(ĐN) - Sáng 16-8, Phó bí thư Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) tỉnh và Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Hữu Định chủ trì buổi tọa đảm về công tác CCHC năm 2024.
Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh và 56 đơn vị cấp xã trong toàn tỉnh dự tọa đàm.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Nguyệt Hà |
Theo Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, trong 8 tháng đầu năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 69 quyết định công bố Bộ thủ tục hành chính (TTHC) và sau khi được công bố được cập nhật kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng bộ về Cổng dịch vụ công của tỉnh, niêm yết tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã.
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Nguyệt Hà |
Việc giải quyết hồ sơ đúng hạn cấp sở đạt tỷ lệ 99,63%; cấp huyện đạt tỷ lệ 98,41%; cấp xã đạt tỷ lệ 99,31%. Theo kết quả công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ số hóa hồ sơ, số hóa kết quả giải quyết TTHC đạt 38,4%, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 28,35% và 145 hồ sơ được khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa (chiếm 0,02%).
Đến hết tháng 7-2024, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tiếp nhận 967 phản ánh kiến nghị; xử lý đúng hạn 925 phản ánh, 42 phản ánh đang xử lý, không có trường hợp quá hạn. Tỷ lệ hài lòng trong xử lý phản ánh kiến nghị công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 93%, tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết TTHC 92,28%. Tổng đài dịch vụ công 1022 tiếp nhận gần 28 ngàn lượt liên hệ yêu cầu hỗ trợ thông tin, gửi phản ánh, kiến nghị và đã xử lý đạt trên 99,87%...
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay, Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục xác định CCHC là một trong những thành tố cấu thành quan trọng của đột phá thể chế phát triển (một trong ba đột phá chiến lược), trong đó tập trung cải cách TTHC, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh; chú trọng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Ngày 6-8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU về nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong lãnh đạo, điều hành thực hiện hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Quan điểm chỉ đạo, tiếp tục xác định lấy người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của CCHC.
Bà Dương Thị Việt Hương, Phó giám đốc Bưu điện tỉnh trao đổi ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Cù Thuận |
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Công tác CCHC đã và đang được Tỉnh Ủy, UBND tỉnh hết sức quan tâm, chỉ đạo sát sao. Theo đó, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, cải thiện mức độ hài lòng của người dân đối với chính quyền, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2023 và 7 tháng đầu năm nay, tuy đạt một số kết quả nhưng các chỉ số về CCHC, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đồng Nai hiện nay vẫn còn ở mức trung bình và thấp, chưa tương xứng với vị thế của tỉnh Đồng Nai”.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đề nghị, các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh và các địa phương tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao. Qua đó, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC trong thời gian tới. Đồng thời đề nghị, các đại biểu đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện CCHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp; nhất là những điểm còn ách tắc, hướng tới chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ.
Nguyệt Hà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin