Sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.Hồ Chí Minh) vừa chính thức ra mắt vở Lan và Điệp (đạo diễn: NSƯT Thành Hội).
Sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.Hồ Chí Minh) vừa chính thức ra mắt vở Lan và Điệp (đạo diễn: NSƯT Thành Hội).
Lan và Điệp có sự tham gia của các diễn viên: Ái Như, Đoàn Thanh Tài, Hoàng Vân Anh, Lương Duyên, Ngọc Tưởng, Thanh Tuấn… Đặc biệt, có “anh Tây” Guillaume Faugere tham gia vở diễn với một vai diễn có lẽ sẽ tạo được cảm tình với khán giả.
LAN SẼ KHÔNG ĐI TU…
Lan và Điệp lấy bối cảnh ở xứ Lai Vung, Đồng Tháp. Trong một xóm nhỏ, có gia đình bà Cử và ông Tú ở sát vách nhau. Con trai của bà Cử là Vũ Khắc Điệp sau bao năm dùi mài bút nghiên vừa đậu được bằng thành chung. Ngày Điệp trở về, 2 nhà vui mừng khôn xiết, đặc biệt là Lan - con gái ông Tú. Lan vui vì bấy lâu nay cô cặm cụi, chăm chỉ làm việc bên chiếc bàn thêu góp sức cùng bà Cử lo cho Điệp ăn học chỉ mong chờ ngày anh đỗ đạt. Cả hai gia đình rộn ràng bàn tính chuyện tương lai của đôi trẻ. Rằng Điệp sẽ tìm một chân gõ đầu trẻ ở xứ Lai Vung, gia đình chọn ngày lành tháng tốt để đôi trẻ nên duyên.
Một cảnh trong vở Lan và Điệp. |
Thế nhưng niềm vui ngắn ngủi phút chốc trôi qua. Ông Tú bất ngờ bị tai biến. Bệnh viện đòi số tiền lớn mới mong cứu được mạng. Gia cảnh cả hai đều nghèo. Cuối cùng Điệp quyết định lặn lội lên Sa Đéc, tìm tới nhà ông Phủ giàu có, quyền uy (bạn học cũ của ông Cử và ông Tú) để mượn tiền. Cơ sự bắt đầu từ đây…
Có thể nói, Lan và Điệp hay Chuyện tình Lan và Điệp (mà có người ví von như chuyện tình Romeo và Julliet Việt Nam) đã quá nổi tiếng từ cải lương cho đến kịch nói, phim ảnh, ca nhạc, tân cổ giao duyên mấy chục năm qua. Thoạt nghe tin Hoàng Thái Thanh làm vở Lan và Điệp, 10 người hết… 11 người nghĩ rằng sân khấu dàn dựng từ bản chuyển thể của vở cải lương nổi tiếng Lan và Điệp. Nhưng nghệ sĩ Ái Như cho biết Lan và Điệp của Hoàng Thái Thanh không phải dựng lại từ kịch bản cũ mà được viết mới hoàn toàn. Kịch bản do Nguyễn Thị Minh Ngọc và Hoàng Thái Thanh cảm tác từ tiểu thuyết Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan.
Dù Ái Như đã khẳng định như thế nhưng nhiều người vẫn còn lắm thắc mắc. Làm mới là làm mới thế nào? Đặc biệt, khi Lan và Điệp đã trở thành chuyện tình kinh điển. Không theo mô-típ cũ thì số phận đôi tình nhân ấy sẽ đi về đâu?
Khi vở chưa ra mắt, thông tin trong vở diễn này thay đổi lớn nhất là Lan sẽ… không đi tu đã khiến nhiều người hết sức tò mò: Cô ấy không đi tu thì cô ấy sẽ… đi đâu?
THAY ĐỔI SẼ GÂY TRANH CÃI?
Mạnh dạn thay đổi một câu chuyện tình gần như đã trở thành “huyền thoại”, ê-kíp đứng trước nguy cơ sẽ đón nhận những luồng phản ứng trái chiều. Nhưng khi Thành Hội - Ái Như đã quyết định làm, họ chấp nhận đương đầu bởi tin khi dấn thân vào cái mới sẽ cho họ nhiều cơ hội để khám phá, trải nghiệm. Nghệ thuật sẽ không phát triển nếu cứ mãi chọn lối đi an toàn.
Xem Lan và Điệp “phiên bản Hoàng Thái Thanh”, ấn tượng về 2 giai thoại cũ dường như dần dần lùi bước nhường chỗ cho những cảm xúc mới. Đúng như Ái Như đã khẳng định, Lan và Điệp hoàn toàn khác biệt, là câu chuyện cũ nhưng trong cách kể chuyện rất mới. Ở đó, cách xây dựng nhân vật, phát triển tâm lý nhân vật cũng theo quan điểm nghệ thuật mới. Hơi thở thời đại thể hiện rất rõ trong cách kể, cách xây dựng từng lớp lang.
Lan không ủy mị, yếu đuối mà cô mạnh mẽ, bản lĩnh hơn. Tình yêu cô dành cho “người ta” vô cùng sâu sắc nhưng một khi bị phụ tình cô chọn giải pháp đối mặt và trao đúng ân tình cho người thật sự yêu cô và một lòng vì cô. Chọn giải pháp tiêu cực vì một người đã thay lòng với Lan dường như là không công bằng. Vũ Khắc Điệp trong bản dựng mới cũng có tâm lý phức tạp hơn. Điệp không phải là anh học trò nghèo ngơ ngác bị người ta gài bẫy, mà là một anh chàng quê mùa, nghèo khó lần đầu tiên được tiếp xúc với gia cảnh giàu có của gia đình ông Phủ, trong thoáng chốc sự choáng ngợp đó sẽ làm tình cảm người ta chao đảo. Tưởng chỉ chút chao đảo thôi sẽ vô hại nhưng đôi khi chính là nguồn cơn gây nên sóng gió…
Trong giai thoại tình yêu giữa Lan và Điệp, có lẽ không thể nhắc đến nhân vật Thúy Liễu. Ở bản dựng mới, Thúy Liễu khác xa hình dung trước giờ, cô ngạo mạn, bất cần đời nhưng ẩn sâu bên trong là tâm hồn mong manh, nhạy cảm. Thúy Liễu không được dành đất diễn nhiều như Lan và Điệp, nhưng có lẽ Thúy Liễu bản dựng mới sẽ ở lại trong tim người xem lâu hơn…
Có lẽ vở sẽ hay hơn nữa nếu xây dựng được rõ ràng hơn sự thay đổi tâm lý phức tạp của nhân vật Điệp. Điệp không hẳn là người tham lam, bạc tình nhưng chỉ trong tích tắc nào đó con người ta có thể lung lay và bộc lộ sự hèn nhát của mình. Cái tích tắc đó rất tinh tế và đòi hỏi nội lực của diễn viên. Đoàn Thanh Tài đảm nhận vai Điệp. Tài là dân phim ảnh, tìm đến sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh với niềm đam mê và khao khát được học hỏi. Với diện mạo sáng, đẹp, Tài đảm nhận được một số vai nam chính ở Hoàng Thái Thanh. Tuy nhiên, với một nhân vật khó như vai Điệp, Tài cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong diễn xuất, cảm xúc và nhấn nhá thoại để người xem cảm nhận được tâm ý mà đạo diễn muốn chuyển tải qua nhân vật Điệp.
Trí Trọng