Sau đêm đầu tiên của Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (18-12-1972), các đêm tiếp theo, các phi công Mig-21 tiếp tục cất cánh tìm diệt B-52, song “con ngáo ộp” vẫn chưa bị bắn hạ. Lo lắng đè nặng lên suy nghĩ của các phi công chiến đấu…
Cất cánh vòng ngoài, chiếm lợi thế độ cao
Sau đêm đầu tiên của Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (18-12-1972), các đêm tiếp theo, các phi công Mig-21 tiếp tục cất cánh tìm diệt B-52, song “con ngáo ộp” vẫn chưa bị bắn hạ. Lo lắng đè nặng lên suy nghĩ của các phi công chiến đấu…
* Kinh nghiệm từ những lần “vồ hụt” B-52
Mặc dù đã được chuẩn bị rất kỹ thông qua những lần tập đánh B-52 trước khi vào Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, song các tình huống khó khăn đặt ra đều “khan”, mang tính giả định. Bởi thế, khi thực tế chiến đấu, các tình huống bất lợi như cất hạ cánh trên sân bay bị địch đánh phá; địch gây nhiễu; tiêm kích địch chặn đánh trên đường; hiệp đồng giữa phòng không và không quân trong đánh máy bay địch khó khăn…nên các phi công Mig-21 rất khó khăn trong phát hiện, đánh chặn B-52.[links(right)]
Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại: Kể từ đêm đầu tiên của Chiến dịch, nhiều phi công của ta phát hiện được B-52, song do dẫn dắt Mig-21 vào vị trí không thuận lợi, nên không thể bám sát, tiếp cận và công kích. Ví dụ như có những trường hợp Mig-21 được dẫn dắt bay cắt ngang đường bay của B-52; có trường hợp phi công bay thấp, khi phát hiện B-52, máy bay ta ở độ cao thấp, khó đuổi kịp B-52, nhất là khi máy bay địch phát hiện và tắt đèn, rút chạy.
“Chúng tôi rất lo lắng, không phải sợ hy sinh, mà bởi vì đã qua 8 đêm rồi, phi công của chúng ta vẫn không diệt được B-52, trong khi đó tất cả đang mong mỏi, chờ đợi không quân tiêu diệt B-52”, Trung tướng Phạm Tuân bộc bạch.
Phi công Phạm Tuân trò chuyện cùng các đại biểu tại Hội thảo khoa học cấp Nhà nước “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không-tầm cao bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam” |
Không quân tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc các trận đánh trước đó và quyết định thay đổi cách đánh. Sở chỉ huy được đưa ra vòng ngoài, tại Thanh Hóa, Mộc Châu, Yên Bái; chuyển máy bay ra vòng ngoài; dẫn đường từ vòng ngoài; phi công được chủ động xử lý tình huống trên không.
Những trận đánh trước đó, sau khi cất cánh, phi công Mig-21 thường bay thấp để tránh bị địch phát hiện, sau đó lấy độ cao. Phương thức bay này là hợp lý, nếu không có nhiễu. Tuy nhiên, do bị địch gây nhiễu nên khi kéo cao, Mig-21 không thể bắt và bám sát được mục tiêu B-52. Vậy nên, qua rút kinh nghiệm, cách đánh được vạch ra là sau khi cất cánh, chủ động giành lợi thế độ cao.
Phi công Phạm Tuân lý giải: “Trong điều kiện máy bay F-4 của địch rất nhiều, thế nên chưa chắc địch đã phát hiện ra ta nếu ta bay cao. Và khi bay cao, ta có độ cao, có tốc độ, sẽ có điều kiện tiếp cận mục tiêu nhanh nhất”.
Đêm 26-12-1972, Phạm Tuân được lệnh cất cánh từ sân bay Nội Bài lên sân bay Yên Bái, song do đáy mây quá thấp, không thể hạ cánh tại Yên Bái nên phải quay về hạ cánh tại Nội Bài…
* “Én bạc” hạ gục “pháo đài bay”
Đêm hôm sau, 27-12-1972, Phi công Phạm Tuân tiếp tục được lệnh cất cánh cơ động từ sân bay Nội Bài lên sân bay Yên Bái, để hiện thực hiện chiến thuật đánh từ vòng ngoài. Bay ở độ cao cách đỉnh núi khoảng 50 mét, nên trên toàn bộ hành trình bay, Phạm Tuân không gặp máy bay địch. Ông hạ cánh trực tiếp xuống sân bay Yên Bái.
21 giờ, Phạm Tuân được lệnh xuất kích. Sau khi cất cánh, xuyên mây, ông đã thấy F-4 của địch. Lệnh từ sở chỉ huy “Tránh F-4 của địch”, Phạm Tuân tăng tốc độ sớm, vượt tránh vài tốp F-4.
Ở cự ly cách B-52 khoảng 200km, Phạm Tuân đã được thông báo có B-52 cách 200km. Các cự ly 150km, 100km lần lượt được sở chỉ huy thông báo. Đến cự ly 60km, sở chỉ huy ra lệnh cho Phạm Tuân bật tăng lực, lấy độ cao. Sau khi kéo cao, đến cự ly 40km, Phạm Tuân đã phát hiện được B-52.
“Ngay sau khi phát hiện B-52, tôi báo cáo sở chỉ huy: “Phát hiện tốp B-52, 2 chiếc”! Nhưng kỳ thực có 3 chiếc B-52 trong đội hình, vì chiếc thứ 3 không bật đèn”, Phi công Phạm Tuân nhớ lại.
Chiếc Mig-21 đã cùng phi công Phạm Tuân tiêu diệt B-52 trên bầu trời Sơn La. |
Tại thời điểm đó, 5 sở chỉ huy đều dẫn dắt rất tốt Phạm Tuân, bởi máy bay ta hoạt động ở vòng ngoài nên hạn chế được nhiễu của đối phương. Đến cự ly 10km, chiếc Mig-21 ép vào phía sau chiếc B-52. Các sở chỉ huy đều nhắc “Chú ý bật công tắc tên lửa! Bắn 2 quả!”. Ngay sau đó, sở chỉ huy Quân chủng yêu cầu các sở chỉ huy khác không liên lạc, để sở chỉ huy Quân chủng dẫn dắt.
Khi đến cự ly 3km, Phạm Tuân ( mang số hiệu 361) được lệnh: “361 bắn, thoát ly ngay bên trái”. Khẩu lệnh thứ hai tiếp tục được phát lên: “361 bắn, thoát ly ngay bên trái”.
“Nghe tốt! Tôi bắn”, Phạm Tuân trả lời và lập tức bắn 2 quả tên lửa. Lúc đó, Mig-21 đang giữ tốc độ 1.500km/giờ và tốc độ B-52 khoảng 900km/giờ. Ngay sau khi bắn, Phạm Tuân làm động tác cơ động thoát ly. Quan sát, ông thấy một quầng lửa ngay phía dưới máy bay mình và nhanh chóng điều khiển máy bay về hạ cánh an toàn tại sân bay Yên Bái.
Đêm 28-12-1972, từ sân bay Cẩm Thủy, phi công Vũ Xuân Thiều cũng xuất kích, phát hiện, công kích B-52 bằng 2 quả tên lửa. B-52 trúng đạn bốc cháy trên bầu trời Sơn La nhưng anh đã anh dũng hy sinh.
Với việc rút kinh nghiệm qua từng trận đánh để thay đổi cách đánh kịp thời, Không quân nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt 2 máy bay B-52 trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, góp phần làm nên kỳ tích vô song trên bầu trời miền Bắc.
QĐND Online