Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai bảo tồn đàn voi hoang dã lớn thứ 2 cả nước

Hoàng Lộc
07:30, 15/09/2023

Với khoảng 25-27 cá thể, Đồng Nai hiện có quần thể voi hoang dã lớn thứ 2 cả nước. Đây là sự nỗ lực nhiều năm của tỉnh trong thực hiện các chính sách đóng cửa rừng tự nhiên, phục hồi và phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học.

Voi rừng vào khu vực canh tác nông nghiệp của người dân H.Định Quán
Voi rừng vào khu vực canh tác nông nghiệp của người dân H.Định Quán. Ảnh: Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai

Hiện nay, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh để hướng tới phát triển bền vững.

Bảo tồn được quần thể voi

Đồng Nai là một trong những tỉnh có đàn voi hoang dã lớn của cả nước. Do nhiều nguyên nhân, số lượng cá thể ngày một giảm. Trước tình hình này, tỉnh đã ban hành các quyết định, chương trình, dự án bảo tồn voi.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, những năm qua, Đồng Nai dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng và đa dạng sinh học. Đối với công tác bảo tồn voi, có
2 dự án đáng chú ý là: Khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014-2020 và Đầu tư xây dựng một số hạng mục tiếp theo bổ sung dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014-2020. Nhờ các dự án này, tỉnh đã bảo tồn và phát triển cơ cấu đàn voi.

Bên cạnh đó, Đồng Nai tích cực thực hiện và hưởng ứng chủ trương phát triển kinh tế hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ; hợp tác với Cục Lâm nghiệp, Tổ chức quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã (Tổ chức HSI) thực hiện Chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa.

ThS Adam Peyman, Giám đốc Chương trình Động vật hoang dã của Tổ chức HSI cho biết, năm 2022 đã phối hợp với Cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai thực hiện Chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa. Sau hơn 1 năm thực hiện đã thu được nhiều kết quả và các nhà khoa học ước lượng cá thể voi tại Đồng Nai khoảng 25-27 cá thể, gấp đôi báo cáo trước đây. Ngoài ra, chương trình cũng thu thập được các thông tin về phân bố, hành vi và nhu cầu của voi. Điều này giúp ích nhiều cho công tác bảo vệ.

Báo cáo của Cục Lâm nghiệp cho biết, trong vòng 40 năm, quần thể voi hoang dã tại Việt Nam suy giảm từ khoảng 2 ngàn con xuống còn khoảng 100-130 con. Đồng Nai hiện có khoảng 25-27 cá thể voi, lớn thứ 2 cả nước.

Với tổng đàn như trên, Đồng Nai hiện đứng thứ 2 cả nước về quần thể voi hoang dã. Điểm đặc biệt cơ cấu là có cả voi cha mẹ, voi trưởng thành và voi con, thể trạng voi tốt; chứng tỏ điều kiện tự nhiên của tỉnh rất tốt cho sự phát triển của đàn voi.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo đánh giá, Đồng Nai là địa phương có đàn voi lớn, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho công tác bảo tồn voi. Do đó, Cục Lâm nghiệp đã chọn Đồng Nai cùng 3 địa phương khác thực hiện dự án đánh giá tổng quan về: tổng đàn, phân bố, đặc tính của voi. Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, chương trình đã đạt được các mục tiêu đề ra. Đây là cơ sở khoa học bước đầu để Trung ương và tỉnh đưa ra các quyết sách bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa; hoàn thiện cơ chế chính sách và xây dựng Kế hoạch hành động bảo tồn voi giai đoạn 2024-2034, tầm nhìn đến 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tìm giải pháp chung sống hài hòa

Đồng Nai đã làm khá tốt công tác bảo tồn đàn voi và sinh cảnh. Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là bảo tồn để voi phát triển tự nhiên, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ voi, giảm xung đột giữa voi và người.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (thứ hai từ trái qua) xem triển lãm ảnh voi tại Đồng Nai
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (thứ hai từ trái qua) xem triển lãm ảnh voi tại Đồng Nai. Ảnh: HOÀNG LỘC

Theo ông Trần Quang Bảo, Đồng Nai đã làm được nhiều việc để ngăn chặn đà suy giảm đàn voi. Cần có các giải pháp đảm bảo voi tự phục hồi và phát triển ngoài tự nhiên. Ông Bảo đề nghị tỉnh duy trì và tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hiện có. Hoàn thiện quy trình cập nhật cơ sở dữ liệu về voi ở Đồng Nai làm cơ sở hoàn thiện dữ liệu voi phạm vi quốc gia.

