Báo Đồng Nai điện tử
En

Ðầu tư, kết nối hạ tầng giao thông vùng Ðông Nam bộ: Kết quả tuyên truyền và những vấn đề đặt ra

Báo Đồng Nai
09:17, 07/09/2023
 

Vùng Đông Nam bộ bao gồm: TP.HCM và các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Vùng có diện tích hơn 31 ngàn km2, chiếm 9,4% diện tích cả nước với dân số hơn 19 triệu người, chiếm gần 20% dân số cả nước.

Thảm nhựa đường cao tốc
Thảm nhựa đường cao tốc

Đông Nam bộ từ lâu đã được xác định là vùng kinh tế đầu tàu, động lực của cả nước. Đây là vùng có địa hình rộng, đa dạng, thuận lợi phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, xây dựng hệ thống GT-VT....

Các tỉnh, thành trong vùng liên kết, tiếp giáp với nhiều vùng khác như phía Bắc giáp với Nam Trung bộ và Nam Tây nguyên, là những vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; phía Tây và Tây - Nam giáp đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tiềm năng lớn nhất về nông nghiệp của cả nước; phía Đông và Đông Nam giáp Biển Đông, giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là tài nguyên hải sản, dầu mỏ và khí đốt; thuận tiện kết nối với tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nhộn nhịp bậc nhất thế giới, kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia, có cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác với Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar theo tuyến đường bộ xuyên Á.

Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, những năm qua, vùng Đông Nam bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đông Nam bộ là khu vực kinh tế quan trọng của phía Nam cũng như cả nước, đóng góp 39% GDP cả nước và 42% nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ cao nhất cả nước.

Dù vẫn giữ vững vai trò vùng kinh tế động lực của cả nước, tuy nhiên, nhiều năm qua, tốc độ phát triển của vùng Đông Nam bộ vẫn được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế vốn có.

* Dự án phát triển hạ tầng liên vùng để phá thế “co cụm”

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khung quản lý, cơ chế hiện tại chưa khai thác được hết tiềm năng kinh tế của vùng Đông Nam bộ, tăng trưởng của vùng thấp hơn tăng trưởng bình quân của cả nước.

Công đoạn làm đường dẫn vào ra cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Đoàn Ngọc Ân
Công đoạn làm đường dẫn vào ra cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Đoàn Ngọc Ân

Nhiều vấn đề dẫn đến thực trạng này đã được nhận diện như: thiếu liên kết trong quy hoạch và định hướng phát triển của các địa phương; thiếu liên kết trong quản lý, điều hành của các địa phương, đồng thời không có cơ chế hiệu quả cho quản trị vùng; chưa đầu tư mạnh mẽ, cơ chế quản lý cho các dự án hạ tầng trọng điểm liên kết vùng Đông Nam bộ...

Đặc biệt, dù là vùng kinh tế năng động, phát triển bậc nhất cả nước nhưng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ lại đang rất yếu kém.

Là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, vùng Đông Nam bộ đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Hiện nay, 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực Tây Nam bộ đều thông qua cảng biển khu vực TP.HCM và cảng biển Vùng Đông Nam bộ. Mặt khác, hàng hóa và hành khách giữa vùng Tây Nam bộ với vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung đều thông qua TP.HCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ.

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam bộ đang đối mặt với tình trạng quá tải, thiếu kết nối đồng bộ.

Theo Bộ GT-VT, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông của vùng thời gian qua chỉ đạt được khoảng 25-27% so với nhu cầu theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Đây là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam bộ.

Tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng của vùng Đông Nam bộ về kinh tế, chính trị - văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải phát triển nhanh và bền vững phù hợp hơn nữa với vị trí, vai trò chiến lược của vùng động lực phát triển lớn nhất, đầu tàu phát triển của cả nước. Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh cần đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc xây dựng và phát triển vùng Đông Nam bộ trở thành trung tâm kinh tế tài chính, thương mại, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, giữ vai trò đầu tàu trong liên kết phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và cả nước.

Phát triển vùng Đông Nam bộ phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại kinh tế của vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm. Đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ cao cấp, tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó, lấy nội lực là quyết định, là chiến lược, là cơ bản, lâu dài kết hợp hài hòa với ngoại lực tạo nền tảng động lực thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động và tích cực hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.

Để đạt được các mục tiêu chung cho vùng theo định hướng quy hoạch, tạo nên một không gian rộng lớn, thống nhất phục vụ phát triển, đòi hỏi các địa phương trong vùng phải có sự liên kết, thống nhất triển khai các giải pháp đột phá đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng. Trong đó, việc đầu tư các dự án phát triển hạ tầng liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông là yêu cầu cấp thiết để phá thế “co cụm” vốn là “điểm nghẽn” phát triển lâu nay của vùng Đông Nam bộ.

* Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về liên kết vùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm

Đối với Báo Đồng Nai, nhằm thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông cũng như kết nối vùng, từ năm 2019, Báo Đồng Nai đã ra mắt chuyên trang Đông Nam bộ với tần suất 2 trang báo mỗi tháng. Đến nay, chuyên trang Đông Nam bộ của Báo Đồng Nai đã được tăng trang với tần suất mỗi tuần 1 chuyên trang. Chuyên trang Đông Nam bộ của Báo Đồng Nai đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối cũng như các văn bản về phát triển mối liên kết vùng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Trong đó, chuyên trang Đông Nam bộ của Báo Đồng Nai đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền về quá trình triển khai các dự án phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng.

Công nhân làm hàng rào hộ lan trên đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Ảnh:  Đoàn Ngọc Ân
Công nhân làm hàng rào hộ lan trên đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Ảnh: Đoàn Ngọc Ân

Trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với TP.HCM, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải đặc biệt được chú trọng. Hiện nay, Bộ GT-VT đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia, đây sẽ là cơ hội tốt để tích hợp trong quy hoạch vùng, quy hoạch các tỉnh, thành trong vùng, góp phần hình thành một hệ thống giao thông - vận tải hoàn chỉnh, đồng bộ, tạo tiền đề, là động lực để duy trì vị thế là trung tâm động lực kinh tế của cả nước.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, vùng Đông Nam bộ sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, các tuyến cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM; cùng với 20 tuyến quốc lộ dài khoảng 1.743km sẽ đảm nhận vận tải hành khách, hàng hóa để kết nối liên vùng. Bộ GT-VT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam bộ khoảng 413 ngàn tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, Báo Đồng Nai tiếp tục xác định, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách về liên kết vùng, đặc biệt là trên lĩnh vực phát triển hạ tầng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đây là mục tiêu được Báo Đồng Nai đặt ra để góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, tạo sự đồng thuận của xã hội, sự tham gia tích cực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện mục tiêu đưa vùng Đông Nam bộ phát triển nhanh và bền vững, phù hợp hơn nữa với vị trí vai trò chiến lược của vùng động lực phát triển lớn nhất, đầu tàu phát triển của cả nước.

 

 

Tin xem nhiều