Báo Đồng Nai điện tử
En

Sân bay Long Thành - động lực phát triển của vùng Đông Nam bộ trong tương lai

Báo Đồng Nai
09:23, 07/09/2023
 

Theo quy hoạch, khi hoàn thành xây dựng cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành sẽ trở thành sân bay lớn nhất của cả nước. Chính vì vậy, trong tương lai, “siêu” sân bay Long Thành sẽ là động lực phát triển to lớn cho Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam bộ cũng như cả nước nói chung.

Ngày 14-6-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 909/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch dự án sân bay Long Thành. Theo đó, sân bay này được quy hoạch tại vị trí nằm trên địa bàn 6 xã gồm: Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn và Long Phước thuộc H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khởi công các gói thầu xây dựng nhà ga hành khách, đường băng sân đỗ tàu bay dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào ngày 31-8-2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khởi công các gói thầu xây dựng nhà ga hành khách, đường băng sân đỗ tàu bay dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào ngày 31-8-2023

Hơn 4 năm sau, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII (ngày 25-6-2015), 428 đại biểu (chiếm tỷ lệ hơn 86% tổng số đại biểu Quốc hội) đã bấm nút tán thành, chính thức thông qua Nghị quyết số 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành.

Tại Kỳ họp thứ 8 (ngày 26-11-2019), Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 95/2019/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Một năm sau đó, vào ngày 11-11-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1777/QĐ-TTg phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Chưa đầy 2 tháng sau đó, vào ngày 5-1-2021, dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 được chính thức khởi công xây dựng. Như vậy, từ khi được phê duyệt quy hoạch đến thời điểm chính thức khởi công, dự án Sân bay Long Thành đã trải qua 1 thập kỷ để hoàn thành các thủ tục liên quan.

Mô hình phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1
Mô hình phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1

Theo quy hoạch tổng thể, sân bay Long Thành sẽ được đầu tư xây dựng trên diện tích khoảng 5 ngàn ha. Sau khi hoàn thành xây dựng, sân bay này sẽ có 4 đường cất hạ cánh đạt tiêu chuẩn quốc tế mới nhất (dài 4.000m, rộng 60m) và 4 nhà ga rộng lớn, hiện đại với công suất phục vụ 100 triệu hành khách/năm. Nhà ga hàng hóa có công suất 5 triệu tấn/năm. Sân bay Long Thành được xây dựng theo tiêu chuẩn sân bay cấp 4F (mức cao nhất) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD, dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành sẽ trở thành dự án đầu tư hạ tầng có tổng vốn lớn nhất của Việt Nam được triển khai thực hiện từ trước đến nay. Dự án Sân bay Long Thành thuộc nhóm 16 sân bay được mong đợi nhất thế giới.

Dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành được chia làm 3 giai đoạn thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2035. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh dài 4.000m, rộng 45m và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Theo dự kiến, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2026.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị chủ đầu tư, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng không nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và Việt Nam nói chung. Sân bay Long Thành cùng với sân bay Tân Sơn Nhất đang được đầu tư mở rộng sẽ tạo thành một cụm cảng hàng không hùng mạnh, hiện đại, tương lai trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn của khu vực, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế.

Mô hình phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1
Mô hình phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1

Sân bay Long Thành có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không quốc gia, thuộc công trình quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới. Mở ra không gian phát triển mới với hệ sinh thái kinh tế hàng không, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để phát huy hiệu quả của sân bay Long Thành, Bộ GT-VT, TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đã thống nhất quy hoạch các tuyến giao thông kết nối sân bay như: đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành; các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu; các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 - TP.HCM…

Với vị thế đó, trong tương lai, sân bay Long Thành sẽ trở vùng động lực phát triển quan trọng của Đồng Nai nói riêng và của vùng Đông Nam bộ cũng như cả nước nói chung. Đồng thời, sân bay Long Thành cùng với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải sẽ được kỳ vọng trở thành hai cực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của vùng Đông Nam bộ cũng như của cả nước.

Theo đánh giá của ICAO, từ nay đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng không cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2025, nhu cầu vận chuyển hàng không vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt trên 65 triệu hành khách, đến năm 2030 sẽ đạt mức 80 triệu hành khách. Nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa qua các sân bay sẽ ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, sân bay Long Thành khi đưa vào khai thác giai đoạn 1 trong năm 2026 sẽ mở ra cơ hội cạnh tranh với các sân bay trong khu vực, đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế.

Thi công gói thầu san nền thoát nước dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1
Thi công gói thầu san nền thoát nước dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1

Có vị trí địa lý thuận lợi, từ sân bay Long Thành, chỉ với 3 giờ bay có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Do đó, trong quy hoạch phát triển, đến sau năm 2030, sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trên lĩnh vực giao thông - vận tải, đặc biệt là đối với ngành hàng không, sân bay Long Thành còn mang “sứ mệnh” mở cửa bầu trời, thu hút các nhà đầu tư đến với Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam bộ cũng như vùng trọng điểm kinh tế phía Nam nói chung.

Là sân bay lớn nhất cả nước, sân bay Long Thành được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, có khả năng tiếp thu các loại máy bay dân dụng lớn nhất. Hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, khi đưa vào khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các đường bay trong nước và quốc tế. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các đường bay trong nước và quốc tế, tạo nền tảng phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thúc đẩy kết nối nền kinh tế nước ta với thị trường ASEAN, khu vực châu Á và toàn cầu.

Theo Bộ GT-VT, dự án Sân bay Long Thành là một trong những mục tiêu đầu tư rất quan trọng nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của cả nước nói chung, vùng Đông Nam bộ và các tỉnh phía Nam nói riêng. Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy du lịch vùng và là cửa ngõ đưa khách du lịch quốc tế tới Việt Nam và khách du lịch Việt Nam tới quốc tế. Sân bay Long Thành sẽ là “mắt xích” quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế trên các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, logistics. Sân bay Long Thành sẽ là “hạt nhân” trong định hướng xây dựng mô hình đô thị sân bay đầu tiên của cả nước - đô thị sân bay Long Thành. Qua đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam bền vững và góp phần tăng cường khả năng đảm bảo an ninh quốc phòng cho đất nước.

 

 

Tin xem nhiều