Báo Đồng Nai điện tử
En

64 năm nối nghiệp, tạo nên tên tuổi ‘mì xí mứng’ ở Biên Hòa

Minh Hạnh
20:04, 07/05/2024

Quán mì gốc Hoa Phước Nguyên (mì tàu) ở phường Tân Vạn (thành phố Biên Hòa) có tuổi đời 64 năm được khách quen gọi với cái tên thân thương là “mì xí mứng”.

Hiếm ai biết rằng chủ tiệm mì Phước Nguyên và tiệm mì Phước Lộc Thọ là 2 chị em ruột, được truyền nghề làm mì từ người cha.

Gian bếp sạch sẽ, thoáng đãng nên khách hàng có thể nhìn thấy toàn bộ quá trình trụng mì. Ảnh: Minh Hạnh

Theo chia sẻ của bà Trần Thị Bích Phượng (56 tuổi, chủ tiệm mì Phước Nguyên), tiệm mì được cha mẹ bà (ông Trần Cẩm Phô và bà Hà Thị Lan) mở ra từ năm 1960, sau này giao lại cho bà tiếp tục kinh doanh.

Năm 2001, sau khi em gái của bà là Trần Tuyết Nga lấy chồng, đã mở tiệm mì ngay tại nhà chồng, lấy tên là Phước Lộc Thọ. Quán mì nhanh chóng trở nên có tiếng tăm trong giới dân buôn bán, làm ăn ở Biên Hòa - những người vốn là khách quen lâu năm của quán.

Cùng được truyền dạy những kinh nghiệm làm mì từ cha nên chất lượng và mùi vị vẫn không khác. Tuy nhiên, vì một số biến cố mà bây giờ chỉ còn tiệm mì Phước Nguyên do bà Bích Phượng và chồng quản lý là còn tiếp tục kinh doanh.

Từng loại nguyên liệu, gia vị như hành, tỏi được chuẩn bị tỉ mỉ. Ảnh: Minh Hạnh

Không gian quán đơn giản, không bày biện nhiều nhưng đây là quán mì đã "theo chân" nhiều người dân Biên Hòa lớn lên.

Chị Kim Liên (46 tuổi, ngụ phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa) kể lại: “Chị ăn ở đây từ hồi còn học tiểu học, tính đến giờ cũng hơn 30 năm. Hương vị và chất lượng món mì vẫn không hề thay đổi. Anh chị chủ vui tính, thân thiện, có khi ăn xong chị ngồi lại trò chuyện cả buổi”.

Không gian sạch sẽ, mặt bàn luôn được lau dọn bóng loáng, không có miếng giấy hay mẩu xương thừa vứt trên đất. Ảnh: Minh Hạnh

Quán bán buổi sáng, từ 6 đến 11 giờ 30, địa chỉ cụ thể ở C29/53/19, đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Tân Vạn. Từ sớm tinh mơ, khách quen đã có mặt để thưởng thức những tô mì đầu tiên trong ngày.

Tô xương hầm mềm tơi, khơi gợi sự thèm ăn của thực khách (Ảnh: Minh Hạnh)
Tô xương hầm khơi gợi sự thèm ăn của thực khách. Ảnh: Minh Hạnh

Đặc biệt nhất của món mì tàu là sợi mì giòn, dai, vàng ươm, làm thủ công theo công thức của người Hoa. Khi gia đình có tiệc, đám giỗ, lễ, tết... nhiều người ghé mua mì tươi của quán về nấu món ăn đãi khách.

Sợi mì vàng ươm được ủ kỹ để đạt độ dai, giòn hoàn hảo (Ảnh: Minh Hạnh)
Sợi mì vàng ươm được ủ kỹ để đạt độ dai, giòn hoàn hảo. Ảnh: Minh Hạnh

Nước dùng của quán có vị ngọt thanh từ xương hầm, những lát thịt được thái không quá dày, không quá mỏng, đều tăm tắp, thể hiện tay nghề của người đầu bếp. Đặc biệt, phần thịt xay không quá nhiều mỡ. Người lớn bình thường gọi 2 vắt mì là đủ no.

Những lát thịt được thái đều tay (Ảnh: Minh Hạnh)
Những lát thịt được thái đều tay. Ảnh: Minh Hạnh

Giá của tô có 1 vắt mì là 30 ngàn đồng, tô 2 vắt sẽ là 45 ngàn đồng, còn từ vắt thứ 3, thứ 4 thì sẽ tính thêm 5 ngàn đồng/vắt.

Bà Phượng tâm sự, trước đây cha bà không đặt tên nên quán chỉ là một tiệm mì vô danh trong hẻm sâu gần chợ Tân Vạn. Nhưng khách đến ăn đông, người ta tự gọi là quán mì "xí mứng". Sau này nhiều quán khác học theo, mở ra cũng lấy tên gọi mì xí mứng. Để khách hàng không bị nhầm lẫn, bà đặt biển hiệu, lấy tên là mì Phước Nguyên.

Đi từ xa là đã thấy biển hiệu của quán (Ảnh: Minh Hạnh)
Đi từ xa là đã thấy biển hiệu của quán. Ảnh: Minh Hạnh

Tuy không quá nổi tiếng trên mạng xã hội hay được những bạn trẻ review nhiều, nhưng tiệm mì Phước Nguyên vẫn giữ vị trí đặc biệt trong lòng nhiều người dân Biên Hòa. Là quán ăn tuổi thơ mà những người con khi đi xa sẽ bồi hồi nhớ lại.

Minh Hạnh

Tin xem nhiều