Báo Đồng Nai điện tử
En

Đỉnh cao nghệ thuật tác chiến của Không quân nhân dân Việt Nam

10:12, 06/12/2012

“Đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ cuối tháng 12-1972 là đỉnh cao về nghệ thuật tác chiến của Không quân nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ”, đó là khẳng định của Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, Trung tướng Phương Minh Hòa, tại Hội thảo “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không-Tầm cao bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam”, được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua…

“Đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ cuối tháng 12-1972 là đỉnh cao về nghệ thuật tác chiến của Không quân nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ”, đó là khẳng định của Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, Trung tướng Phương Minh Hòa, tại Hội thảo “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không-Tầm cao bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam”, được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua…

* Tinh thần, lực lượng sẵn sàng

Để có được Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972, vấn đề đầu tiên và có tính quyết định là sự chuẩn bị chu đáo về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật của ta.

Đầu năm 1968, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Binh chủng Không quân phải nghiên cứu cách đánh B-52. Trên cơ sở đó, Binh chủng Không quân đã cử các cán bộ tham mưu và phi công vào Quảng Bình, Vĩnh Linh…trực tiếp quan sát, tìm hiểu đội hình, quy luật hoạt động của B-52 cả ngày đêm; xây dựng phương án tác chiến, nghiên cứu cách đánh và huấn luyện một số phi công Mig chuyên đánh B-52. Đồng thời, tổ chức củng cố, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống sân bay trên miền Bắc.

Nhờ được chuẩn bị chu đáo về tinh thần, lực lượng nên Không quân nhân dân Việt Nam chủ động tham gia Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972. Ảnh Internet

Cùng với đó, Không quân tập trung xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao cho các thành phần, tập trung nhất là đội ngũ phi công. Trong 12 ngày đêm đánh B-52, ngoài những khó khăn do bị tiêm kích địch khống chế, uy hiếp nhiều tầng, nhiều lớp, phi công của ta còn chịu không ít căng thẳng về tâm lý do trực chiến dưới tầm bom đạn của địch; cất, hạ cánh trong điều kiện ban đêm, đường băng ngắn, hẹp hoặc đã bị đánh phá, thiếu đèn chiếu sáng, không có chỉ huy. Đặc biệt, sau những đêm đầu của Chiến dịch, Không quân vẫn chưa bắn rơi được máy bay B-52, dẫn đến những luồng tư tưởng khác nhau xuất hiện, nhất là trong đội ngũ phi công. Số ít lo lắng về khả năng bắn rơi B-52 của không quân ta; số khác có thể nôn nóng dễ dẫn đến mất bình tĩnh và mạo hiểm… Từ thực tế đó, nhiệm vụ đánh B-52 đã được quán triệt sâu sắc đến mọi cán bộ, chiến sĩ, chú trọng tới đội ngũ phi công. Nhờ vậy, trong những thời điểm gian khổ và ác liệt nhất, tất cả cán bộ, phi công luôn giữ vững ý chí chiến đấu, với quyết tâm còn một người, một máy bay cũng kiên quyết tiến công.

Cùng với xây dựng bản lĩnh chính trị, tinh thần cho các thành phần, Không quân ta hết sức chú trọng công tác xây dựng lực lượng. Thời điểm đó, phi công chiến đấu ở mỗi trung đoàn không nhiều, được chia thành 2 bộ phận: bộ phận huấn luyện và chiến đấu ban ngày (chiếm đa số) và bộ phận huấn luyện và chiến đấu ban đêm. Năm 1972, các phi công chiến đấu ban ngày hầu hết đều lập công; nhiều đồng chí bắn rơi 5 đến 6 máy bay địch. Trong khi đó, số phi công đánh đêm đã tham gia trực ban chiến đấu, xuất kích ban đêm nhiều lần nhưng chưa bắn rơi được máy bay địch. Bởi vậy, có những phi công bay đêm muốn được chiến đấu cùng đội ngũ đánh ngày. Tuy nhiên, ta đã nắm chắc ý đồ của địch, quyết tâm giữ gìn lực lượng. Vì vậy, trước khi Chiến dịch 12 ngày đêm diễn ra, số phi công đánh đêm vẫn được giữ nguyên.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (thứ nhất từ trái qua); Trung tướng Phương Minh Hòa (thứ 2 từ trái qua) và các đại biểu dự Hội thảo "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không-Tầm cao bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam". Ảnh: Hoàng Hà

* Tốp nhỏ, chiếc lẻ, chiến thuật linh hoạt

Trong cuộc tập kích đường không cuối tháng 12-1972, máy bay B-52 chủ yếu đánh đêm. Ta đã sử dụng sân bay dã chiến, ánh sáng hạn chế để xuất kích và hạ cánh sau chiến đấu, do đó thường sử dụng lực lượng nhỏ từ một đến 2 chiếc (thường là một chiếc). Với cách sử dụng lực lượng như vậy, máy bay của ta có điều kiện tiếp cận nhanh, công kích nhanh, thoát ly nhanh; vừa đánh được địch, vừa bảo vệ được mình. Chỉ sử dụng 2 chiếc khi cần tăng cường nghi binh để kéo tiêm kích địch ra hướng khác, còn hướng đánh B-52 phải giữ bí mật bất ngờ, tránh tiêm kích địch, tiếp cận trực tiếp mục tiêu chính.

Khi đánh vào Hà Nội, không quân Mỹ đã gây nhiễu kết hợp với hộ tống nhiều tầng, nhiều lớp tạo nên lá chắn cho B-52 và đánh đồng loạt các sân bay của ta. Ngay trận đầu xuất kích (đêm 18-12-1972) và một số trận sau, phi công của ta đều phát hiện đèn của F-4 và đèn của B-52, nhưng không tiếp cận được; hoặc khi tiếp cận mở ra-đa vừa bị nhiễu, vừa lộ lực lượng, địch cơ động khiến ta mất mục tiêu.

Ra-đa dẫn đường là mắt thần của không quân. Tuy nhiên, trong thực tế 12 ngày đêm tháng 12-1972, dẫn đường gặp nhiều khó khăn do ra-đa bị nhiễu nặng. Từ việc đúc kết kinh nghiệm “máy gây nhiễu của B-52 chỉ có tác dụng tốt về phía trước theo hướng bay, 2 bên sườn và phía sau cường độ yếu hơn”, chúng ta đã nghiên cứu bố trí các trạm ra-đa dẫn đường trên một đường bay cùng phối hợp dẫn đường, các trạm ra-đa 2 bên sườn của đường bay hoạt động linh hoạt, nên việc dẫn dắt máy bay ta ngày càng chuẩn xác.

Không quân địch thường xuyên thay đổi thủ đoạn, càng ngày càng tinh vi. Nghiên cứu kỹ thủ đoạn của địch, chúng ta đã có nhiều cách đánh sáng tạo, độc đáo như: Đánh quần, đánh gần, kéo địch đến khu vực có lợi để đánh; chủ động đánh chặn từ xa; sử dụng tất cả các số trong đội hình đều có thể tham gia công kích khi xuất hiện thời cơ; sử dụng ra-đa, thiết bị vô tuyến linh hoạt; kết hợp chặt chẽ trên không và mặt đất...

Đặc biệt, Không quân ta đã nghiên cứu, áp dụng và phát triển hình thức chiến thuật từ “bay thấp, kéo cao” đến “bay cao, tiếp cận nhanh”. Với chiến thuật này, các phi công Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều đã bắn rơi liên tiếp 2 chiếc B-52 trong 2 đêm 27 và 28-12-1972.

QĐND Online

 

Tin xem nhiều