Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó về đầu ra cho nông sản GAP

Bình Nguyên
08:47, 07/09/2023

Nhiều năm qua, Đồng Nai đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông sản đạt Chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Khó khăn lớn nhất để nhân rộng mô hình sản xuất GAP là vấn đề đầu ra cho nông sản GAP.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm thịt gà xuất khẩu của Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nguyên

Do đó, cần có nhiều chính sách hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản GAP, nhất là trong xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để mô hình sản xuất GAP phát triển bền vững.

* Tăng nhanh các mô hình sản xuất GAP

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, hiện trên địa bàn Đồng Nai có trên 2,7 ngàn ha cây trồng chủ lực đạt chứng nhận sản xuất an toàn, tăng hơn 700ha so với năm 2022. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô gần 1,5 ngàn ha cây trồng. Về chăn nuôi, đến nay tỉnh có 125 trang trại và 7 tổ hợp tác đã được chứng nhận VietGAP. Tổng sản lượng thịt được chứng nhận VietGAP là trên 124,6 ngàn tấn; tổng sản lượng trứng gà thương phẩm được chứng nhận VietGAP là gần 283,2 ngàn quả. Về thủy sản, trên địa bàn tỉnh có 14 vùng nuôi được chứng nhận VietGAP, tương ứng gần 15,3 ngàn tấn thủy sản.

Theo Chương trình số 08/CTr-UBND về hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận GAP đạt 25%. Trong đó, tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được chứng nhận GAP đạt 15%, tương đương với 219 ngàn tấn sản phẩm được chứng nhận GAP; tỷ lệ giá trị sản phẩm vật nuôi được chứng nhận GAHP đạt 30%, tương đương với tổng sản lượng 226 ngàn tấn thịt heo, gà; tỷ lệ giá trị sản phẩm thủy sản được chứng nhận GAP đạt 35% tương đương khoảng 20 ngàn tấn thủy sản.

So với mục tiêu đặt ra trong thời gian tới, dư địa phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt chuẩn an toàn còn rất lớn.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, Đồng Nai đã triển khai chương trình GAP hiệu quả, thể hiện rõ tính tiên phong của nông dân, HTX, DN. Qua đó, giúp sản phẩm đạt chất lượng an toàn đi vào thị trường, phục vụ cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh đánh giá, tồn tại của chương trình sản xuất GAP là người tiêu dùng chưa đủ niềm tin đối với sản phẩm GAP do công tác truyền thông cho sản phẩm chưa tốt. Công tác kiểm tra, giám sát chứng nhận chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Hiệu quả kinh tế giữa sản phẩm an toàn và chưa an toàn chưa có sự chênh lệch rõ do sản phẩm đạt chứng nhận GAP hiện bán buôn thông qua liên kết còn ít; phần lớn bán cho thương lái không có sự chênh lệch về giá so với nông sản thông thường nên chưa tạo được động lực cho người sản xuất thực hiện tái chứng nhận.

“Tuy nhiên, phải khẳng định sản xuất an toàn có chứng nhận là xu thế bắt buộc phải tiếp tục triển khai, nhân rộng. Thuận lợi hiện nay là nhận thức về sản xuất an toàn, nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn ngày càng được nâng cao” - ông Trần Lâm Sinh nhấn mạnh.

* Cần giải pháp đồng bộ giữa sản xuất - tiêu thụ

Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm GAP luôn được ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm.

Cụ thể, về công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật với công suất bình quân mỗi ngày 1,9-2,1 ngàn con heo, 38-40 ngàn con gà và 50-60 con trâu, bò. Sở NN-PTNT đang quản lý, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 150 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, kinh doanh thực phẩm nông - lâm - thủy sản. Điểm đặc biệt, Đồng Nai đã đầu tư chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) để hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn. Kết quả đến nay, chợ đầu mối này đang tiêu thụ từ 40-50 tấn rau củ sản xuất trên địa bàn tỉnh mỗi ngày.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành những chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn theo quy trình khép kín như: chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản; các chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp nông sản sạch vào các hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn, siêu thị…  

Để sản xuất GAP phát triển bền vững, về mặt chính sách, Đồng Nai đã kiến nghị Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ sửa đổi Quyết định 01/2012/QĐ-TTg mở rộng phạm vi, đối tượng hỗ trợ đầu tư sản xuất an toàn. Ngoài ra, thời gian tới, không thể hỗ trợ chứng nhận GAP tràn lan, mà cần có mục tiêu nên các địa phương xem xét chỉ hỗ trợ chứng nhận GAP khi sản phẩm có tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ. Công tác kiểm tra, giám sát sau chứng nhận sẽ được tăng cường.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp (DN), Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ NHONHO (TP.Cần Thơ) Trần Thế Như Hiệp nhận xét, Đồng Nai đi tiên phong của khu vực Đông Nam bộ đối với nhận thức về giá trị và vai trò của GAP. Trước đây, đầu tư GAP xuất phát từ nhu cầu tự nhiên nhưng hiện nay sản xuất GAP là để tham gia vào chuỗi cung ứng; nghĩa là đã chuyển sang đầu tư có chủ đích, xuất phát từ nhu cầu của các DN mua, phân phối, xuất khẩu cần sản phẩm này. Là tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ đánh giá và Chứng nhận GAP, hữu cơ…, DN rất mong được tiếp tục đồng hành với chính quyền, DN, nông dân trên địa bàn tỉnh trong sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn; hình thành các chuỗi liên kết có thương hiệu, uy tín trên thị trường, hướng tới sự phát triển bền vững.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều