Báo Đồng Nai điện tử
En

Khán giả Việt… dễ lầm tưởng

10:07, 10/07/2015

Khán giả điện ảnh tại Việt Nam hiện nay có hạnh phúc là luôn được xem phim hấp dẫn, vì các nhà phát hành đã tuyển chọn khắt khe trước khi nhập về. Thế nhưng điều này cũng dễ gây lầm tưởng, rằng ở Hollywood và quốc tế chỉ toàn hay, còn phim trong nước dở hoặc chưa hay…

 

Khán giả điện ảnh tại Việt Nam hiện nay có hạnh phúc là luôn được xem phim hấp dẫn, vì các nhà phát hành đã tuyển chọn khắt khe trước khi nhập về. Thế nhưng điều này cũng dễ gây lầm tưởng, rằng ở Hollywood và quốc tế chỉ toàn hay, còn phim trong nước dở hoặc chưa hay…

Bộ phim Kẻ hủy diệt: Thời đại Genisys phát hành tại Việt Nam sớm hơn thị trường Bắc Mỹ một tuần.
Bộ phim Kẻ hủy diệt: Thời đại Genisys phát hành tại Việt Nam sớm hơn thị trường Bắc Mỹ một tuần.

Theo số liệu bình quân của Viện Thống kê UNESCO (UIS) thì Hollywood (Mỹ) mỗi năm làm từ 450-650 phim, Bollywood (Ấn Độ) làm từ 800-1.200 phim, Nollywood (Nigeria, Tây Phi) làm từ 700-900 phim, Trung Quốc từ 500-800 phim… Đây là các nền điện ảnh lớn nhất thế giới. Các nền điện ảnh xếp tiếp theo là Nhật (441 phim/năm), Anh (299), Pháp (272), Hàn Quốc (216), Đức (212), Tây Ban Nha (199)… Vậy mà những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chỉ tuyển chọn để nhập về từ 120-170 phim thì làm sao không hấp dẫn cho được.

* Một định hướng lệch?

Tuy vậy, số phim nhập khẩu đó - thường gấp 5-8 lần lượng phim trong nước sản xuất - chẳng hề phản ánh diện mạo chung của điện ảnh thế giới, vì đa số chỉ là phim giải trí/bom tấn của Hollywood. Nói là phim giải trí/bom tấn vì Hollywood cũng làm rất nhiều thể loại, nhất là các phim độc lập và phim nghệ thuật thường đặc biệt, ít khi được nhập. Cho nên, ngay cả với Hollywood, hình dung của khán giả Việt cũng lệch hướng và dễ lầm tưởng này kia.

Trung Quốc hiện có khoảng 25 ngàn rạp chiếu phim, chỉ đứng sau thị trường Mỹ với gần 40 ngàn rạp, họ bán vé cũng nhất nhì. Theo Hiệp hội Báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình và điện ảnh Trung Quốc, năm 2014 doanh thu của họ là 4,76 tỷ USD, trong đó phim nội địa đóng góp 54,51%. Làm được điều này vì đây là nước khống chế số lượng phim nhập đến tối đa, mỗi năm vào khoảng 30-35 phim, chỉ bằng 1/4 đến 1/5 của Việt Nam. Như vậy khán giả của họ càng bị lệch về cái nhìn với điện ảnh thế giới, nên đĩa lậu đã phát triển số 1. 

Hollywood không chỉ sản xuất phim và chi phối thị trường bằng hệ thống rạp trên khắp thế giới, mà còn có nguy cơ chèn ép các cái nhìn riêng biệt và đặc thù về điện ảnh của các quốc gia khác - bản thân cái tên Bollywood, Nollywood… đã cho thấy sự ảnh hưởng này. Đã có vô số ý kiến chỉ trích và cảnh báo về sự lệch lạc này, nhiều nơi sợ khán giả trẻ lớn lên cứ tưởng phim chỉ có một kiểu giải trí/bom tấn của Hollywood. Nên Việt Nam cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng.

* Một cánh tay nối dài

Bộ phim thuộc loại kinh điển mới là Avatar được công chiếu tại Việt Nam từ ngày 18-12-2008, cùng thời điểm với quốc tế, thậm chí trước Mỹ một đêm nhờ lệch múi giờ. Lúc ấy khán giả bước ra khỏi hệ thống rạp chiếu 3D lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam đã rất hả hê vì nghĩ rằng chúng ta đã không chậm bước. Rồi việc CGV đưa 4DX (rạp chiếu phim 4D), ScreenX (phòng chiếu phim 270 độ đầu tiên trên thế giới) và Starium (màn hình lớn nhất trên thế giới) đến Việt Nam, sự vui thú càng lớn hơn.

Từ năm 2008 đến nay năm nào tại Việt Nam cũng có phim Hollywood được chiếu sớm hơn nước Mỹ, sự hả hê đó càng được giới trẻ tán tụng. Phim Avengers: Age of Ultron chiếu ở Việt Nam (24-4-2015) sớm hơn Mỹ một tuần là một ví dụ. Mới đây là Kẻ hủy diệt: Thời đại Genisys chiếu ở Việt Nam ngày 26-6, trong khi khu vực Bắc Mỹ là 3-7; Minions ngày 8-7, trước Bắc Mỹ 2 ngày. Sắp tới là Ant Man - Người kiến ngày 24-7, cùng ngày với Bắc Mỹ, trước Mỹ một đêm… Đến năm 2017, CGV sẽ có 30 cụm rạp tại Việt Nam, giữ vững vị trí số 1, nên càng tăng khả năng có nhiều phim chiếu sớm hơn Bắc Mỹ. Chưa nói đây có thể là một chiến lược của chính Hollywood.

Nhìn ở khía cạnh phát hành và người xem, nóng hổi như thế là tốt, trong khi với các nhà sản xuất trong nước, với các định hướng thẩm mỹ, với sự đa dạng điện ảnh… thì lệch càng thêm lệch. Và tương lai gần Việt Nam sẽ đoạt đến mức độ làm 60 phim/năm, quân bình thì tuần nào cũng có phim Việt ra rạp, nhưng phong cách và gu phim thì thật khó để khác biệt với Hollywood (điều mà các nền điện ảnh phục hưng muộn, như: Hàn Quốc, Đài Loan, Iran... đã làm được. Từ đó phim Việt rất dễ thành cánh tay nối dài của Hollywood, xóa nhòa bản sắc. Thật đáng lo.

Hiền Hòa

 

 

 

 

Tin xem nhiều