Trong hơn 1 năm tới, kinh tế toàn cầu chưa thoát khỏi suy thoái nên doanh nghiệp (DN) vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, DN cần có các giải pháp kịp thời để tăng sức chống chịu, tìm cơ hội phục hồi. Hiện 3 vấn đề DN cần nhất là đơn hàng, vốn và giảm các thủ tục trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Sản xuất tại Công ty CP Kết cấu thép GSB ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: V.Thế |
Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai đã tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ DN để lắng nghe những vướng mắc, có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, tỉnh tiến hành xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN thông tin thị trường, ứng dụng công nghệ hiện đại… để vượt qua khó khăn.
* Cần cơ chế, chính sách thông thoáng
Hiện nay, khó khăn lớn nhất của DN là vốn, đơn hàng, đầu ra cho sản phẩm, mặt bằng, các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng. Do đó, các hiệp hội, DN nhiều lần kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành hỗ trợ DN bằng cơ chế, chính sách thông thoáng, dễ tiếp cận để có thể triển khai các dự án, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài nước với các ngành hàng để tìm đối tác liên kết mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, sau hơn 3 năm chống chịu với dịch bệnh Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều DN Việt đã bị ảnh hưởng nặng nề. Dù DN Việt có sức chống chịu tốt nhưng cũng rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất, cạn kiệt vốn. Về phía các ngân hàng, dòng tiền cho vay còn nhiều, nhưng DN không tiếp cận được vì lãi suất tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, gấp 2-3 lần so với các nước. Điều này đã dẫn đến tình trạng nền kinh tế thừa tiền nhưng DN khát vốn và kiệt sức. Để DN trụ vững trong khó khăn và phục hồi cần có chính sách thông thoáng, vận hành thông minh và hạn chế được cơ chế xin - cho.
Hiện nay, nhiều DN ở Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác trên cả nước đang gặp tình trạng “khát” vốn nhưng “ngại” vay vì lãi suất cao. Để tương đồng với nhiều nước trong khu vực, DN mong lãi suất cho vay chỉ còn 3-4%/năm và hy vọng Chính phủ tiếp tục cho giảm, giãn nợ thuế.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã có nhiều đợt gặp gỡ DN trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để lắng nghe và nắm bắt những khó khăn của DN. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, để DN hoạt động hiệu quả sẽ đảm bảo việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi suy thoái, người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu nên DN sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Để duy trì và phát triển trong giai đoạn hiện nay, các DN buộc phải đầu tư, dịch chuyển theo hướng sản xuất xanh. Về phía Chính phủ, cần có những chính sách hỗ trợ DN kịp thời về vốn, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thủ tục trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Về phía các DN, cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận những chính sách hỗ trợ để hưởng các ưu đãi, có thêm nguồn lực phát triển. Hiện xu hướng của thị trường thế giới có nhiều thay đổi, đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chí xanh, bền vững.
GS-TS Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) cho hay: “Các nước trên thế giới đều đầu tư vào sản xuất xanh nhằm giảm phát thải để ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nhãn hàng quốc tế yêu cầu nhà máy sản xuất phải có lộ trình sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, ứng dụng khoa học công nghệ để sản phẩm đạt tiêu chí xanh. Trong cuộc đua này, DN đi trước trong sản xuất xanh sẽ nhận được nhiều đơn hàng và tăng khả năng cạnh tranh”.
* Giúp DN mở rộng thị trường
Hiện nay, đa số các DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh vì thị trường trong nước, xuất khẩu bị thu hẹp. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, 8 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt hơn 227,7 tỷ USD, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề là: dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ…
Tuy thị trường xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn chậm hơn so với dự báo. Các DN vẫn thiếu những đơn hàng lớn, dài hạn dù đã chuẩn bị bước vào mùa sản xuất cuối năm. Vì thế, các bộ, ngành, địa phương liên tục kết nối tổ chức các đợt triển lãm, hội chợ, xúc tiến thương mại ở thị trường trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Theo Sở Công thương, hiện Đồng Nai đã xuất khẩu hàng hóa vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng vẫn tập trung tại một số thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu... |
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết: “Thời gian qua, hiệp hội đã phối hợp với một số hiệp hội trong nước, nước ngoài tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội thảo nhằm kết nối DN dệt may với các nhãn hàng quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm may mặc của Việt Nam qua nhiều quốc gia. Từ tháng 6 đến nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may bắt đầu tăng nhẹ và đang trên đà phục hồi”.
Tuy nhiên, các DN dệt may phải chạy đua trong chuyển đổi xanh để giữ chân khách hàng cũ và tìm kiếm thêm khác hàng mới từ thị trường châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… Dự kiến năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ đạt khoảng 40 tỷ USD, thấp hơn 4 tỷ USD so với năm 2022.
Theo Bộ Công thương, các DN đang kỳ vọng trong quý IV-2023 sẽ có nhiều đơn hàng xuất khẩu hơn và kim ngạch xuất khẩu có thể thoát khỏi tăng trưởng âm và xấp xỉ so với năm trước. Hiện các vụ thị trường, tham tán thương mại tại các nước nỗ lực hỗ trợ DN Việt kết nối với DN nước ngoài để tìm thêm cơ hội hợp tác tiêu thụ hàng hóa.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho hay, ngoài xúc tiến thương mại trong nước, Đồng Nai vừa tổ chức xúc tiến thương mại tại Ấn Độ để giới thiệu hàng hóa của DN Việt và tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác mở rộng xuất khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức các hội thảo mời các chuyên gia kinh tế trao đổi thông tin cho DN về những thị trường có nhiều tiềm năng, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng, các tiêu chuẩn kỹ thuật cần đáp ứng… Qua đó, DN hiểu thêm về những thị trường mình đang hướng đến để có điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng ở quốc gia đó.
Khánh Minh - Vương Thế
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin