Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo Cần Thơ với việc tuyên truyền về kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

Báo Cần Thơ
09:27, 07/09/2023
 

Thành phố Cần Thơ luôn xác định hạ tầng giao thông là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và cần được ưu tiên đầu tư phát triển trước để tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong các giai đoạn tiếp theo. Trong Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định một trong 10 nhiệm vụ, giải pháp là: “Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế”.

Lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Quân khu 9 và lãnh đạo thành phố Cần Thơ thực hiện nghi thức khởi công dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ thuộc dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1
Lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Quân khu 9 và lãnh đạo thành phố Cần Thơ thực hiện nghi thức khởi công dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ thuộc dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30-8-2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW, trong đó có ban hành nhiệm vụ đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ GT-VT thực hiện và do thành phố Cần Thơ thực hiện với số lượng các dự án giao thông chiếm trên 50% danh mục dự án.

Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường đã khẳng định kết nối giao thông là một trong những trụ cột quan trọng để Cần Thơ phát huy vai trò, vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long trong liên kết phát triển vùng. Theo đó, thành phố bám sát chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với bộ, ban, ngành, Trung ương thực hiện đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt nhằm tạo sự kết nối thuận lợi giữa thành phố Cần Thơ và các tỉnh trong vùng, cũng như kết nối với thành phố HCM. Đặc biệt là tuyến cao tốc theo trục dọc (Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau); trục ngang (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng)…

Báo Cần Thơ với chức năng, nhiệm vụ của một tờ báo Đảng địa phương, luôn quan tâm, chú trọng tuyên truyền về vấn đề kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tham luận tại Hội thảo hôm nay với chủ đề “Báo Đảng với việc tuyên truyền liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” do Báo Đồng Nai tổ chức, Báo Cần Thơ xin được giới thiệu đến quý vị đại biểu, các bạn đồng nghiệp về định hướng phát triển kết nối giao thông thành phố Cần Thơ với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, cả nước và quốc tế. Đồng thời, đánh giá lại công tác tuyên truyền về kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long của Báo Cần Thơ trong thời gian qua, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp để làm tốt hơn nhiệm vụ này trong thời gian tới.

* Xây dựng Cần Thơ trở thành đầu mối GT-VT nội vùng và liên vận quốc tế

Là một trong 13 tỉnh, thành của đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ được thành lập ngày 1-1-2004 trên cơ sở chia tách tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Thành phố Cần Thơ nằm trong vùng trung - hạ lưu và ở vị trí trung tâm châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, trải dài trên 55km dọc bờ Tây sông Hậu, tổng diện tích tự nhiên là 1.401,61km2. Phía Bắc của Cần Thơ giáp tỉnh An Giang; phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Vĩnh Long; phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang; phía Nam giáp tỉnh Hậu Giang. thành phố có 9 đơn vị hành chính, gồm 5 quận và 4 huyện, với 83 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó, có 5 thị trấn, 42 phường, 36 xã.

Thi công đường nối giữa đường Cách Mạng Tháng Tám với đường tỉnh 918 - một trong những công trình của dự án 3 - dự án góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ vùng lõi trung tâm của thành phố trước rủi ro do ngập lụt, tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố
và các khu vực đô thị mới phát triển
Thi công đường nối giữa đường Cách Mạng Tháng Tám với đường tỉnh 918 - một trong những công trình của dự án 3 - dự án góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ vùng lõi trung tâm của thành phố trước rủi ro do ngập lụt, tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố và các khu vực đô thị mới phát triển

Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định những nhiệm vụ cụ thể trong phát triển giao thông: Hoàn thành các dự án trọng điểm nhu tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, các dự án thành phần của dự án Kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông; từng bước hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang, kết nối thành phố HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng; hoàn chỉnh giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu, đáp ứng cho tàu có trọng tải từ 10.000-20.000 tấn vào các cảng của thành phố Cần Thơ; hoàn chỉnh giai đoạn 2 của dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo; nghiên cứu triển khai nạo vét, cải tạo kênh mương Khai Đốc Phủ Hiền kết nối giữa sông Tiền và sông Hậu; triển khai dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; đầu tư phát triển cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đáp ứng nhu cầu phát triển, phù hợp với quy hoạch mạng cảng hàng không quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu phương án đầu tư tuyến đường sắt kết nối thành phố HCM với Cần Thơ.

