Báo Đồng Nai điện tử
En

Cổ tích giả của truyền hình thực tế

11:01, 23/01/2015

Không phải câu chuyện nào được các chương trình truyền hình thực tế kể lại, nhằm phủ lên sân khấu hào nhoáng màu sắc cổ tích lấp lánh ánh sáng nhân văn, cũng đều là sự thật.

Không phải câu chuyện nào được các chương trình truyền hình thực tế kể lại, nhằm phủ lên sân khấu hào nhoáng màu sắc cổ tích lấp lánh ánh sáng nhân văn, cũng đều là sự thật.

Những ngày vừa qua, công chúng lại có thêm ví dụ cho câu chuyện như vậy, làm lung lay niềm tin vốn đã hư hao ít nhiều vào 2 chữ “thực tế”. Như mọi người đều biết, chương trình Điều ước thứ 7 ngày 10-1 đã thuật lại câu chuyện “Hai vợ chồng hát rong”, kể về cô gái trẻ khiếm thị Nguyễn Như Đào ở Nghệ An lọt lòng mẹ đã không thấy ánh sáng mặt trời.

* Giấc mơ có thật…trong kịch bản

Cô lưu lạc đến Hà Nội để mưu sinh bằng nghề bán tăm, được học hát tại trung tâm nghệ thuật tình thương của nghệ sĩ Tường Vy. Đây là duyên cớ cho cô gặp Nguyễn Nhật Thanh, sinh viên Học viện âm nhạc tại một buổi giao lưu. Cả hai nảy nở một tình yêu có sức mạnh vượt qua sự phản đối của gia đình lẫn nghịch cảnh nghèo khó để sống bằng nghề đẩy xe đi bán kẹo rong, lấy tiếng hát làm lời mời gọi.

Màn kịch “vợ chồng hát rong” trong chương trình Điều ước thứ 7. ảnh: KHANG MEDIA
Màn kịch “vợ chồng hát rong” trong chương trình Điều ước thứ 7. ảnh: KHANG MEDIA

Những điều kể trên dường như chỉ để dẫn tới một kết thúc có hậu, diễn ra ngay trên sân khấu của chương trình - nơi mà đôi vợ chồng thỏa ước nguyện được một lần hát trong cuộc thi Sao mai điểm hẹn, như những gì họ từng gửi gắm vào tên đứa con gái đầu lòng Sao Mai. Tuy nhiên, những gì mà công chúng phát giác sau đó là một sự thật trần trụi đến phũ phàng, biến chuyện đã kể thành một màn kịch không hơn không kém. Thực tế, Thanh còn chưa học hết THCS, chưa từng học nhạc viện, đã có vợ và 2 con ở quê Thanh Hóa.

Vụ ồn ào vừa xảy ra chỉ là một trong những trường hợp phát hiện gian dối làm giảm độ khả tín trong các câu chuyện được truyền hình thực tế khai thác. Nếu như lấy tiếng cười của khán giả được xem là việc đơn giản khi chỉ cần thêm vai trò cho các danh hài; thì lấy nước mắt bằng những câu chuyện mủi lòng, gây thương cảm lại là điều khó khăn hơn.

Nhiều người vẫn còn nhớ cách đây chưa lâu, sân khấu cuộc thi Nhân tố bí ẩn xuất hiện một cô gái có giọng hát cuốn hút, giấu khuôn mặt đằng sau chiếc mặt nạ vì một tai nạn “bi thảm”. Như thể đã nằm sẵn trong sự chờ đợi của nhà sản xuất, công chúng nhanh chóng phát hiện ra đó là giọng ca Anh Thúy của nhóm Mây Trắng, cô hát một bài mà cách đó chưa lâu, cô đã từng thể hiện trong một cuộc thi khác. Hay trước đó, thân phận của “cô Lượm” mồ côi, từng sa vào nghiện ngập và mại dâm nay vượt qua nghịch cảnh và làm mẹ đơn thân trong Người xây tổ ấm, cũng bị phát hiện chỉ là một bà mẹ trẻ buôn bán ở chợ tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

* Điệp khúc “bị lừa”

Có thể thấy, điểm chung của các vụ lừa dối trên sóng truyền hình bị phát hiện sau đó là phản ứng của nhà đài, nhà sản xuất chương trình cho biết chính họ cũng… bị lừa, bất kể nhân vật của họ chưa học hết THCS, THPT và bất kể họ có cả một ê kíp làm công việc xác minh, thu thập thông tin. Phần lớn các vụ việc đều gây tranh cãi ở câu hỏi phía nào đã dàn dựng kịch bản về những giấc mơ có thật. Nhưng ở Điều ước thứ 7, ngay cả khi người ta được biết ê kíp sản xuất là những người đã “bị lừa” (như đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng từng chia sẻ trên một tờ báo vào cuối năm ngoái); thì việc họ vẫn quyết định phát sóng chương trình là rất khó hiểu!

Nhìn rộng ra câu chuyện, người ta dễ thấy chuyện lừa dối là điều tất yếu xảy ra trong bối cảnh truyền hình thực tế ngày càng lạm dụng những câu chuyện đau lòng để gây ấn tượng về “phép màu” của nó trong mắt người xem. Thân phận thực của các thí sinh đôi khi bị bóp méo hay khai thác quá lố theo hướng bi kịch nhằm tạo sự thương cảm. Trong một tham luận mới đây tại hội nghị bàn về đạo đức và văn nghệ hồi tháng 11-2014, PGS.TS Văn Thị Minh Hương đã cảnh báo hiện tượng các chương trình truyền hình thực tế có khuynh hướng lấy nước mắt khán giả bằng cách cố gắng tìm được những “chú vịt xấu xí” để biến thành “thiên nga”, vừa có ý nghĩa nhân văn vừa tạo thêm tiếng vang, uy tín cho chương trình.

Bà lấy ví dụ ở cuộc thi Thần tượng âm nhạc 2012. Hai thí sinh Ya Suy và Hương Giang dù chưa hẳn là những người xuất sắc nhất nhưng lại gây được nhiều ấn tượng nhất trong mắt công chúng. Với Ya Suy, anh được mô tải như một chàng trai dân tộc đến từ vùng cao nguyên nghèo khó. Còn Hương Giang là một thí sinh chuyển giới. Câu chuyện của họ có nhiều tác động đến tình cảm ủng hộ của khán giả, đưa họ đến những vị trí cao trong cuộc thi. Thế nên, dù có được những giờ phút giải trí thư giãn, rất ít khán giả biết những cảm xúc đẹp của họ còn có thể bị lợi dụng bởi những động cơ thuần túy thương mại, danh tiếng của nhà sản xuất hoặc thí sinh.

Nam Vũ

 

 

Tin xem nhiều