Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai kiến nghị luật hóa việc tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư công ngay trong kỳ họp thứ 8

Hoàng Lộc
23:23, 29/10/2024

(ĐN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 29-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia thảo luận tổ, cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trường đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường. Ảnh: ĐBQH
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trường đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường. Ảnh: ĐBQH

Tại đây, đoàn Đại biểu tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến.

Rất cần thiết tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư công

Có ý kiến tại phiên thảo luận, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường cho rằng, nên áp dụng tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công ngay kỳ họp này vì nó rất cần thiết để chủ động đền bù, xây dựng trước các khu tái định cư, đảm bảo được yêu cầu bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dẫn chứng, dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chậm so với mốc thời gian Quốc hội giao vì công tác giải phóng mặt bằng chậm, hiện nay tỉnh mới bàn giao được khoảng 40% mặt bằng.

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải, đoàn Đồng Nai trao đổi thảo luận tổ. Ảnh: ĐBQH
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long, đoàn Đồng Nai trao đổi thảo luận tổ. Ảnh: ĐBQH

Cùng cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Công Long, đoàn Đồng Nai cho rằng, nên cân nhắc kỳ họp này cho ý kiến và tháng 5 năm sau thông qua. Cũng theo đại biểu Nguyễn Công Long, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập cần xem xét trong trường hợp rất cần thiết mới được tách, tránh trường hợp tạo kẽ hở trong quá trình giải phóng mặt bằng. Khi cho tách, cần quy định chặt chẽ các điều kiện được tách, việc tách phải phù hợp với phạm vi, quy mô của dự án.

Cần bổ sung đối tượng hưởng thụ chính sách

Đại biểu Lê Hoàng Hải, đoàn Đồng Nai tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách về đầu tư công; khắc phục những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong thời kỳ mới.

Ngoài ra đại biểu Lê Hoàng Hải tham gia góp ý 3 nội dung. Thứ nhất, về áp dụng Luật Đầu tư công, điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo Khoản 4 Điều 3 là không cần thiết. Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bỏ quy định này.

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải, đoàn Đồng Nai trao đổi thảo luận tổ. Ảnh: ĐBQH

Thứ 2, về ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công ở điểm 1, Khoản 1, Điều 7 là chưa bao quát đủ đối tượng thụ hưởng. Cần bổ sung vào dự thảo luật này nhóm đối tượng các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật nhằm tránh “bỏ sót” đối tượng được hưởng chính sách.

Thứ 3, về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, Khoản 3, Điều 74 luật giao Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát lại để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều