Trong 8 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng lập kỷ lục mới khi cán mốc 1,2 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Dự đoán xuất khẩu trái cây năm 2023 sẽ chạm ngưỡng 5 tỷ USD, vượt xa kế hoạch đề ra.
Thu hoạch thanh long xuất khẩu tại H.Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên |
Tuy nhiên, xuất khẩu trái cây tươi nói chung, đặc biệt là với sầu riêng, loại trái cây đang nóng nhất hiện nay đang bộc lộ nhiều mặt trái cần khắc phục để phát triển bền vững. Trong đó, theo Bộ NN-PTNT, tới đây, việc xây dựng mã số vùng trồng sẽ là yêu cầu bắt buộc; phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát.
* Cơ hội lớn kèm nhiều rủi ro, thách thức
Đây là năm đầu tiên sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Chưa có năm nào nông dân trồng sầu riêng đạt lợi nhuận cao như năm nay khi xuất khẩu có bước tăng đột phá với dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt mức kỷ lục trên 1,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, cũng chính vì sự tăng trưởng nóng, lợi nhuận cao của trái sầu riêng đã bộc lộ nhiều mặt trái của ngành hàng này như: tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết. Đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến vi phạm các quy định của Nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cảnh báo này không là chuyện xa vời khi từ đầu năm đến nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã nhận được nhiều thông báo không tuân thủ về kiểm dịch thực vật khi phát hiện các loại sinh vật gây hại trên các mặt hàng: mít, chuối, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long... từ Trung Quốc và các nước nhập khẩu trái cây tươi khác. Gần đây nhất là sự kiện hàng trăm container chuối, mít, sầu riêng, thanh long... được đưa ra cảng chuẩn bị xuất sang Trung Quốc bị tạm dừng xuất khẩu.
Đây cũng là những nội dung chính được đề cập đến tại diễn đàn Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam do Bộ
NN-PTNT chủ trì tổ chức ngày 11-9.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT LÊ MINH HOAN chỉ ra, trước đây đã có nhiều ngành hàng ban đầu rất háo hức phát triển nhưng sau đó rơi vào bi kịch vì chúng ta nghĩ thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức. |
Tại diễn đàn trên, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, Trung Quốc thực hiện kiểm dịch 100% với sầu riêng và nông sản Việt Nam, trong khi các nước khác như Thái Lan chỉ phải kiểm dịch tối đa 30%. Việc kiểm dịch 100% với nông sản Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến năng suất thông quan giữa các cửa khẩu hai bên chưa cao. Theo bà Hương, hiện các đối thủ của Việt Nam trong xuất khẩu trái cây tươi như: Thái Lan, Malaysia, Philippines… liên tục đầu tư vào khoa học công nghệ. Họ đã xây dựng được thương hiệu và định vị, định danh trên thị trường quốc tế. Nếu Việt Nam cứ ngủ quên trên chiến thắng, tự ru ngủ mình thì sẽ thua ngay từ lúc bắt đầu.
Cùng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp Nguyễn Quốc Toản chỉ ra 6 nút thắt cần tháo gỡ của ngành hàng trái cây tươi là: tăng trưởng nóng; cạnh tranh trong thu mua, gom hàng, đạo đức kinh doanh; hạ tầng chế biến; quản trị chất lượng; liên kết giữa nhà vườn, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu; nguồn nhân lực, quy trình chuẩn. Ông Toản cũng đề nghị quan tâm hơn đến các thị trường khác.
* Cần ràng buộc trách nhiệm từ nhiều phía
Mặt trái lớn nhất của chuỗi ngành hàng xuất khẩu trái cây là đang tồn tại sự cạnh tranh thiếu lành mạnh cả trong sản xuất lẫn tiêu thụ, phân phối dẫn đến tình trạng chạy theo sản lượng mà bỏ quên chất lượng trong sản xuất; tình trạng tranh mua, tranh bán với nhiều hệ lụy lâu dài. Đã đến lúc ngành hàng trái cây phải được tổ chức theo chuỗi giá trị với trách nhiệm ràng buộc từ nhiều phía.
Một cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu tại TP.Long Khánh |
Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong chuỗi ngành hàng này là từ nông dân với việc xây dựng quy trình canh tác chuẩn. Trong đó, ngay cả việc thu hoạch đúng tuổi xưa nay vốn được cho là việc của thương lái thì nay nông dân cũng nên xem là trách nhiệm của mình. Đây phải được xem là chuyện bảo vệ thương hiệu cá nhân của từng nông dân, của từng vùng trồng, vì hiện nay sản phẩm của họ đã có mã số vùng trồng.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm (tỉnh Đắk Lắk) Nguyễn Thị Thái Thanh cho rằng, nông dân đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu cho chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, quyết định chất lượng, sản lượng nguyên liệu đầu vào… Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc mua sản phẩm từ nông dân hoặc HTX, chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Để chuỗi liên kết phát triển bền vững, 3 chủ thể này cần phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Ở góc nhìn khác, Chủ tịch HĐQT Công ty Cánh Đồng Vàng (tỉnh Lạng Sơn) Nông Ngọc Trung chỉ ra, một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không hiểu biết về sầu riêng thi nhau nhảy vào làm, nâng giá, làm xáo trộn ngành sầu riêng. Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh. Với tiềm năng về sầu riêng tại thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần bắt tay đồng hành, cùng đưa sản phẩm vào thị trường Trung Quốc thay vì đối đầu, cạnh tranh nhau về vấn đề giá cả.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin