
Với "Cánh đồng bất tận", người đọc phát hiện một Nguyễn Ngọc Tư mới mẻ, đầy bất ngờ và cũng nhiều trăn trở.
Với "Cánh đồng bất tận", người đọc phát hiện một Nguyễn Ngọc Tư mới mẻ, đầy bất ngờ và cũng nhiều trăn trở.
Hẳn nhiều bạn đọc không còn xa lạ với cây bút trẻ Nguyễn Ngọc Tư, qua những truyện ngắn mang nhiều tâm sự, những cảnh đời lung linh hương sắc miền Tây
Rồi với những truyện ngắn "Biển người mênh mông", "Duyên phận so le", "Thương quá rau răm"..., người đọc đã phải ngạc nhiên trước sự thấu hiểu tâm trạng và số phận con người của Nguyễn Ngọc Tư, đặc biệt là những người phụ nữ ở dải đất cuối cùng của đất nước: sự cô đơn, khổ đau, chịu đựng. Họ mỏng manh như sóng nước, như những đóa hoa dại, mà cũng kiên nhẫn như phù sa mỗi năm đắp bồi thêm cho ruộng đồng tươi tốt. Những người thiếu nữ, thiếu phụ trong những cảnh đời bất định, lênh đênh trên những chiếc ghe, những ngôi nhà cũ kỹ, giấu mình vào nỗi cô đơn hận tình để rồi một mình trải lòng với sông nước mênh mông. Phải yêu đến độ nào mảnh đất quê hương để tác giả có thể viết nên những câu chuyện rất thật, rất thương tâm mà không kém phần đắm đuối như thế - đó chính là một thế mạnh đặc biệt của Nguyễn Ngọc Tư (bên cạnh vốn sống mà bất cứ nhà văn nào cũng ít nhiều tích lũy được trong lao động sáng tạo của mình). Chính vì thế mà "Cánh đồng bất tận" ra đời, như một hệ quả, một tất yếu từ cách nhìn, cách yêu con người của Nguyễn Ngọc Tư, đồng thời cũng phản ánh khát vọng thay đổi những vòng đời bất tận ấy và để thay đổi chính bản thân mình. Nhân vật trong truyện vừa "Cánh đồng bất tận" cũng là người đàn bà đáng thương đi tìm tình yêu và hạnh phúc, sau lưng bà là đứa con gái khờ dại và một cô gái thập thành. Xét về mặt tâm lý học, có thể đó chính là hai hướng phát triển số phận và nhân cách người đàn bà. Nhưng nhìn hướng nào cũng bế tắc, cũng u uất, tái tê, mặc dù nhà văn đã cố đưa ra cái nhìn hóa giải ở đoạn cuối tác phẩm, sau khi Nương bị hãm hiếp và nghĩ rằng mình "bị có con": "...Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn". Tác giả đã đẩy các nhân vật đến tận cùng tính cách của họ: người cha và nỗi hận thù, Nương - đứa con gái và sự cô đơn, Điền - đứa con trai và sự kềm nén (tình cảm và tính dục), cô gái điếm và khao khát tình cảm chân thực. Họ đã đi đến tận cùng nỗi bất hạnh dành riêng cho mình. Đọc và ngậm ngùi đau xót, và phát hiện ra một Nguyễn Ngọc Tư biết quăng mình vào chốn cùng khổ nhất của xã hội (cuộc sống của những người chăn vịt lang thang như du mục), khai thác những khía cạnh "con" để phát hiện ra phần "người" mong manh quý giá.
Khác với những truyện ngắn mang đậm tính tự sự, "Cánh đồng bất tận" là một tác phẩm ẩn dụ. Cách viết quen thuộc của Nguyễn Ngọc Tư là độc thoại thay cho nhân vật, với ngôn ngữ rất sinh động và hồn hậu. Có truyện ngắn, tác giả độc thoại thay cho nhiều nhân vật (Hiu hiu gió bấc), hoặc nhân cách hóa cho con vịt tinh khôn (con Cộc trong "Cái nhìn khắc khoải"). Nhưng ở tác phẩm này, chỉ có một nhân vật "Tôi" (Nương) đối diện với những nghịch cảnh trên đời. Đó là một dòng ký ức cũng bất tận, trải dài, đan xen như cánh đồng bất tận trong tâm tưởng của cô. Đối diện và câm nín trước nỗi buồn của mẹ, sự uất hận của cha, nỗi đau đớn của cô gái điếm và sự quằn quại trưởng thành của em mình. Có chăng, nhân vật "Tôi" chỉ chia sẻ được với em trai những cơn xúc động, những suy nghĩ mà không có hành động cụ thể nào. Tưởng như cô đã trở nên vô cảm, không còn biết căm thù những kẻ làm nhục mình, mà chỉ biết gọi tên em trước mặt cha vào giờ phút ấy...
Vì vậy, nhân vật "Tôi" tuy có vẻ phức tạp, nhưng lại thiếu sự bùng nổ trong tính cách, để rồi tiếp tục hòa nhập với cuộc sống của những người đàn bà tội nghiệp, những kiếp người không có hạnh phúc. Tương lai mà cô nghĩ đến thật mới mẻ, song cũng chỉ là một ý niệm giúp xóa đi những mặc cảm cố hữu, nâng cái nhìn thân phận thành cái nhìn nhận thức. Cánh đồng bất tận, hay là định mệnh đã đổi thay?
Với "Cánh đồng bất tận", Nguyễn Ngọc Tư đã có ý tưởng lớn và những tìm tòi về bút pháp khiến tác phẩm trở nên mới lạ, xoáy vào những vấn đề xã hội và nhân sinh không nhỏ. Song tác phẩm chưa thật chín từ chính nhân vật "Tôi" mà nhà văn hết sức yêu quý ấy. Tuy vậy, tác giả đã dám lựa chọn một đề tài khó (đạo đức con người và một mảng nền tảng đời sống xã hội) với cái nhìn nghiêm túc. Đó là điều mà người đọc ngày nay luôn trân trọng và mong đợi.
MAI SƠN (Hội VHNT Đồng Nai)