Theo quan điểm của bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc Quốc gia Tổ chức HSI Việt Nam, xung đột giữa voi và con người trong cùng một môi trường sống là điều khó tránh khỏi và sẽ nghiêm trọng hơn khi con người áp dụng các biện pháp răn đe, hăm dọa hoặc bạo lực voi. Việc nghiên cứu để hiểu đặc tính, sở thích, nhu cầu của voi là cách cải thiện mối quan hệ giữa người và voi.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, giai đoạn 2006-2010 xung đột giữa voi và người diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, đã có 1 người chết, 2 người bị thương và 9 cá thể voi bị sát hại. Nguyên nhân là voi bị thu hẹp sinh cảnh, người dân trồng các loại cây ăn quả voi ưa thích. Những năm gần đây, nhờ các giải pháp như: đầu tư 75km hàng rào điện, làm 6 chảo nước bổ sung khoáng cho voi tắm và uống, xây dựng 3 chòi canh, lập 8 tổ xung kích tuyên truyền nên xung đột giảm nhiều.

Tại hội thảo đánh giá Chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa do Cục Lâm nghiệp, UBND tỉnh và Tổ chức HSI tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế khẳng định tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Đồng Nai trong công cuộc bảo vệ đàn voi hoang dã, giảm xung đột với con người.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, bảo vệ voi là nhiệm vụ thường xuyên và bền bỉ. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp khoa học bảo tồn quần thể voi, giảm thiểu xung đột với con người. Mong rằng các bộ, ngành, tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành, giúp đỡ tỉnh trong công cuộc bảo vệ loài động vật quý hiếm này.

Hoàng Lộc

 

ThS NGUYỄN THỊ MAI, Quản lý cấp cao Chương trình Động vật hoang dã của Tổ chức HSI tại Việt Nam:

Tiếp tục cùng Đồng Nai bảo vệ đàn voi

Thời gian qua, chúng tôi hợp tác với Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai để thực hiện 3 sáng kiến gồm: Giám sát bằng bẫy ảnh; Giám sát xung đột giữa voi và người thu thập thông tin; Giám sát và quản lý vùng sống của voi. Hy vọng những tín hiệu tích cực từ việc áp dụng các sáng kiến tại Đồng Nai là cơ sở mở rộng ra tất cả các tỉnh có voi. Từ đó, góp phần giúp công tác bảo tồn voi Việt Nam đạt kết quả cao.

 

TS PRUTHU FERNANDO, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển voi Sri Lanka, Trưởng nhóm Hỗ trợ bảo tồn voi Việt Nam của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế:

Cần tiếp tục chương trình thí điểm

Đồng Nai là một trong 4 địa phương thực hiện Chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa. Qua hơn 1 năm thực hiện, các nhà nghiên cứu đã có ước tính tương đối chính xác cơ cấu đàn, từng cá thể voi. Tuy nhiên, để có đánh giá tổng quan về đàn voi, sinh cảnh và tác động của môi trường đến voi thì cần tiếp tục theo dõi thêm, đồng thời theo dõi mong muốn, nhu cầu, môi trường sống và thói quen của voi để phục vụ công tác bảo tồn.

 

Ông NGÔ VĂN VINH, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai:

Bảo vệ đàn voi theo hướng chung sống hài hòa

Chung sống hài hòa là định hướng quan trọng ở hiện tại và tương lai để bảo vệ đàn voi. Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai tiếp tục theo dõi, giám sát dịch chuyển của đàn voi để có phương án bổ sung nguồn thức ăn, nước uống, tạo môi trường sống tốt cho voi; phục hồi và phát triển rừng tạo sinh cảnh; bảo vệ ngăn chặn nạn săn bắn voi lấy ngà. Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu cần chung sống hài hòa với thiên nhiên.      

Lê An

Tin xem nhiều