Nghị định số 80/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y có hiệu lực vào tháng 10-2022. Cũng trong năm này, nhiều thông tư mới sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực thú y được ban hành.
Việc kiểm soát giết mổ có nhiều thay đổi sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này. Trong ảnh: Cơ sở giết mổ tại H.Thống Nhất |
Theo Cục Thú y, việc sửa đổi bổ sung một số điều trong quy định về thú y nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm dịch động vật, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm động vật để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
* Nhiều điểm mới
Cục Thú y, Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) vừa phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến phổ biến và giải đáp những quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung về thú y. Tọa đàm tập trung giới thiệu 6 thông tư mới sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực thú y. Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số điều về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, thuốc cho động vật, cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật…
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, các thông tư, nghị định về thú y được sửa đổi, bổ sung sẽ tạo thuận lợi hơn cho người chăn nuôi, DN trong phát triển chăn nuôi, tạo ra sản phẩm chất lượng. |
Tại tọa đàm trực tuyến, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, mục đích của buổi tọa đàm nhằm phổ biến sâu rộng và giải đáp thắc mắc các quy định mới về thú y đến từng địa phương, doanh nghiệp (DN), HTX, người dân. Như vậy, khi đưa vào thực hiện các quy định mới sẽ đạt hiệu quả cao.
Trưởng phòng Thú y cộng đồng (Cục Thú y) Huỳnh Thị Thanh Bình cho biết, theo các quy định mới thì kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y được quy định chi tiết, rõ ràng hơn. Cụ thể, nguồn gốc động vật phải rõ ràng để có thể truy xuất nguồn gốc, đánh giá trực tuyến trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, bổ sung quy định xử lý vệ sinh thú y khi phát hiện động vật bị viêm da nổi cục hoặc dịch tả heo châu Phi tại cơ sở giết mổ…
Nói về những điểm mới trong Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30-12-2022 của Bộ NN-PTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, Trưởng phòng Thú y thủy sản (Cục Thú y) Nguyễn Ngọc Tiến nhấn mạnh, thông tư mới có nhiều ưu tiên với vùng đạt an toàn dịch bệnh. Khi đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở hưởng nhiều quyền lợi; trong đó, có ưu tiên việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật. Ngoài ra, động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch trong vòng 1 ngày sau khi đăng ký kiểm dịch.
* Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính
Các nghị định, thông tư sửa đổi ngoài có những quy định, nội dung mới thì sự khác biệt rõ nhất là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính so với các nghị định, thông tư cũ trên cơ sở mang lại lợi ích cho DN cũng như những đơn vị thực hiện nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu kiểm tra chuyên ngành của thú y.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Nam chia sẻ, trước khi các thông tư, nghị định ra đời, Cục Thú y đã triển khai rất bài bản từng bước, lấy ý kiến từ nhiều cơ quan, tổ chức, hiệp hội, DN, người dân. Từ đó, thống nhất cách hiểu, cách làm, phát hiện các bất cập để điều chỉnh cho phù hợp. Nhiều thủ tục không còn phù hợp được cắt giảm tạo thuận lợi cho DN, người dân trong phát triển chăn nuôi, cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước, xuất khẩu. Bên cạnh đó, giúp cho công tác kiểm tra chuyên ngành đổi mới theo hướng hiệu quả hơn.
Nêu dẫn chứng về giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho DN, Trưởng phòng Kiểm dịch động vật (Cục Thú y) Chu Nguyên Thạch ví dụ, Thông tư số 09/2022/TT-BNNPTNT ngày 19-8-2022 của Bộ NN-PTNT giảm tỷ lệ lấy mẫu xét nghiệm bệnh đối với động vật nhập khẩu lên tới hơn 90% so với trước. Đối với sản phẩm động vật trên cạn, Cục Thú y kiểm dịch gộp 5 mẫu thành 1 mẫu xét nghiệm, giảm 66,7% chi phí xét nghiệm so với trước đây. Cùng với đó, hệ thống thú y tăng cường chuyển đổi số, cấp giấy chứng nhận điện tử. Trường hợp có sự thống nhất giữa Cục Thú y và cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu về giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật điện tử thì sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch điện tử.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin