Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21-9-1973 - 21-9-2023), Báo Đồng Nai có cuộc phỏng vấn ông YAMAMOTO NOBUTANE, giảng viên của Keieijuku, khóa học dành cho các doanh nghiệp (DN) do JICA - Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản tổ chức từ năm 2008 đến nay về việc phát triển DN nhỏ và vừa (NVV).
Ông Yamamoto Nobutane. Ảnh: V.Nam |
Ông Yamamoto Nobutane từng làm việc cho Tập đoàn Panasonic gần 50 năm, đã đảm nhận chức vụ Giám đốc điều hành, thành viên HĐQT nên có rất nhiều kiến thức chuyên sâu của nhà lãnh đạo DN.
DNNVV là nền tảng của công nghiệp
* Có thời gian tiếp xúc với các DNNVV của Việt Nam và Nhật Bản, ông đánh giá như thế nào về DNNVV của 2 nước?
- Như tôi thấy, một số điểm giống nhau là các DNNVV của 2 nước đều chiếm rất lớn trong tổng số DN của quốc gia. Cụ thể, ở Việt Nam, con số DNNVV chiếm khoảng 97,9% và số lao động chiếm hơn 50%. Ở Nhật Bản, số DNNVV cũng chiếm tới 99,7%, tổng số lao động chiếm khoảng 68,8%. Đây là khối DN được đánh giá là hỗ trợ phát triển kinh tế của đất nước rất tốt, là những nền tảng của công nghiệp.
Về điểm khác nhau, tôi có thể lấy một ví dụ cụ thể, vào năm 2021, dân số lao động bình quân của Việt Nam là 31 tuổi và được kỳ vọng với sự tăng trưởng nhanh chóng. Nhưng ở Nhật Bản năm đó lao động bình quân đã là 43 tuổi, điều đó cho thấy lớp trung niên ở Nhật Bản dày đặc, như vậy hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đang dần giảm sút. Cùng với ảnh hưởng của tỷ lệ sinh giảm và sự già hóa dân số, vấn đề thiếu người kế thừa kinh doanh ở Nhật Bản đang dần trở nên trầm trọng. Trong khi đó, DN Việt Nam trẻ rất có sức sống và đội ngũ kế thừa rất phong phú.
* Theo ông, DN Việt Nam muốn phát triển hơn nữa thì cần phải cải thiện những gì?
- Dù là DN Việt Nam hay Nhật Bản và cũng không quan trọng quy mô, theo tôi, để phát triển tốt cần thiết học theo 3 vấn đề kinh doanh của thầy Matsushita Konosuke (người sáng lập ra Tập đoàn Panasonic). Thứ nhất là phải chú trọng đến nguồn vốn và cần có sự ổn định, nỗ lực không ngừng của DN để vốn được quay vòng kịp thời. Thứ hai là thành lập triết lý kinh doanh. Tôi nhấn mạnh, triết lý kinh doanh là thành trì của kinh doanh. Các DN trên thế giới đưa ra những triết lý kinh doanh để từ đó thực hiện, DN Việt Nam cũng nên làm theo vậy. Và thứ ba là cải cách. Tại Nhật Bản, có những DN mang kỹ thuật vận dụng phương pháp kết hợp sáp nhập và mua lại với các DN khác. Theo tôi, đây là phương pháp cải cách hữu dụng gọi là mua thời gian bằng tiền.
DN cần có triết lý kinh doanh
* Ông đã trải qua cương vị lãnh đạo cao cấp của Panasonic, vậy theo ông đâu là nền tảng vững chắc mà các DN cần chú tâm xây dựng để có thể phát triển bền vững và tồn tại 100-200 năm như nhiều DN ở Nhật Bản hiện nay?
Gần đây, Nhật Bản đã nói về các chủ DN nhỏ làm việc sáng tạo về cải cách dựa trên việc phát triển bền vững. Họ coi mục tiêu phát triển bền vững và các sáng kiến cho một xã hội phi carbon hóa vào năm 2050 là cơ hội cho sự phát triển của công ty. |
- Như tôi đã chia sẻ ở trên, đó là thành lập triết lý kinh doanh. Kế hoạch công việc thì mất khoảng 2-3 năm, mục tiêu thực hiện vào khoảng 10 năm, còn triết lý kinh doanh là 100 năm. Phải chỉ ra vì sao DN tồn tại cống hiến xã hội, cần làm gì để thực hiệu được điều đó. Những thương nhân thời Edo của Nhật Bản có câu “Lợi ích cho người bán, lợi ích cho người mua và lợi ích cho cộng đồng”. Người bán và người mua đều trong mối quan hệ win - win. Một phần lợi ích thu được sẽ dùng cống hiến cho xã hội và xã hội cũng win. Chỉ như thế thì sự phát triển của DN mới bền vững lâu dài.
* Hai cuốn sách Thắp lửa trái tim và Trở thành vị thánh kinh doanh của ông được dịch sang tiếng Việt cách đây 5 năm nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Ông có chia sẻ gì về kỷ niệm này?
- Cuốn sách được xuất bản nhờ có sự hỗ trợ của rất nhiều người từ trường kinh doanh và VJCC, đặc biệt là các ông Tô Bình Minh, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam chi nhánh TP.HCM và Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Việt Á. Cuốn sách được dịch sang tiếng Việt rất tốt.
Tôi còn nhớ, khi đó các anh đang trong dịp nghiên cứu về Nhật Bản, thấy hai cuốn sách này hữu ích cho các DNNVV của Việt Nam đã đề nghị tôi cho phép được xuất bản tiếng Việt. Ban đầu tôi cũng hơi do dự, song khi tôi thấy sự chân thành của mọi người để góp phần phát triển DNNVV của Việt Nam nên tôi đã đồng ý. Tôi rất biết ơn và cho đến bây giờ tôi vẫn cảm tạ về điều đó, bởi 2 cuốn sách cho tôi như được kết nối mạnh mẽ với Việt Nam. Bây giờ khi kỷ niệm 50 năm, tôi rất vinh dự với việc hiệu đính và bổ sung để tái bản.
* Ông đánh giá như thế nào về giá trị mang lại của lớp học Keieijuku tại Việt Nam?
- Lớp Keieijuku được bắt đầu từ năm 2008 với mục đích đào tạo người kinh doanh cho các DNNVV tại Việt Nam. Lớp học được cấu thành bởi những bài giảng nâng cao năng lực kinh doanh và phổ cập triết lý kinh doanh thông qua những chuyến tham quan DN và khoa học kinh doanh mang tính Nhật Bản. Tôi cho rằng, đây là vấn đề rất có giá trị, bởi các DNNVV của Việt Nam có kiến thức để sớm định hình sự phát triển của mình. Những đóng góp của lớp học cho sự phát triển của DNNVV nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung trong 15 năm qua là đáng kể. Tôi rất hy vọng những đổi mới của DN Việt Nam sẽ được sinh ra thông qua mạng lưới học viên Keieijuku trong tương lai. Một điều tuyệt vời dưới sự hỗ trợ của JICA khi mở rộng liên kết giữa DN Việt Nam với các DN Nhật Bản.
* Xin cảm ơn ông!
Vân Nam (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin