Máy bay chiến lược B.52 (còn được gọi là “siêu pháo đài bay B.52”) là máy bay chiến đấu hiện đại nhất, là niềm tự hào của không lực Hoa Kỳ. Việc bắn hạ chiếc B.52 đầu tiên tại trận địa Hà Nội tác động rất lớn đến tư tưởng và quyết tâm chiến đấu của quân - dân ta, khẳng định niềm tin to lớn ta có thể đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào miền Bắc.
Bài 3: Mảnh xác B.52 đầu tiên
Máy bay chiến lược B.52 (còn được gọi là “siêu pháo đài bay B.52”) là máy bay chiến đấu hiện đại nhất, là niềm tự hào của không lực Hoa Kỳ. Việc bắn hạ chiếc B.52 đầu tiên tại trận địa Hà Nội tác động rất lớn đến tư tưởng và quyết tâm chiến đấu của quân - dân ta, khẳng định niềm tin to lớn ta có thể đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào miền Bắc.
Trung tá Võ Công Lạng, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn H61, Đoàn Phòng không Hà Nội kể lại “những giây phút sung sướng đến tột cùng” khi được tham gia và chứng kiến quân ta bắn rơi chiếc B.52 đầu tiên ấy. Ông kể lại:
* Chiếc B.52 đầu tiên bị bắn hạ ở trận địa Hà Nội
… Đêm ấy, trong hầm chỉ huy Đoàn H61 ở Đông Anh, Trung đoàn trưởng Trần Hữu Tạo, Chính ủy Dương Đình Thảo và tôi theo dõi, chỉ huy trận đánh của Tiểu đoàn 59 vào đội hình máy bay B.52 Mỹ.
Xác máy bay B.52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Ảnh tư liệu |
20 giờ 13 ngày 18-12-1972, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 Nguyễn Thăng lệnh phóng quả đạn đầu tiên. Quả tên lửa xé tan màn nhiễu dày đặc, lao thẳng vào chiếc B.52, “lôi cổ” nó xuống. Từ trên chòi trinh sát của Sở Chỉ huy, những tiếng reo to đầy phấn chấn: “Cháy rồi, máy bay cháy rồi, cháy to quá…!”.
Tin tức các đơn vị báo về dồn dập, Tiểu đoàn 59 khẳng định bắn rơi B.52. Tiểu đoàn 57 báo cáo: “Kính TZK của tiểu đoàn nhìn thấy chiếc máy bay bị bắn rơi rất to”. Trung đoàn trưởng khẳng định: “Rất to là B.52 rồi!”. Nhưng khi Chính ủy Trung đoàn báo cáo về Sở Chỉ huy Sư đoàn, anh Văn Giang, Chính ủy Sư đoàn hỏi lại: “Có chắc chắn là B.52 không?”.
Rõ ràng là cấp trên thận trọng khi nghe báo cáo B.52 bị bắn rơi tại chỗ. Ngày 17-9-1967, ta bắn rơi chiếc B.52 đầu tiên ở Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ta còn bắn rơi chiếc B.52 ở Trường Sơn, trong chiến dịch Trị Thiên. Nhưng một phần chúng cố lết về sân bay dự bị, một phần chiến trường gần biển, nên chúng rơi xuống biển phi tang. Thực tế, đến thời điểm 18-12-1972, ta chưa sờ được xác chiếc B.52 nào, nên địch rất huênh hoang vào con “ngoáo ộp” B.52.
Vì vậy, trước tin B.52 bị bắn rơi tại trận địa Hà Nội, Chính ủy Sư đoàn Văn Giang chỉ thị: “Cần phải xác minh, đồng chí Võ Công Lạng đến tận nơi xem sao”. Trước khi đi, anh Tạo còn dặn: “Đường sá lúc này khó đi lắm. Có thể còn nguy hiểm nữa. Bằng mọi cách phải xác minh cho sớm. Có phải B.52 không? Nếu xe hỏng, đường tắc thì bơi qua sông Cà Lồ mà đi”.
Ngồi trên xe, tôi nghĩ đến những ngày đầu năm 1972 tôi vào Quảng Trị đánh B.52. Lúc đó, tôi đã ao ước được cầm mảnh vỡ của xác B.52 về Hà Nội minh chứng cho cả thế giới biết chúng tôi đã bắn rơi B.52 như thế nào. Nhưng thằng giặc cũng xảo quyệt, dù bị bắn rơi cũng cố lết ra biển Đông phi tang…
Xe chạy khoảng 3km mới tới đường 3. Chúng tôi sẽ phải vượt qua trọng điểm Đông Anh, sau đó qua cầu Phù Lỗ… trước mặt ga Đông Anh đang cháy. Chúng tôi phải quay xe đi men theo các rìa làng lên đường cái. Trời mùa đông gió rét, nhưng một ý nghĩ làm sao đi nhanh nhất đến được chỗ máy bay rơi, xem nó là “thằng nào” cứ choán lấy tâm trí chúng tôi. Đến ngã ba Phù Lỗ, Kim Anh, Vĩnh Phúc, chúng tôi gặp một tổ dân quân đang xúm xít ven quốc lộ. Tôi hỏi: “Có gì không các đồng chí?”. Một đồng chí dân quân trả lời: “Máy bay rơi đúng vào xe lu đường”.[links(right)]
Tôi vội xuống xe, bật đèn pin thì thấy một động cơ máy bay Mỹ đang nằm đè lên chiếc xe lu bẹp dúm. Nhìn quanh đống sắt chẳng thấy một ký hiệu gì. Một cô dân quân nói: “Các chú phải đi vào trong cánh đồng kia. Còn nhiều đám cháy lắm”.
Theo tay chỉ của cô, chúng tôi nhằm một đám cháy lớn nhất mà chạy tới. Lại gặp một tốp dân quân: “Các anh đừng vào, nhỡ còn bom đạn nó nổ. Lửa cháy lâu lắm rồi mà chưa tắt”. Mặc, chúng tôi cứ lao thẳng vào. Nhiều mảnh vỡ máy bay vương vãi, nhưng chưa thấy chữ mà chúng tôi cần tìm.
* “Xác thằng B.52 đây rồi!”
Vòng vèo theo những bờ ruộng ướt đẫm sương đêm, một đống xác máy bay lù lù như những tòa nhà hiện ra. Chúng tôi chia nhau đi tìm. Một đồng chí trợ lý reo lên: “Anh Lạng ơi! Có cái này hay lắm…!”.
Tôi chạy lại. Dưới ánh đèn pin là tấm huy hiệu của Bộ Chỉ huy không quân chiến lược SAC (Mỹ). Tôi dịch cho anh em: “Strategic Air là không quân chiến lược. Command là chỉ huy. Strategic Air Command là chỉ huy không quân chiến lược. Chúng ta nắm chắc trong tay B.52 rồi”.
Tôi chui vào trong lòng chiếc máy bay, dùng đèn pin xăm xoi. Xộc vào trong mũi tôi là mùi nước hoa. Lòng tôi lúc đó trào lên niềm căm giận. “Bọn đi giết người hàng loạt, định dùng những lọ nước hoa để át mùi máu tanh đây!”. Trong khoang lái, tôi thấy dây điện chằng chịt, hàng chục chiếc đồng hồ nằm trước mặt. Tôi sướng rơn lên khi thấy nhãn hiệu chữ “B.52-G” gắn trên hộp khống chế độ cao. Một cảm giác sung sướng mạnh mẽ tràn đến, giây phút ấy tôi không bao giờ quên. Sự mong đợi cầm mảnh vỡ của xác chiếc B.52 không phải bây giờ mới có. Đồng đội tôi đã có những người ra đi không về. Hình ảnh cả một tiểu đoàn tên lửa bị trúng bom B.52 ở Vĩnh Linh năm 1966 lướt qua đầu tôi trong khoảnh khắc. Sự thật mong đợi đến quá đột ngột, tôi lặng đi hồi lâu, tay chân lóng ngóng. Cuối cùng, sực nhớ ra nhiệm vụ, tôi vội rút con dao găm bên người, cạy chiếc nhãn hiệu. Tôi cẩn thận cho vào túi áo bông, lấy kim băng cài lại. Lúc này, tôi chỉ mong nhanh chóng về báo cáo sở chỉ huy, nên kéo vội hai đồng chí trợ lý đi cùng ra xe. Ngồi trên xe mà tôi đi như trong mơ, mặc cho lửa cháy, tiếng nổ còn đâu đây, tôi lúc đó như say chiến thắng. Tiểu đoàn 59 tài giỏi quá, ngay những quả đạn đầu tiên đã “lôi cổ” chiếc B.52-G hiện đại xuống cánh đồng làng, mở đầu cho chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Trước mắt tôi hiện ra hình ảnh Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng xốc vác, hăng hái…
Chưa chạy đến hầm chỉ huy chân tôi đã ríu lại. Ngực đập thình thịch. Nghe trong hầm lao xao “ông Lạng về rồi!”, tôi vội chạy vào hét toáng: “Xác thằng B.52 đây rồi!”.
Tôi đặt mảnh xác và tấm kim loại có chữ B.52-G lên bàn. Trung đoàn trưởng Trần Hữu Tạo ôm chầm lấy tôi thốt lên nghẹn ngào: “B.52-G…”.
Anh chạy tới bàn điện thoại. Anh gọi nhắc tất cả các tiểu đoàn trưởng cầm máy. Mắt anh rưng lệ, nghẹn ngào xúc động: “Thông báo tới từng cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn: Trung đoàn ta đã bắn rơi tại chỗ chiếc B.52-G của giặc Mỹ! Chúng ta nhất định sẽ bắn rơi nhiều chiếc khác…”.
Cả sở chỉ huy lặng đi xúc động... Không bao giờ tôi quên được giây phút ấy. Nhiều năm đã trôi qua nhưng mỗi lần đến dịp tháng chạp, hình ảnh xác chiếc B.52-G lại hiện về trong tôi…
Đoàn Hoài Trung
(Ghi theo lời kể của Trung tá Võ Công Lạng, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn H61, Đoàn Phòng không Hà Nội)