Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành gỗ tìm đường xuất khẩu

Ngọc Liên
09:01, 07/09/2023

Trong 8 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Đồng Nai chỉ đạt gần 838 triệu USD, bằng 61% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong 5 ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh đang gặp khó khăn nhất vì đơn hàng giảm sâu.

Khách tham quan gian hàng gỗ xuất khẩu tại siêu thị nội thất của Tavico (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa). Ảnh: N.Liên
Khách tham quan gian hàng gỗ xuất khẩu tại siêu thị nội thất của Tavico (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa). Ảnh: N.Liên

Hiện nay, chỉ số tồn kho của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tiếp tục tăng trên 3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa vẫn còn khó khăn, đơn hàng sản xuất còn ít. Để thoát khỏi những khó khăn, ngành gỗ Đồng Nai đang có những dịch chuyển cả về thị trường lẫn đầu tư công nghệ, đáp ứng các tiêu chí sản phẩm xanh, bền vững.

* Ngành gỗ trong cơn thiếu đơn hàng

Gỗ và các sản phẩm từ gỗ luôn được đánh giá là nhóm những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây là một trong những ngành có tỉ trọng xuất khẩu hàng đầu thế giới. Đến nay, sản phẩm gỗ của Việt Nam có mặt trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một số thị trường quan trọng như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… Thế nhưng, gần 1 năm qua, ngành gỗ đang “lao dốc” chóng mặt khi “cơn bão” thiếu hơn hàng ập đến, khiến cho nhiều DN lao đao, người lao động mất việc làm tạm thời.

Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Lê Hoàng Tài cho biết, đơn hàng của các DN từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 35-40% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, có thị trường gần như đóng băng, dẫn đến nguồn lao động bị cắt giảm, nhà máy đóng cửa… Không ít DN sản xuất, xuất khẩu gỗ gặp khó khăn bởi các rào cản kỹ thuật, yêu cầu, quy định xuất khẩu tại các thị trường thế mạnh… đã tăng thêm thách thức cho DN ngành gỗ.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đạt trên 6 tỷ USD, giảm trên 28% so với cùng kỳ năm trước. Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam.

Tại Đồng Nai, nơi được đánh giá là “thủ phủ” của ngành sản xuất, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, phục vụ cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự thiếu hụt đơn hàng do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Người lao động ở nhiều DN gỗ phải nghỉ việc tạm thời, DN thiếu đơn hàng, trong khi chỉ số hàng tồn kho “tăng trưởng đều” khiến cho DN phải đối mặt với vô số khó khăn từ bảo đảm thu nhập cho người lao động đến áp lực trả nợ ngân hàng định kỳ hàng tháng.

Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc một DN sản xuất ván ép nguyên liệu tại TP.Biên Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay, hơn 20 công nhân của công ty ông thời gian chơi nhiều hơn thời gian làm, bởi công ty không có đơn hàng. Để có tiền trả lãi ngân hàng và hỗ trợ tiền ăn cho công nhân, ông Hưng phải bán một căn nhà giá rẻ hơn so với thị trường.

* Tìm cơ hội cho DN gỗ phục hồi

Nhằm cùng DN vượt qua những khó khăn, thử thách trong giai đoạn hiện nay, các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo địa phương đã huy động các nguồn lực, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các chương trình của quốc gia, khu vực…

Đối với các DN ngành gỗ Đồng Nai, ngoài tham gia các đoàn xúc tiến thương mại do cơ quan, đơn vị các cấp từ địa phương đến trung ương tổ chức, còn tìm đến cả các hội chợ tại nước ngoài. Tuy nhiên, trải qua những khó khăn về thị trường tiêu thụ thời gian qua, các DN xuất khẩu gỗ của Đồng Nai đang có khá nhiều hướng đi mới vừa phục hồi ngành gỗ, vừa khai thác thêm thị trường tiêu thụ nội địa với các sản phẩm sản xuất từ gỗ nhập khẩu các nước trên thế giới.

Trong quá trình nỗ lực tìm kiếm thị trường, một số DN đã tìm được thêm đơn hàng, từng bước khôi phục sản xuất, người lao động duy trì được việc làm. Trong số đó, Công ty CP Tân Vĩnh Cửu - Tavico (TP.Biên Hòa) đang tiên phong trong việc khai thác thị trường tiêu thụ trong nước, đồng thời vừa là nhà cung cấp nguyên liệu gỗ sản xuất, vừa là nơi phân phối các sản phẩm xuất - nhập khẩu ngành gỗ.

Tổng giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai Võ Quang Hà cho biết, năm 2023 là một năm rất khó khăn của ngành gỗ. Khi thị trường xuất khẩu lao dốc, đơn hàng các nhà máy giảm tới 40% so với cùng kỳ năm 2022. Là nhà cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy nên khi các đối tác giảm đơn hàng, DN cũng không thoát khỏi tình trạng chung là thiếu đơn hàng.

Nhận định khó khăn chính là những thách thức lớn, DN phải tìm kiếm những chiến lược kinh doanh mới phù hợp với khả năng để khắc phục những khó khăn đang diễn ra. Do đó, các DN ngành gỗ tích cực tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tăng thị phần ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo ông Võ Quang Hà, hội chợ Đồ gỗ xuất khẩu năm 2023 sẽ diễn ra với thông điệp “Tavico home 365” với mong muốn các DN khi tham gia đăng ký gian hàng sẽ được duy trì gian hàng đó trong suốt 1 năm. Đây là cơ hội để DN có cơ hội quảng bá hàng hóa, tìm kiếm đơn hàng quanh năm. Đồng thời, đây chính là tiền đề để Tavico home trở thành trung tâm phân phối gỗ và nội thất tại Đồng Nai và khu vực Đông Nam bộ.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều