Báo Đồng Nai điện tử
En

Để HTX nông nghiệp Đồng Nai mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao

Đào Lê
08:02, 11/09/2023

Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng máy móc, công nghệ cao là hướng đi của ngành Nông nghiệp nói chung và các HTX nói riêng. Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai đã từng bước có những HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và gặt hái được thành công.

Mô hình máy bay không người lái và các công nghệ mới sẽ được ứng dụng mạnh vào các HTX trên cơ sở hợp tác giữa Công ty TNHH Airnano Việt Nam (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Tỉnh đoàn Đồng Nai. Ảnh: Đ.Lê
Mô hình máy bay không người lái và các công nghệ mới sẽ được ứng dụng mạnh vào các HTX trên cơ sở hợp tác giữa Công ty TNHH Airnano Việt Nam (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Tỉnh đoàn Đồng Nai. Ảnh: Đ.Lê

Để gia tăng các HTX mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất có nhiều yếu tố, bên cạnh sự năng động, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo HTX thì còn cần đến các giải pháp trợ giúp từ Nhà nước về nguồn vốn, đào tạo nhân lực, mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh…

* Những câu chuyện thành công

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) là một trong những nông dân tiên phong đầu tư phát triển ngành chăn nuôi gà công nghiệp và xây dựng thành công mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao xuất khẩu gà đi Nhật Bản.

Từ năm 2006, HTX Long Thành Phát đã chuyển các hoạt động như: cho ăn, uống nước, uống thuốc, úm gà… sang tự động hóa. Năm 2023, ông Quyết tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, trại gà được đầu tư các hệ thống băng chuyền vận chuyển giúp tự động bắt gà, tự động lấy phân. Lịch trình, công đoạn từng lứa gà được lên trước cả năm, gửi đến chủ trang trại, nhà cung cấp giống, thức ăn, thuốc để các bên cùng thực hiện.

Theo ông Lê Văn Quyết, hiện chuỗi liên kết nuôi gà trong chuồng lạnh của HTX cung cấp cho thị trường xuất khẩu với tổng đàn gà thịt lên đến 2 triệu con/năm. Để tham gia chuỗi liên kết nuôi gà công nghệ cao xuất khẩu này, các chủ trang trại phải là những người chăn nuôi có kinh nghiệm giỏi; đồng thời phải có năng lực về tài chính.

HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (H.Xuân Lộc) là đơn vị tiên phong trong cơ giới hóa và luôn cập nhật, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất. Vài năm trở lại đây, HTX không còn chạy theo năng suất cao mà chuyển đổi sang mô hình sản xuất sạch, trồng gạo đặc sản. Nhờ đó, lợi nhuận từ mô hình trồng lúa đặc sản an toàn tăng thêm từ 15-25% so với cách làm truyền thống. Với các giống lúa đặc sản ST24, HTX này trở thành đơn vị cung ứng sản phẩm gạo chất lượng cao tại địa phương.

Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Xuân Tiến chia sẻ ông cùng các thành viên đã nỗ lực để đầu tư nhiều hệ thống máy sấy lúa, máy xay gạo, gieo hạt, máy thu hoạch cho ra hạt bắp, lúa ngay tại cánh đồng, góp phần giảm chi phí nhân công. Ông đã sáng chế máy phun tự động theo mô hình máy bay không người lái giúp phun các dung dịch, thuốc… cho lúa, bắp được thuận lợi hơn.

Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát (H.Xuân Lộc) đã ký kết tiêu thụ với 2 doanh nghiệp lớn nhằm lo đầu ra cho nông dân; đồng thời tiến hành chế biến sâu, làm ra nhiều sản phẩm tiếp cận với các khách hàng ở các nước như: Đức, Bỉ, Anh, Nhật… HTX hiện có 2 sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được tỉnh chứng nhân 3 sao và đã xây dựng được nhãn hiệu riêng Ca cao Thành Ý. Việc thực hiện liên kết sản xuất cánh đồng lớn đã tạo điều kiện để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động.

 * Phối hợp hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ cao

Theo Liên minh HTX Đồng Nai, tính đến nay, Đồng Nai có 63 HTX, 24 tổ hợp tác cùng với 103 doanh nghiệp, 35 cơ sở sơ chế, chế biến và 13,8 ngàn hộ sản xuất tham gia vào 200 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó có 143 chuỗi liên kết lĩnh vực trồng trọt, 44 chuỗi liên kết lĩnh vực chăn nuôi.

Các HTX mới thành lập đang dần có định hướng phát triển theo xu hướng công nghệ cao; phát triển đa dạng ngành nghề, mở rộng lĩnh vực hoạt động. Một số HTX đã ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu trong thời kỳ hội nhập và được sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT, các sở, ban, ngành đơn vị có liên quan đã chủ động đăng ký xây dựng thương hiệu hàng hóa, tiêu chuẩn trái cây an toàn, đăng ký sản phẩm OCOP. Đến nay đã có 67 HTX nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, 19 HTX nông nghiệp tham gia với 39 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 25 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 14 sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp thực hiện các chương trình hỗ trợ HTX, chủ động hướng dẫn xây dựng kế hoạch và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất. Hàng năm, Quỹ Hỗ trợ nông được bổ sung thêm 10 tỷ đồng cấp vốn vay cho các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Mới đây, Tỉnh đoàn Đồng Nai và Công ty TNHH  Airnano Việt Nam đã phối hợp tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai hoạt động chuyển đổi số nông nghiệp cho thanh niên nông thôn và ra mắt mô hình HTX nông nghiệp số Đồng Nai. HTX đặt tại xã Thanh Bình, H.Trảng Bom, do ông Vòng Phát Sáng làm Chủ tịch HĐQT, có mục đích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thiết bị bay không người lái và các giải pháp công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp.

Từ nay đến năm 2028, Tỉnh đoàn Đồng Nai và Công ty TNHH  Airnano Việt Nam phấn đấu thành lập 50 HTX nông nghiệp số trên địa bàn tỉnh; đồng thời mở rộng dịch vụ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để phục vụ các HTX, doanh nghiệp, người dân.

Đào Lê

Tin xem nhiều