Hiện nay, Đồng Nai là một trong 5 trung tâm sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh, hiện có đến 2/3 kim ngạch xuất khẩu thuộc về nhóm hàng công nghiệp hỗ trợ.
Hiện nay, Đồng Nai là một trong 5 trung tâm sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh, hiện có đến 2/3 kim ngạch xuất khẩu thuộc về nhóm hàng công nghiệp hỗ trợ.
Sản xuất linh kiện máy móc để xuất khẩu tại Công ty hữu hạn Công nghiệp Boss (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom). Ảnh: K.Minh |
Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 13,2 tỷ USD. Trong đó, có hơn 8,8 tỷ USD là những mặt hàng đầu vào cho sản xuất như: điện tử và linh kiện, thiết bị máy móc và phụ tùng, xơ sợi dệt, phương tiện vận tải và phụ tùng, chất dẻo, sắt thép… và xuất khẩu đến 170 quốc gia, vùng, lãnh thổ.
* Đầu ra được mở rộng
Từ đầu năm 2022 đến nay, kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, lạm phát tăng cao, xuất - nhập khẩu tại nhiều nước gặp khó khăn. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của tỉnh vẫn giữ mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tăng trưởng cao là tiền đề cho ngành công nghiệp phát triển ổn định, đảm bảo việc làm và thu nhập cho hơn 1 triệu người lao động trong và ngoài tỉnh.
Giám đốc Khối tổng vụ kinh doanh Công ty TNHH Việt Nam NOK (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) Ngô Hoàng Hồ cho biết: “Công ty sản xuất linh kiện cho các loại động cơ và sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tuy tình hình thế giới có nhiều biến động nhưng sản xuất và xuất khẩu của công ty vẫn khá thuận lợi. Năm 2022, chúng tôi dự tính tiếp tục tuyển thêm lao động để mở rộng sản xuất và xuất khẩu đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Một số mặt hàng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm tăng cao là sắt thép gần 530 triệu USD, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm trước; chất dẻo gần 297 triệu USD, tăng hơn 34%; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng trên 1,3 tỷ USD, tăng gần 17%...
Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, H.Nhơn Trạch) Nguyễn Văn Tâm chia sẻ: “Sản phẩm của công ty là các loại van cho máy móc công nghiệp, tàu thủy, máy bay, tàu vũ trụ, hệ thống lọc dầu… Kaneko luôn nghiên cứu đưa ra các dòng sản phẩm mới ứng dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho các doanh nghiệp (DN) sử dụng. Do đó, tình hình thế giới có nhiều biến động nhưng công ty vẫn nhận được các đơn hàng lớn của đối tác ở nhiều quốc gia”.
* DN linh hoạt để trụ vững
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, lạm phát tiếp tục gia tăng, các DN tại Đồng Nai buộc phải linh hoạt, cơ cấu lại sản xuất để giữ được chân khách hàng cũ và tìm thêm khách hàng mới. Các DN Đồng Nai được các nhãn hàng trên thế giới đánh giá cao về tính năng động, có khả năng hoàn thành được nhiều đơn hàng khó, số lượng lớn trong thời gian ngắn. Từ đầu năm đến nay, đơn đặt hàng đến với DN trên địa bàn tăng cao, nhiều DN đã nhận được đơn hàng đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Theo Bộ Công thương, trong bối cảnh hiện nay, các DN chú ý theo dõi diễn biến của thị trường thế giới, linh hoạt, chủ động trong tìm kiếm đối tác, đơn hàng để ổn định sản xuất. Các DN nên tiếp tục ứng dụng công nghệ vào trong quản lý sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí đầu vào vượt qua khó khăn. |
Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, H.Nhơn Trạch) Kim Chi Hyung cho biết: “Hyosung chuyên sản xuất các loại sợi cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hơn 2 năm qua, dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến DN, nhưng công ty vẫn duy trì được sản xuất và đảm bảo các đơn hàng cho đối tác. Gần đây, nhiều tập đoàn lớn đã phân bổ lại chuỗi cung ứng để tránh lệ thuộc vào một số nước và Việt Nam là nơi được lựa chọn nhiều. Hyosung linh hoạt hơn trong xây dựng kế hoạch và điều hành sản xuất để tiếp tục ổn định sản xuất, xuất khẩu”.
Gần 3 năm nay, nhiều DN ở Việt Nam đã chú ý đến tìm nguồn nguyên liệu trong nước để rút ngắn thời gian, chi phí vận chuyển và chủ động được sản xuất. Đây là cơ hội lớn cho các DN sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vì thị trường nội địa và xuất khẩu đều rộng mở. Nếu đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng về mẫu mã, chất lượng, giá cạnh tranh sẽ dễ dàng nhận được hợp đồng lớn.
Trong 6 tháng cuối năm, đơn hàng dồi dào, lao động ổn định, sản xuất phục hồi nhanh, nhưng các DN vẫn thường trực nỗi lo thiếu nguyên liệu sản xuất, “bão giá” khiến chi phí sản xuất đầu vào tăng cao. Tuy Đồng Nai là nơi xuất khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp lớn, nhưng nguồn nguyên liệu thô ban đầu cho ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn. Do đó, khi các thị trường nhập khẩu lớn của Đồng Nai như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản có những biến động lớn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ và xuất khẩu.
Khánh Minh