Nửa cuối năm, tỷ giá đồng USD/VND đang tăng đã gây áp lực lên việc điều hành tài chính, tiền tệ. Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN).
Việc tăng tỷ giá USD/VND sẽ ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu cho sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia |
Theo các dự báo, khi thị trường xuất khẩu tốt hơn về cuối năm, các khó khăn có thể giảm bớt, tuy nhiên DN cũng phải chủ động ứng phó trước tình hình để giữ vững được nhịp sản xuất, kinh doanh của mình.
* Tỷ giá USD tiếp tục tăng
Diễn biến trên thị trường cho thấy, tỷ giá USD/VND duy trì ổn định trong giai đoạn nửa đầu năm 2023, khi nguồn thu ngoại tệ của Việt Nam được cải thiện đáng kể, nhờ xuất siêu hàng hóa ở mức cao và sự phục hồi doanh thu từ khách du lịch quốc tế, cũng như kiều hối. Bên cạnh đó, hoạt động đầu cơ tích trữ USD trên thị trường “hạ nhiệt”, khi ngay từ đầu năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm tốc độ nâng lãi suất xuống chỉ còn 0,25%/năm trong mỗi kỳ họp, báo hiệu chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc.
Tuy nhiên, sức ép lên tỷ giá gia tăng từ tháng 6-2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành, với 4 lần trong tháng 3, 4, 5 và 6. Thêm vào đó, thanh khoản tiền đồng dư thừa do tăng trưởng tín dụng yếu, khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ngày càng nới rộng.
Rạng sáng 17-9-2023, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng đạt mức 24.036 đồng/USD. Tỷ giá mua vào/bán ra tại một số ngân hàng thậm chí đã vượt 24.400 đồng/USD.
Theo các DN, tỷ giá tăng cũng khiến cho việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu đứng trước những áp lực nhất định. Đơn cử như việc này kéo theo hàng loạt hệ lụy như chi phí vận chuyển, container hàng nhập khẩu bị đội thêm chi phí; giá nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng… Điều này khiến giá thành sản xuất tăng, lợi nhuận và sức cạnh tranh của hàng hóa giảm.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai nhận định, diễn biến tình hình phần nào hỗ trợ cho xuất khẩu song nhìn toàn cục sẽ tác động hơn tới thị trường, nhất là đối với việc tăng giá nguyên vật liệu. Giá dầu thế giới đang tăng trở lại sẽ kéo theo việc tăng giá lên các mặt hàng khác, lúc đó chi phí sản xuất kinh doanh cũng sẽ đội lên. Tuy giá xuất khẩu thu lại về cao hơn nhưng chưa hẳn đã được lợi. Trong khi đó, đối với các DN nhập khẩu thì sự ảnh hưởng là rõ ràng. Việc tăng tỷ giá tác động mạnh đến các DN có hoạt động thanh toán bằng đồng USD. Cứ một triệu USD nhập khẩu hàng hóa trước đây chỉ trả khoảng 23 tỷ đồng, thì nay tăng lên hơn 24 tỷ đồng. DN có quy mô nhập khẩu càng lớn thì phần chênh lệch tỷ giá càng cao.
Theo các DN, Fed đang giữ lãi suất ở mức cao làm người dân và DN ở thị trường các nước phát triển thắt chặt chi tiêu sẽ làm giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ. Việt Nam hiện là nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm cho các thị trường trên nên chịu tác động không nhỏ. Cộng thêm giá nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu tăng cũng sẽ gây thêm khó khăn cho DN.
* DN chủ động tìm cách xoay xở
Theo dự báo của các chuyên gia, chênh lệch lãi suất USD - VND sẽ dần thu hẹp khi tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh những tháng cuối năm, trong bối cảnh sản xuất dần phục hồi và các các vấn đề của thị trường bất động sản đang được tháo gỡ. |
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, để giảm thiểu những tác động không mong muốn, các DN có thể lựa chọn những biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá. DN có thể lựa chọn những ngân hàng có chính sách tài trợ thương mại hấp dẫn, sử dụng các công cụ tài chính mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (swap)… Điều này vừa giúp DN giảm thiểu rủi ro tỷ giá khi giao dịch xuất nhập khẩu trong bối cảnh biến động tỉ giá, vừa có thể chủ động trong kế hoạch tài chính của mình.
Về phía DN, ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại quốc tế Eco (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện công ty có nhập khẩu các mặt hàng để phục vụ cho sản xuất nội thất, thời trang, chăn, drap, gối nệm. Gần đây, giá USD tăng cũng ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, DN nào có nguồn tài chính ổn định, sẵn tiền thì cơ hội “thắng” trên thị trường sẽ cao hơn. Có nguồn tài chính, DN có thể bắt sóng tỷ giá để ký quỹ mua hàng trước và thu lợi khi giá tăng.
Tuy nhiên, câu chuyện nào cũng có 2 vế, trong sản xuất chi phí này tăng thì chi phí khác có thể giảm. Điều quan trọng là DN phải linh hoạt để có chi phí sản xuất tối ưu, linh động để tăng doanh thu và tạo việc làm cho người lao động. Theo ông Hoan, vấn đề là việc các DN ký kết, hợp tác với nhau trên cơ sở hai bên cùng có lợi mới có thể phát triển ổn định và lâu dài được. USD tăng là câu chuyện của toàn cầu, bản thân đối tác được hưởng lợi từ việc tăng giá này thì cũng sẽ dễ đàm phán giảm giá thành cho mình hơn.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin