Báo Đồng Nai điện tử
En

Sớm có khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon

Uyển Nhi
08:04, 18/08/2023

Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2050 sẽ đạt được phát thải ròng về 0 (Net Zero). Để đạt được mục tiêu trên Việt Nam đã ban hành và triển khai hàng loạt chính sách trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ… theo lộ trình sẽ giảm phát thải. Cụ thể từng ngành sẽ sản xuất theo hướng tuần hoàn, sản xuất xanh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiến hành xây dựng thị trường tín chỉ carbon để đưa vào hoạt động thí điểm từ năm 2025 và năm 2027 sẽ hoàn thiện khung pháp lý. Đồng thời, năm 2028, tiến hành vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Gần đây, tín chỉ carbon được nhắc đến khá nhiều và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp bắt đầu quan tâm và có kế hoạch giảm dần phát thải bằng nhiều biện pháp như: sử dụng nguyên liệu tái chế, dùng nguyên liệu đầu vào ít gây ảnh hưởng đến môi trường, tham gia trồng cây xanh, đưa máy móc thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, giảm phát thải…

Tuy nhiên, quá trình các doanh nghiệp triển khai thực hiện các giải pháp trên vẫn còn nhiều bất cập do chính sách quy định chưa rõ ràng. Đơn cử, tại Đồng Nai doanh nghiệp tham gia sản xuất tuần hoàn với nước thải nhưng lại vướng trong quá trình xử lý nước thải đạt chuẩn và tái sử dụng. Trong cộng sinh doanh nghiệp cũng chưa có quy định cụ thể, gây khó khăn cho việc liên kết giữa các nhà máy trong cùng khu công nghiệp để đầu ra của nhà máy này sẽ là đầu vào của nhà máy khác…

Gần đây, một số tổ chức bắt đầu tiến hành ký kết mua carbon từ những nhà máy có phát thải nhiều. Điều này sẽ mang lại lợi ích kép vì doanh nghiệp sẽ giảm phát thải ra môi trường và thu được số tiền từ bán khí carbon. Trong lộ trình đi tới Net Zero, Chính phủ phải gấp rút xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ bị kiểm soát việc phát thải, nếu xả thải nhiều hơn quy định thì doanh nghiệp phải mua thêm tín chỉ carbon trên thị trường để bù lại hoặc có những giải pháp khác để bù trừ.

Sau COP26 (hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Hàn Quốc năm 2021), nhu cầu tín chỉ carbon nhiều hơn, tăng cơ hội cho Việt Nam trong phát triển thị trường carbon. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm có khung pháp lý, sàn giao dịch tín chỉ carbon để các công ty có thể giao dịch, kinh doanh trên lĩnh vực này dễ dàng.

Uyển Nhi

Tin xem nhiều