Màn diễn đầu tiên của Euro 2012 trên sân khấu Ba Lan, Ukraine đã khép lại với không nhiều dấu ấn. Có bất ngờ, nhưng những nút thắt cao trào, kích tính thì chưa. Cũng không có những trận đấu, những “bữa tiệc” bóng đá làm mãn nhãn người xem. Còn nhà vô địch thì như vẫn cố… giấu mình.
Màn diễn đầu tiên của Euro 2012 trên sân khấu Ba Lan, Ukraine đã khép lại với không nhiều dấu ấn. Có bất ngờ, nhưng những nút thắt cao trào, kích tính thì chưa. Cũng không có những trận đấu, những “bữa tiệc” bóng đá làm mãn nhãn người xem. Còn nhà vô địch thì như vẫn cố… giấu mình.
* Chất lượng… bình thường
Qua 24 trận đấu của 4 bảng, đã có tròn 60 bàn thắng được ghi, bình quân 2,5 bàn/trận. Một chỉ số không thấp nhưng cũng chẳng cao. Có nhiều bàn thắng nhất là lượt trận thứ 2 với 26 lần lưới các đội rung lên (trung bình 3,25 bàn/trận, so với lượt trận đầu tiên chỉ có 20 bàn) do các đội phải bung hết sức để sớm quyết định số phận. Song, sang đến lượt đấu cuối, con số này đã tụt xuống chỉ còn 14 bàn. Điều đáng nói là không có một trận đấu nào không có bàn thắng (cả 5 trận hòa đều có cùng tỷ số 1-1, có 6/24 trận kết thúc với tỷ số tối thiểu 1-0). Đặc biệt có rất nhiều bàn thắng từ đánh đầu.
Nhất bảng, vào tứ kết, Tây Ban Nha (áo xanh) vẫn không khiến người hâm mộ hài lòng. Ảnh: T.L |
Hiệu ứng Chelsea lên ngôi ở Champions League bằng lối chơi phòng thủ đã có ảnh hưởng nhất định đến tư duy của các nhà cầm quân tại vòng chung kết (VCK) Euro. Không đến mức tiêu cực đổ bê tông hay dựng chiếc xe bus 2, 3 tầng; nhưng hầu hết các đội, ngay cả những ứng cử viên, đều đặt sự thận trọng, an toàn lên trước tiên.
Bên cạnh đó, một yếu tố tích cực là trong sự giao thoa dễ dàng của “thế giới phẳng”, trình độ và sự hiểu biết về nhau của các đội tuyển (ĐT) ở cựu lục địa đã gần lại đáng kể. Trong 3 trận có tỷ số chênh lệch cao nhất thì 2 thuộc Ireland (thua Croatia 1-3 và Tây Ban Nha 0-4) do đội bóng của Trapattoni quá yếu lại ngờ nghệch, còn trận thua đầu tay 1-4 của CH Czech trước Nga chẳng qua là “tai nạn” (bằng chứng là sau đó chính CH Czech chứ không phải Nga là ĐT đi tiếp).
* Dấu ấn và chiến thuật
Không (hay chưa) có cuộc cách mạng nào về chiến thuật, chủ yếu vẫn là những biến thể của đội hình 4-4-2, 4-3-2-1 hay 4-1-4-1. Sơ đồ 4-6-0 mà huấn luyện viên (HLV) Del Bosque áp dụng chủ yếu là thích ứng với tình hình lực lượng và lối chơi tiqui taca chứ không phải là chủ đích sáng tạo. Thực chất Tây Ban Nha vẫn chơi 4-5-1 với Fabregas đá cao nhất, chỉ có điều vai trò của anh ở đây là một tiền đạo ảo. Trong bối cảnh ấy, sự vận hành khá nhuần nhuyễn đội hình chiến thuật 3-5-2 của Italia được xem là cách tân thành công mang dấu ấn của HLV Prandelli.
Nếu xét theo những đánh giá ban đầu trước giải, việc Nga và Hà Lan bị loại là 2 bất ngờ lớn nhất ở vòng bảng. Song, nếu căn cứ vào màn thể hiện tại VCK thì ngay đến các cổ động viên (CĐV) của họ cũng thừa nhận: nhà vô địch Euro đầu tiên và đương kim á quân thế giới về nước là đáng (thậm chí hành trang ra về của Hà Lan còn là con số 0 to tướng). Không như Euro 4 năm trước, lần này cái chết của “thiên nga” và “hoa tulip” không để lại được một lý do nào để người hâm mộ và giới truyền thông tiếc thương.
Kỳ Euro thứ 2 liên tiếp cả 2 đội đồng chủ nhà sớm trở thành khán giả ngay sau vòng bảng. Tuy nhiên, so với Áo và Thụy Sĩ 4 năm trước, Ba Lan, Ukraine hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu rời cuộc chơi.
Đông Kha