội của Việt Nam. Trong đó, vùng ĐNB có thể đón được các nhà đầu tư lớn. Cuối tháng 11-2022, tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐNB, đã có 20 dự án với tổng số vốn hơn 10 tỷ USD được trao giấy chứng nhận, biên bản hợp tác đầu tư. Đây là các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực hóa dầu, điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị…
Theo tính toán của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trong năm 2023, Việt Nam có thể thu hút 36-38 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. ĐNB vẫn sẽ là vùng trọng điểm thu hút đầu tư. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2030, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam sẽ hướng đến các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. |
Ông Phil Kyun Choi, Giám đốc phụ trách mảng điều hành DN Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định, 2-3 năm trở lại đây, nhiều nhà máy từ Trung Quốc đã dịch chuyển sang các nước như: Indonesia, Philippines, Việt Nam. Tiêu biểu như Samsung có nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam, chiếm 60% tất cả sản phẩm của hãng bán trên toàn cầu. Các DN khác của Hàn Quốc đang cân nhắc những lợi thế so sánh của Việt Nam để có thể đưa ra những quyết định phù hợp. Điều quan trọng là phải nâng được nội lực của các nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam, điều này thì rõ ràng so với Trung Quốc hay một số nước khác Việt Nam chưa thể bằng.
Đón sóng đầu tư, những năm qua, các địa phương trong vùng đã nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là việc đáp ứng nhu cầu thuê đất của những nhà đầu tư lớn. Bình Dương định hướng xây dựng những khu công nghiệp khoa học công nghệ, các cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo thông qua đề án thành phố thông minh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, trong đó ưu tiên thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giúp thu hút nhiều dự án lớn trong và ngoài nước.
Với Đồng Nai, lợi thế lớn hiện nay để giữ được vị trí “thỏi nam châm” thu hút đầu tư là những dự án hạ tầng lớn đã và đang xây dựng. Các dự án như: sân bay, đường cao tốc, cảng biển với số vốn lớn sẽ là động lực để tỉnh phát triển. Đối với việc tạo quỹ đất sẵn sàng cho các nhà đầu tư, Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện thủ tục pháp lý, sớm bổ sung 8 khu công nghiệp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Khi đó, Đồng Nai sẽ có hơn 7 ngàn ha đất công nghiệp để mời gọi đầu tư. Tương tự, Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm quỹ đất hơn 8 ngàn ha, TP.HCM cũng sẽ bổ sung thêm những khu công nghiệp mới.
Cộng hưởng với mở rộng hạ tầng, các địa phương trong vùng cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính với phương châm đồng hành cùng DN. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực liên vùng, phục vụ cho nhu cầu phát triển về lâu dài.
* DN chủ động vào chuỗi cung ứng
Với việc các tập đoàn lớn quốc tế tiếp tục rót vốn vào đã tạo điều kiện cho DN trong nước có cơ hội chen chân vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Trường Hải là tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn của cả nước, xuất thân từ Đồng Nai và hiện xây dựng khu kinh tế, công nghiệp chuyên ngành ô tô lớn nhất cả nước ở tỉnh Quảng Nam. Đơn vị này đang mở rộng các lĩnh vực sản xuất CNHT và khu vực ĐNB sẽ là trọng điểm đầu tư của DN.
Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí và CNHT Thaco Industries (thuộc Công ty CP Tập đoàn Trường Hải - Thaco) Đỗ Minh Tâm, đơn vị đang nghiên cứu xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành trong vùng. Mục tiêu là liên kết các DN CNHT nội với nhau, đồng thời tạo cơ hội để các đối tác trong nước tham gia sâu hơn vào mảng sản xuất của Thaco cũng như chuỗi liên kết quốc tế.
Không chỉ các tập đoàn mà với những đơn vị nhỏ hơn cũng đang nỗ lực để nâng cấp mình.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội Cơ khí - điện TP.HCM Đỗ Phước Tống cho biết: “Làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ, để đón nhận nhanh xu hướng này buộc DN mạnh dạn đầu tư, tự đổi mới mình và nâng cao năng lực cạnh tranh. DN đã đầu tư thêm nhà máy mới với kỳ vọng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với nhiều sản phẩm được các DN đối tác đặt hàng”.
Tương tự, ông Lê Đức Huỳnh, chủ Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Huỳnh Đức (TP.Biên Hòa) đã có 30 năm gầy dựng và phát triển thương hiệu. DN này đã có nhà máy sản xuất tại Đồng Nai và Đà Nẵng. Để nâng cấp mình, Huỳnh Đức đầu tư xây dựng nhà máy mới trong Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Các sản phẩm cơ khí chính xác của công ty đang cung ứng cho ngành CNHT tại Việt Nam và một số đối tác từ các quốc gia tiên tiến khác như: Australia, Nhật Bản và Mỹ.
Công ty này luôn liên tục cải tiến hệ thống quản lý, đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng và trang bị máy móc hiện đại để có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của ngành CNHT trong tương lai.
Vấn đề hiện nay mà cộng đồng DN mong muốn là Nhà nước đưa ra các định hướng chung và làm cầu nối cho sự hợp tác. Về công nghệ, nhân lực thì qua thời gian, các DN có thể tự bổ sung được, song rất cần vai trò cầu nối của Nhà nước thông qua các chương trình hợp tác với đối tác FDI có nhu cầu nội địa hóa nguồn nguyên liệu của họ, từ đó DN nội có động lực để phát triển năng lực sản xuất của mình.
Vương Thế