Du lịch là một trong 8 lĩnh vực quan trọng được ưu tiên chuyển đổi số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Khách du lịch quét mã QR tìm hiểu thông tin về cây ăn trái tại một điểm du lịch vườn xã Bình Lộc (TP.Long Khánh). Ảnh: N.Liên |
Theo đó, ngành Du lịch đang hướng đến mục tiêu, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, khách du lịch ở bất cứ nơi đâu cũng có thể trải nghiệm, xem trước điểm đến đã được số hoá, được thuyết minh bằng chính thứ tiếng của du khách tại điểm du lịch, đặt vé máy bay, tàu xe đi lại, đặt khách sạn thanh toán điện tử…
* Trải nghiệm du lịch trên không gian số
Tại diễn đàn du lịch cấp cao với chủ đề Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch do Bộ VH-TTDL phối hợp với TP.HCM tổ chức đã ghi nhận những ý kiến đóng góp trong phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số của nhiều chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam và hàng chục Bộ trưởng Du lịch các nước trong khu vực…
Theo các các chuyên gia kinh tế, chuyển đổi số đã mang lại nhiều giá trị cho ngành Du lịch khi tất cả mọi thông tin đều được cập nhật trên môi trường số, tạo nên một hệ sinh thái du lịch thông minh, vừa hỗ trợ công tác quản lý nhà nước vừa giúp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch hiệu quả. Giúp du khách có sự lựa chọn điểm đến nhanh chóng, thuận tiện nhất.
Tuy nhiên, để xây dựng một hệ sinh thái du lịch thông minh qua chuyển đổi số, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía như: nhu cầu của khách du lịch, khả năng đáp ứng của nhà cung cấp và doanh nghiệp.
Chia sẻ những thông tin về công tác chuyển đổi số tại đất nước mình, ngài Sok Soken, Bộ trưởng Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm cho ngành Du lịch trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có. Trước cuộc khủng hoảng vì đại dịch, ngành Du lịch đã có sự chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng chung toàn cầu ứng dụng công nghệ kỹ thuật số. Đây vừa là cơ hội cũng là những thách thức mới của ngành Du lịch toàn cầu trong thời đại chuyển đổi số. Các nền tảng đặt vé trực tuyến, ứng dụng tìm kiếm trên thiết bị di động thông minh… đã đưa mọi người tìm kiếm điểm đến mới trên không gian số một cách dễ dàng.
Bên cạnh đó, ngài Sok Soken cũng cho rằng, các nền tảng kỹ thuật số cũng đã mở ra vô số cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ chức trong ngành Du lịch tiếp cận du khách toàn cầu và cung cấp những trải nghiệm ảo sống động; cho phép du khách trải nghiệm một cách dễ dàng những sản phẩm du lịch được quảng bá, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện của ngành Du lịch toàn cầu.
* Liên kết phát triển du lịch toàn cầu
8 tháng của năm 2023, du lịch Việt Nam đạt 7,8 triệu lượt khách quốc tế và 86 triệu lượt khách nội địa. Tại Đồng Nai, doanh thu từ du lịch lữ hành lũy kế 8 tháng ước đạt 44,7 tỷ đồng, tăng 147,5% so với cùng kỳ năm 2022. |
Tại Đồng Nai, những năm gần đây, công tác chuyển đổi số diễn ra khá sôi nổi. Hầu hết các doanh nghiệp du lịch lữ hành, các điểm dến đều sử dụng hiệu quả những ứng dụng, công nghệ để quảng bá sản phẩm, điểm đến của mình trên không gian số. Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó giám đốc Sở VH-TTDL cho biết, vừa qua, ngành Du lịch Đồng Nai đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hỗ trợ DN du lịch chuyển đổi số, khai thác những lợi thế trên các nền tảng Facebook, YouTube… Đặc biệt, một số DN trẻ như: Công ty THHH Du lịch trải nghiệm Trị An Adventure (H.Trảng Bom) xây dựng các điểm đến ảo trên nền tảng số đến cả khách du lịch trong nước và quốc tế; Công ty TNHH Dịch vụ - du lịch Meerkat Travel (H.Định Quán) ứng dụng công nghệ trong quảng bá phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng…
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Cục Du lịch) cho biết, thời gian qua Cục Du lịch đã xây dựng bản đồ số du lịch an toàn, ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn, nhằm giúp ngành Du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt. Để xây dựng và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, Cục Du lịch đã hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành Du lịch để làm khung hướng dẫn chung cho các địa phương, doanh nghiệp nghiên cứu triển khai thống nhất. Ngoài ra, Cục Du lịch cũng đã chủ động hợp tác với các đối tác ở trong nước và quốc tế như: Google, YouTube, Facebook, Instagram… để triển khai không gian số, ứng dụng công nghệ trong xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch.
Đánh giá về những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng nhận định, Việt Nam được đánh giá là một trong 3 quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số xếp hạng du lịch cao nhất thế giới. Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay, thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới từ 10-25%. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong khu vực Đông Nam Á nằm trong nhóm này.
Ngọc Liên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin