Tính đến thời điểm hiện tại, ngành điện mới đưa vào sử dụng khoảng 14% trạm biến áp (TBA) và 18% tuyến đường dây 110kV theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035. Chính vì vậy, nhiều khu vực đã, đang và nguy cơ cao xảy ra thiếu điện.
Công trình Trạm biến áp 500kV Long Thành hoàn thành nhưng đường dây đấu nối còn dang dở. Ảnh: H.Lộc |
Không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng điện của doanh nghiệp (DN), môi trường đầu tư của tỉnh cũng bị tác động. Điều này cần được khắc phục sớm.
* Những nơi có nguy cơ thiếu điện
Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai Trương Đình Quốc cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, ngành điện có kế hoạch đầu tư mới 39 TBA và 47 tuyến đường dây 110kV trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số công trình đưa vào vận hành rất thấp, khoảng 14% TBA và 18% tuyến đường dây.
Hệ quả là 7 khu vực đang có nguy cơ thiếu điện; trong đó có: Khu công nghiệp (KCN) Giang Điền (H.Trảng Bom), KCN Công nghệ cao Long Thành (H.Long Thành), Khu đô thị Long Hưng (TP.Biên Hòa) và một số nơi ở Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Long Khánh. Căng thẳng nhất là KCN Giang Điền, hiện điện lực không cấp mới, tăng thêm điện cho các DN có nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, ngành điện đầu tư mới 39 TBA và 47 tuyến đường dây 110kV. Đến thời điểm hiện tại mới thực hiện được khoảng 14% TBA và 18% tuyến đường dây. |
Theo lý giải của ngành điện, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ này. Cụ thể là, quy hoạch không đồng bộ giữa phát triển điện lực tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng cấp huyện. Do đó, các công trình lưới điện mới khó xác định được hướng tuyến và vị trí TBA, không cập nhật được trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất, không có trong quy hoạch xây dựng. Khi triển khai dự án phải bổ sung quy hoạch, điều chỉnh hướng tuyến và thiết kế mất nhiều thời gian.
Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng không chấp thuận với đơn giá bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, việc thỏa thuận mượn tạm đất để thi công công trình điện cũng mất nhiều thời gian. Công tác định giá đất đã giao về cấp huyện nhưng thực hiện còn lúng túng.
Liên quan đến nguồn vốn, việc tìm kiếm các nhà tài trợ vốn vay dự án đảm bảo cung cấp điện cho địa phương gặp nhiều khó khăn do yếu tố hạn mức tín dụng của ngành điện. Một số dự án thời gian thực hiện kéo dài do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến hết thời hiệu cho vay, nhà tài trợ chấm dứt hợp đồng.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam Đoàn Đức Hưng chia sẻ, Đồng Nai là một trong những địa phương có nhu cầu cao về điện. Hiện nay, cung ứng điện trên địa bàn tỉnh không thiếu, vì ngành điện đã triển khai đầu tư các trạm nguồn 500kV và 220kV. Tuy nhiên, vì vướng quy hoạch, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn dẫn đến các công trình bị chậm tiến độ. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ không đảm bảo nhu cầu sử dụng điện của người dân, DN.
* Cần sự vào cuộc tích cực của các bên
Bên cạnh các lý do khách quan kể trên, sự thiếu chặt chẽ trong công tác phối hợp giữa ngành điện với các địa phương cũng là nguyên nhân dẫn đến các công trình, dự án điện theo quy hoạch chậm trễ.
Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Trần Văn Thân chia sẻ, trên địa bàn có một số công trình TBA đã hoàn thành đầu tư nhưng tuyến đường dây đấu nối chưa hoàn thành. Nếu trong năm nay vẫn chưa vận hành, khả năng trong năm 2024 sẽ xảy ra thiếu điện cục bộ ở khu vực KCN Công nghệ cao Long Thành và sân bay Long Thành. Ông Thân đề nghị nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, khi địa phương vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, phê duyệt phương án bồi thường thì ngành điện sớm chuyển tiền để huyện chi trả cho các hộ dân.
Tương tự, tại H.Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa cũng có nhiều công trình điện chậm triển khai, chưa hoàn thành dẫn đến đầy tải, quá tải.
Trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh, ngành điện kiến nghị các địa phương rà soát cập nhật bổ sung công trình lưới điện vào quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường thiệt hại về đất, tài sản. Tích hợp quy hoạch phát triển điện lực vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đang xây dựng để thuận lợi cho các dự án sau này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đề nghị, đối với các công trình đã được tỉnh thỏa thuận vị trí TBA và hướng tuyến đường dây đấu nối, chủ đầu tư tiếp tục phối hợp với cấp huyện và các sở, ngành liên quan cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng làm cơ sở thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng. Đối với các công trình điện đang đề xuất, tỉnh sẽ xem xét tính phù hợp với các quy hoạch làm cơ sở chấp thuận cho chủ đầu tư thực hiện các bước trong dự án.
Đồng thời, ngành điện tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất cơ chế riêng, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình triển khai dự án.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin