Báo Đồng Nai điện tử
En

'Rà' đúng xu hướng chung của các nhãn hàng quốc tế

07:06, 09/06/2022

Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất theo đơn đặt hàng của các nhãn hàng quốc tế. Sau khi xảy ra đại dịch Covid-19, các nhãn hàng có xu hướng dịch chuyển lại chuỗi cung ứng sản phẩm và đưa ra những tiêu chí cao hơn với DN sản xuất.

Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất theo đơn đặt hàng của các nhãn hàng quốc tế. Sau khi xảy ra đại dịch Covid-19, các nhãn hàng có xu hướng dịch chuyển lại chuỗi cung ứng sản phẩm và đưa ra những tiêu chí cao hơn với DN sản xuất.

Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa)
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Quân

Gần đây, nhiều nhãn hàng quốc tế ở nhiều lĩnh vực tuyên bố sẽ phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường. Từ đó, các nhãn hàng đưa ra những tiêu chí, yêu cầu các nhà máy sản xuất, gia công cho nhãn hàng phải ứng dụng mô hình tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, hướng đến sản xuất xanh.

* Thay đổi để giữ đơn hàng

Để trở thành đối tác quan trọng của các nhãn hàng quốc tế, DN buộc phải có những thay đổi về phương pháp quản trị về sản xuất, kinh doanh, ưu tiên đầu tư máy móc công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Những yếu tố trên sẽ giúp DN đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe của người tiêu dùng trên thế giới và giữ được những đơn hàng lớn cho lĩnh vực đang sản xuất, kinh doanh như: giày dép, dệt may, túi xách, máy móc thiết bị, máy tính, linh kiện điện tử, phương tiện vận tải, thực phẩm…

Giám đốc Khối tổng vụ - kinh doanh Công ty TNHH Việt Nam Nok ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) Ngô Hoàng Hồ cho biết: “Công ty đang đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất mới và đều có máy móc hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng, đảm bảo về môi trường để nâng cao chất lượng sản phẩm. Mục tiêu của công ty là trở thành một DN xanh, nhà sản xuất hàng đầu thế giới cho các sản phẩm roon-phốt chặn kín cao su, phục vụ trong ngành sản xuất xe hơi, xe máy và một số máy móc khác”.

Khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều nhãn hàng thời trang trên thế giới yêu cầu sản phẩm may mặc phải truy xuất được nguồn gốc từ khâu sản xuất bông, kéo sợi, dệt vải và hoàn thành sản phẩm. Các DN trong chuỗi cung ứng phải có thông tin chi tiết từng khâu để khi sản phẩm đến với người tiêu dùng phát hiện bị lỗi có thể truy được do khâu nào. Vì thế, các nhãn hàng quốc tế đều sắp xếp lại chuỗi cung ứng để đảm bảo yêu cầu.

Bà Tiên Lê, Quản lý cấp cao hoạt động phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á của VF (thương hiệu thời trang Hoa Kỳ), cho hay: “VF là thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới, mục tiêu là phát triển bền vững. Tại Việt Nam, VF có liên kết với nhiều nhà máy sản xuất theo đơn đặt hàng nên đã hỗ trợ nhiều nhà máy dệt may sử dụng nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng. Các nhà máy sản xuất xanh sẽ nhận được những đơn hàng lớn, lâu dài của VF”.

Theo một số DN tại Đồng Nai, những nhà máy chuyển đổi theo hướng bền vững sẽ nhận được rất nhiều đơn hàng của các DN, tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.

* Tạo đà để ra “biển lớn”

Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu với thế giới khá nhanh, tạo ra nhiều cơ hội cho DN phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút dòng vốn ngoại vào các lĩnh vực. Tuy nhiên, DN vươn ra biển lớn và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì sản phẩm phải đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo, sản phẩm phải tiện lợi và thân thiện với môi trường.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhận xét: “Các nhãn hàng thời trang quốc tế đòi hỏi ngày một cao về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm may mặc, DN dệt may Việt Nam phải đầu tư lớn cho sản xuất. Những năm gần đây, các nước có ngành dệt may phát triển như: Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ có những đầu tư rất lớn về công nghệ, nguồn nhân lực để mở rộng thị phần trên thế giới. Do đó, DN ngành dệt may Việt Nam không tái cơ cấu sẽ không đủ sức cạnh tranh”.

Sản xuất sản phẩm thạch dừa xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm GC (Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom)
Sản xuất sản phẩm thạch dừa xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm GC (Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom)

Tương tự, với ngành hàng khác đòi hỏi DN phải có kế hoạch theo kịp xu hướng của người tiêu dùng và các nhãn hàng thì mới phát triển ổn định, lớn mạnh dần để đủ sức vươn xa. Cuộc đua phát triển bền vững trên toàn cầu ngày càng khốc liệt, DN chậm chân sẽ bị bỏ lại.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam Binu Jacob cho biết: “Nestlé là DN hàng đầu trong ngành chế biến thực phẩm, thức uống tại Việt Nam, Đồng Nai là nơi công ty đặt 3 nhà máy sản xuất. Mục tiêu của Nestlé là phát triển bền vững nên các hoạt động kinh doanh gắn chặt với những lợi ích phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường nhằm đem đến cho người tiêu dùng trong và ngoài nước các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng. Định hướng trên đã giúp Nestlé Việt Nam luôn giữ vững và mở rộng được thị trường trong nước và nước ngoài”.

Những DN có vốn đầu tư trong nước tại Đồng Nai như: Công ty CP Đồng Tiến, Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai, Công ty CP Thực phẩm GC, Công ty CP Nhất Nam, Công ty TNHH Nam Long… đang giữ vững được đơn hàng sản xuất, giữ vững thị trường xuất khẩu và nguyên nhân được cho là sớm thích nghi và có hướng đi phù hợp và đều có chung đích đến là sản xuất xanh.

Hương Giang

Tin xem nhiều