Trung ương và thành phố Cần Thơ đã và đang tập trung ưu tiên huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có thành phố Cần Thơ. Cụ thể, như: đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 (dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023); đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025); nâng cấp tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thành đường cao tốc (dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024); nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 (dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023); xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 (dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023). Bên cạnh đó, đang lập Đề án Xã hội hóa, đầu tư khai thác cảng hàng không Cần Thơ để triển khai đầu tư nâng cấp cảng hàng không trong giai đoạn 2026-2030; lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt thành phố HCM - Cần Thơ để triển khai đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.

Cần Thơ đang triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, trong đó ưu tiên đầu tư các đường vành đai, đường liên tỉnh, đường tỉnh để kết nối đồng bộ với các đường cao tốc, quốc lộ qua địa bàn thành phố, từ đó kết nối đến cảng hàng không, cảng biển, các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, giải quyết ùn tắc giao thông khu vực nội ô và mở rộng không gian phát triển đô thị như đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường vành đai phía Tây thành phố; các đường tỉnh 917, 918, 921, 923. Đồng thời, đang đề xuất đầu tư 3 công trình: nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C; đường liên tỉnh kết nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Kiên Giang và tỉnh Đồng Tháp; cầu Ô Môn vào nhóm dự án DPO đầu tư bằng nguồn vốn vay JICA. thành phố đã tập trung rà soát, nghiên cứu xây dựng Phương án quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thuộc Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Hội đồng Thẩm định quy hoạch thành phố thông qua, hiện nay hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) làm cơ sở để quản lý đồng bộ, hiệu quả quy hoạch và huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong các giai đoạn tới.

Giai đoạn 2021-2025, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn thành phố Cần Thơ đã bố trí cho các dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải là hơn 11 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 45% ngân sách cấp thành phố quản lý. Các dự án này gồm đường vành đai phía Tây, tỉnh lộ 917, 918, 921, 922… Ngoài ra, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực rà soát, đề xuất các phương án khả thi, hiệu quả để huy động nguồn vốn thực hiện các dự án, bao gồm vay vốn ODA, xem xét phương án huy động từ các tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu... để thực hiện các dự án giao thông nhằm góp phần kết nối giao thông, tạo không gian phát triển cho thành phố.

Trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã có nhiều công trình phát huy hiệu quả liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng. Trong ảnh: Cầu Vàm Cống nối Cần Thơ - Đồng Tháp. Ảnh: T.TRINH
Trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã có nhiều công trình phát huy hiệu quả liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng. Trong ảnh: Cầu Vàm Cống nối Cần Thơ - Đồng Tháp. Ảnh: T.TRINH

Giao thông thuận lợi sẽ nhanh chóng kết nối các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long với Cần Thơ cũng như các khu chức năng quan trọng của thành phố đã và đang được quy hoạch xây dựng như: cảng biển Cần Thơ; cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; các khu công nghiệp lớn tại huyện Vĩnh Thạnh và huyện Thới Lai; các khu đô thị lớn (Khu đô thị tại quận Ô Môn; Khu đô thị sân bay tại quận Bình Thủy; Khu đô thị sinh thái huyện Phong Điền; Khu đô thị tại quận Cái Răng).

Để khai thác cơ hội mới, thành phố Cần Thơ đã rà soát, bố trí quy hoạch các khu chức năng quan trọng để tích hợp vào Đồ án Quy hoạch thành phố Cần Thơ và sẽ sớm triển khai đầu tư xây dựng để đón đầu và phát huy lợi thế các trục cao tốc hiện đại đang hình thành. Việc phân bổ không gian với các vùng đô thị, công nghiệp, nông thôn phù hợp với mạng lưới hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng, lợi thế, tạo ra động lực phát triển bứt phá trong giai đoạn tới, để Cần Thơ xứng đáng là thành phố trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

* Báo Cần Thơ tuyên truyền về kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

Là tờ báo Đảng địa phương, cũng như những báo Đảng địa phương khác, Báo Cần Thơ tập trung nhiệm vụ tuyên truyền đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương đến các tầng lớp nhân dân; đồng thời ghi nhận, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân nhân dân, những vấn đề nảy sinh bức xúc trong đời sống… Trong nhiệm vụ chung ấy, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Ban Biên tập Báo Cần Thơ xác định tuyên truyền về kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài nhằm góp phần xây dựng thành phố Cần Thơ xứng đáng là “ thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long…” như Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Hệ thống Báo Cần Thơ hiện nay gồm Báo Cần Thơ Việt ngữ xuất bản hàng ngày, Báo Cần Thơ Khmer ngữ xuất bản hàng tuần và Báo Cần Thơ điện tử (phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Khmer). Việc tuyên truyền về kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long được triển khai thực hiện trên tất cả các sản phẩm của Báo Cần Thơ, trong đó, đặc biệt là trên Báo Cần Thơ Việt ngữ và Báo Cần Thơ điện tử phiên bản tiếng Việt. Những vấn đề liên quan phát triển, kết nối giao thông được phản ánh một cách đa dạng, phong phú trên các trang thông tin thời sự, trang thông tin chuyên đề của Báo Cần Thơ Việt ngữ và Báo Cần Thơ điện tử phiên bản tiếng Việt như: Thời sự, Kinh tế - Thị trường, Hội nhập và Phát triển, Đô thị, Giám sát - Phản biện xã hội, Dân chủ cơ sở…

Trong tuyên truyền về kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Báo Cần Thơ chú trọng tuyên truyền những nội dung sau: chủ trương, định hướng của Trung ương trong phát triển, kết nối hệ thống giao thông của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực cho sự phát triển của các địa phương trong vùng; nỗ lực của thành phố Cần Thơ trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố, trong triển khai thực hiện những công trình trọng điểm, bức xúc để gỡ “nút thắt” giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; vai trò và nỗ lực của thành phố trong tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng để thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh; động thái tích cực của thành phố nhằm tăng cường kêu gọi đầu tư để thu hút mọi nguồn vốn và các thành phần kinh tế tham gia; quản lý đồng bộ, hiệu quả công tác quy hoạch xây dựng, đất đai để tạo quỹ đất dành cho đầu tư hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và tái định cư đảm bảo kịp thời khởi công các dự án…

Phương tiện, thiết bị tập trung triển khai thực hiện dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Hậu Giang
Phương tiện, thiết bị tập trung triển khai thực hiện dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Hậu Giang

Song song đó, Báo Cần Thơ góp tiếng nói phản biện trong kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, thông qua phản ánh những điểm nghẽn trong quá trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố; phản ánh về thực trạng hạ tầng giao thông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa được như kỳ vọng, chưa kết nối đồng bộ, nhiều đoạn tuyến bị trì hoãn, nhiều tuyến đường bộ còn nhỏ hẹp, chất lượng thấp, đường bộ cao tốc còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nhiều tiềm năng về phát triển đường thủy nội địa nhưng tận dụng, khai thác tuyến đường này vẫn còn hạn chế…

Nhìn nhận lại thực tế công tác tuyên truyền về kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên Báo Cần Thơ trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy Báo Cần Thơ đã làm khá tốt công tác này. Những thông tin về phát triển hệ thống giao thông thành phố Cần Thơ, kết nối giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giao thông giữa thành phố Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long với các vùng khác… được đưa đến bạn đọc kịp thời, rõ ràng, dễ hiểu, qua đó giúp công chúng nhìn được và hiểu rõ hơn về bức tranh giao thông tổng thể của vùng, tạo niềm tin về sự phát triển, từ đó tạo được những động lực mới cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội... Báo Cần Thơ cũng đã góp tiếng nói để vấn đề về hệ thống giao thông nói chung và kết nối giao thông nói riêng của thành phố Cần Thơ cũng như của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long được quan tâm đầu tư, phát triển mạnh mẽ hơn.

Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền về kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Báo Cần Thơ rút ra một số bài học kinh nghiệm và những đề xuất, kiến nghị sau:

1. Các ngành chức năng cung cấp thông tin đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời hơn cho các cơ quan báo chí; nhất là trong những dự án mới, những dự án đang được công chúng quan tâm.

2. Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho nhà báo nói chung và đội ngũ nhà báo viết về kết nối giao thông vận tải nói riêng.

3. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kết nối giao thông vận tải.

4. Tăng cường hơn nữa thông tin về kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trên mặt báo. Đặc biệt chú trọng thông tin về tiến độ, chất lượng các công trình, dự án giao thông trọng điểm; chú trọng phản ánh những thành quả phát triển kinh tế - xã hội mà các dự án, công trình mang lại...

 

 

Tin xem nhiều