Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa tứ giác kinh tế trở thành vùng động lực phía Nam

08:02, 18/02/2023

Theo Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ KH-ĐT trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội khóa XV, tứ giác kinh tế vùng Đông Nam bộ (ĐNB) gồm 4 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là vùng động lực phía Nam, một trong 4 vùng động lực quốc gia.

Theo Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ KH-ĐT trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội khóa XV, tứ giác kinh tế vùng Đông Nam bộ (ĐNB) gồm 4 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là vùng động lực phía Nam, một trong 4 vùng động lực quốc gia.

Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối được xem là giải pháp đột phá phát triển vùng Đông Nam bộ nói chung và tứ giác kinh tế của vùng nói riêng. Trong ảnh: Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, một trong những trục giao thông kết nối quan trọng của vùng. Ảnh: P.TÙNG
Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối được xem là giải pháp đột phá phát triển vùng Đông Nam bộ nói chung và tứ giác kinh tế của vùng nói riêng. Trong ảnh: Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, một trong những trục giao thông kết nối quan trọng của vùng. Ảnh: P.TÙNG

Trong vùng động lực phía Nam, TP.HCM sẽ đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng.

* Nhiều tiềm năng trở thành vùng động lực

Theo Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội, định hướng phát triển các vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế được xác định rõ ràng. Đó là vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để trở thành đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển, các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Trong đó, đối với phát triển các vùng động lực quốc gia, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, sẽ lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia, bao gồm: phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); phía Nam (TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu); miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định TP.HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.

ĐNB từ lâu đã được xác định là vùng kinh tế đầu tàu, động lực của cả nước. Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, những năm qua, ĐNB đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức vào tháng 10-2022, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng ĐNB tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và gấp 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng ĐNB đã đóng góp 32% GDP của cả nước và 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.

Trong vùng ĐNB, tứ giác kinh tế TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu chính là những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu. Năm 2022, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu là 2 trong số 4 địa phương trên cả nước có tổng thu ngân sách đạt trên 100 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, Đồng Nai và Bình Dương là 2 địa phương có tổng thu ngân sách đạt trên 60 ngàn tỷ đồng.

* Chưa phát huy hết tiềm năng

Lâu nay, dù là những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế thuộc nhóm đầu cả nước nhưng vùng tứ giác kinh tế ĐNB vẫn chưa phát huy hết các tiềm năng phát triển. Một trong những nguyên nhân chính là hệ thống hạ tầng giao thông liên kết vùng cũng như các cực của tứ giác kinh tế này còn yếu và thiếu đồng bộ. 

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, vùng ĐNB còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt. Nguyên nhân do nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng chưa đầy đủ. Thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kết nối vùng quan trọng, quy mô lớn và cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Từ thực trạng trên, việc tăng cường kết nối giữa các địa phương trong vùng cũng như các địa phương thuộc tứ giác kinh tế của vùng được xem là giải pháp đột phá để phát triển trong thời gian tới.

Hiện nay, dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, sân bay lớn nhất cả nước đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn Đồng Nai. Với sân bay Long Thành khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, tứ giác kinh tế của vùng ĐNB sẽ có thêm điều kiện để tăng tốc phát triển. Bởi trong tương lai, bên cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, hệ thống cảng biển TP.HCM, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu mà quan trọng nhất là cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tứ giác kinh tế này sẽ được bổ sung thêm một “cửa ngõ” mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Với hệ thống sân bay và cảng biển có quy mô hàng đầu của cả nước, các địa phương trong tứ giác kinh tế ĐNB sẽ có thêm điều kiện để phát triển mạnh nền công nghiệp vốn đã rất phát triển hiện nay. Bên cạnh đó, các ngành kinh tế khác như thương mại dịch vụ, logistics, du lịch của các địa phương cũng sẽ được tiếp thêm nền tảng để tăng tốc phát triển. 

Bên cạnh sân bay Long Thành, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đang được triển khai để tạo liên kết trong khu vực ĐNB và giữa các vùng kinh tế khác của phía Nam, cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực bứt phá mới.

Trong số các dự án hạ tầng giao thông đang được triển khai thực hiện, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 3-TP.HCM là 2 dự án được kỳ vọng bậc nhất. Đây là 2 dự án hạ tầng giao thông đóng vai trò kết nối trực tiếp vùng ĐNB và các khu vực kinh tế khác. Theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, cả 2 dự án này sẽ được đồng loạt khởi công trong tháng 6-2023 tới và cơ bản hoàn thành để đưa vào khai thác năm 2025.

Ngoài ra, một loạt các dự án khác cũng đang được xúc tiến các thủ tục liên quan để triển khai thực hiện như: Đường vành đai 4-TP.HCM, Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Khi hoàn thành xây dựng, tất cả các dự án này sẽ tạo nên một mạng lưới giao thông đồng bộ, đầy đủ các phương thức để gia tăng động lực phát triển cho vùng ĐNB nói chung và tứ giác kinh tế TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều