Một trong những cuốn sách tôi đọc gần đây là Nhiệt đới buồn của tác giả Phương Rong. Đây là truyện dài đoạt giải khuyến khích cuộc vận động sáng tác "Văn học tuổi 20" lần V do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức.
Một trong những cuốn sách tôi đọc gần đây là Nhiệt đới buồn của tác giả Phương Rong. Đây là truyện dài đoạt giải khuyến khích cuộc vận động sáng tác “Văn học tuổi 20” lần V do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức. Tác giả là một người trẻ của Đồng Nai, một cây bút nữ rất hiếm khi xuất hiện trên văn đàn, khiến tôi tò mò tìm hiểu.
Phương Rong viết về Nhiệt đới buồn của mình như sau: “Với tôi, quá trình viết Nhiệt đới buồn cũng giống như việc sắp xếp lại một tủ quần áo cũ... Thoạt đầu, bạn còn cố gắng phân biệt và gọi tên từng thứ hương vị một. Nhưng sau cùng, bạn chỉ cảm thấy một sự tinh lành và buồn bã tỏa ra từ những tấm áo cũ của mình...”.
Cuốn sách đã mang lại những cảm nhận tinh tế của một cô gái trẻ - tên Nhã - nhìn cuộc sống bằng hướng nội tâm. Cô gái sẵn sàng gác lại công việc để được sống trọn vẹn với một kỷ niệm, một tình yêu trong veo, lặng lẽ. Nhưng không gian kỷ niệm, không gian tình yêu thì lại được rộng mở đến vô hạn, mang hình thức của một hành trình phiêu lãng. Truyện chỉ có 3 nhân vật, trong đó người con trai tưởng sẽ đồng hành cùng Nhã lại trở thành như gió trời, như ánh sáng, như thời gian... đến rồi lại đi. Còn người mẹ của Nhã thì như cội rễ cho cô bám vào, tiếp thêm sinh khí cho một cuộc sống mới, và lặng lẽ dõi theo những bước chân con mình bước vào đời. Cái kết của truyện không hề ăn nhập gì với câu chuyện khi cô gái lấy chồng, sinh con, sống một cuộc sống bình thường... Nhưng những nhân vật và câu chuyện tình yêu ấy vẫn bảng lảng, thấp thoáng trong tâm tưởng...
Đọc Nhiệt đới buồn, tôi chợt liên tưởng tới bút pháp nghệ thuật của Marguerite Duras - nhà văn nữ người Pháp - trong Người tình, Đập chắn Thái Bình Dương (những tác phẩm bà viết về Việt Nam trước Chiến tranh thế giới thứ II). Lối viết của nội tâm, của sự giao thoa, biến đổi cuộc sống mà con người cùng trôi với thời gian. Tuy nhiên, lối viết của Phương Rong hiện đại hơn, có hướng mở hơn, và cho thấy một điển hình của thế hệ trẻ biết nâng niu cuộc sống và quyết “sống chậm”, không để cho cuộc đời xô đẩy, gò ép mình. Phong vị của một cuộc sống dân dã, rất phương Đông và rất Thiền cuốn hút người đọc trong suốt tác phẩm. Chính tác giả đã viết: “Nếu quá khứ thật sự có hương thơm, thì tôi tin rằng, không có gì khác hơn sự tinh lành và buồn bã đó”...
Càng thú vị hơn khi tôi được biết Phương Rong, tên thật là Lý Nguyễn Tâm Thanh, sinh năm 1988, chính là đại biểu duy nhất của Đồng Nai được mời dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX sẽ diễn ra cuối tháng 9-2016 tại Hà Nội. Phương Rong đang sống cùng gia đình ở xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch. Do hoàn cảnh gia đình nên Phương Rong sớm tự lập, làm việc trong một công ty sản xuất linh kiện điện tử của Nhật Bản. Việc viết lách, sáng tác đối với Phương Rong như một cuộc rong chơi của tâm hồn, Phương Rong không có chủ đích gì khác là tìm cho mình một niềm vui, một sự an bình phía sau cuộc sống bộn bề nhiều lo toan. Phương Rong chỉ “viết linh tinh trên mạng”, ngoài Nhiệt đới buồn đã in sách, Phương Rong có một cuốn sách khác đã bán bản quyền trên mạng, được nhiều bạn trẻ tìm đọc và ủng hộ. Đối với Phương Rong, viết trên mạng (các trang dành cho sáng tác văn học nghiêm túc) cũng là một hướng mở cho người viết trẻ hiện nay, vì các tác giả có thể viết thoải mái, không bị giới hạn số lượng từ ngữ như trong sách báo.
Phương Rong khiêm tốn cho rằng những gì mình đang làm rất bình thường, chỉ là may mắn được giải thưởng nhỏ và được giới văn chương biết đến.
Mai Sơn