Thời gian qua, mô hình nông dân làm nông nghiệp tuần hoàn theo hướng tận dụng phế, phụ phẩm trong sản xuất làm phân, thuốc cho quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ đã góp phần giảm chi phí đầu vào.
Vườn cây ăn trái với thảm cỏ hoa vàng ấn tượng của gia đình ông Nguyễn Văn Sửa, nông dân tại xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên |
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn nông hộ ngày càng được nâng cấp khi một số nông dân còn đầu tư sản xuất theo quy trình khép kín từ sản xuất sạch đến vừa sơ chế, chế biến để có chi phí rẻ nhất, lợi nhuận cao nhất.
* Sản xuất sạch giá rẻ
Việc sử dụng thiên địch như côn trùng, nhện, chim, rắn… để chế ngự, kìm hãm sự phát triển của sâu bệnh gây hại, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại đã được nông dân sử dụng từ lâu vì vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất đồng thời giảm chi phí đầu vào.
Ông Nguyễn Văn Sửa, nông dân tại xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) cho biết, gần 10 năm nay, toàn bộ diện tích vườn cây rộng hơn 4ha trồng ca cao, nhãn, mãng cầu không hạt... đều được ông phủ kín bằng cỏ đậu phộng. Ông cũng nuôi kiến vàng trong vườn cây để làm thiên địch diệt sâu bệnh. Ông Sửa nhớ lại: “Khi nhận thức việc sử dụng thuốc diệt cỏ và các loại thuốc hóa học gây độc hại cho vườn cây và sức khỏe người trồng, tôi đã tìm hiểu và chọn giải pháp trồng cây cỏ đậu phộng để vừa cải tạo đất, vừa hạn chế cỏ mọc trong vườn; nuôi kiến vàng để diệt sâu bệnh. Với những giải pháp này, tôi giảm được hơn 1 nửa chi phí đầu tư phân, thuốc, cây trồng lại phát triển bền, cho năng suất tốt”.
Theo ông Sửa, cách làm trên cũng xuất phát từ thực tế sản xuất khi đầu tư cây trồng đến khi cho thu hoạch lại gặp cảnh rớt giá phải nghĩ mọi giải pháp giảm chi phí sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân ông đầu tư làm nhà sấy ngay trong vườn và mày mò nghiên cứu để làm ra nhãn sấy và các sản phẩm chế biến từ trái ca cao như sinh tố ca cao, bột ca cao, chocolate… Vì trồng cây gì rồi cũng rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, thay vì cứ chạy theo lối mòn chặt trồng, trồng chặt ông chọn giải pháp đầu tư vào chế biến.
Với mô hình chăn nuôi nông nghiệp tuần hoàn, ông Nguyễn Quốc Nghị, nông dân tại xã La Ngà (H.Định Quán) lại chọn nuôi nhiều con đặc sản theo mô hình khép kín vườn - ao - chuồng. Trong đó, ông tận dụng nguồn thức ăn từ cây trái trồng được làm thức ăn nuôi chồn hương; tận dụng gà con loại thải, gà chết làm thức ăn nuôi cá sấu; có ao nuôi cá tạp để tận dụng các mồi dư, nguồn phân của rắn, cá sấu... Ông nuôi các con đặc sản theo chuỗi tuần hoàn không chỉ giúp giảm chi phí mà hạn chế rủi ro về đầu ra khi con này rớt giá thì lợi nhuận từ vật nuôi khác bù vào.
* Chủ động hơn về đầu ra
Đầu tư làm nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi từ sản xuất gắn với chế biến còn giúp nông dân thoát khỏi vòng luẩn quẩn chặt trồng, trồng chặt khi nông sản, cây ăn trái rơi vào cảnh được mùa mất giá. Mô hình này không chỉ giúp nông dân tăng giá trị sản xuất mà còn chủ động hơn về đầu ra cho nông sản.
Theo Sở NN-PTNT, đến nay, toàn tỉnh đang triển khai xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô 1.454ha cây trồng. Trong đó, nông dân tận dụng các nguồn rác thải hữu cơ, phế phụ phẩm trong sản xuất làm phân bón hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học… vừa góp phần giảm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ môi trường. |
Chỉ ra lợi thế của mô hình nông nghiệp tuần hoàn, ông Nguyễn Văn Sửa so sánh, làm nông nghiệp sạch theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn giúp cây trồng sinh trưởng tốt nên vườn ca cao của gia đình ông không chỉ cho năng suất cao mà còn cho thu hoạch quanh năm. Thời điểm nghịch vụ, nguồn cung ít nên ông bán được sản phẩm với giá cao. Đầu tư chế biến cũng giúp ông tăng thêm thu nhập khoảng 30% so với bán trái tươi. Phế phụ phẩm sau chế biến được ông tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Nhưng lợi thế lớn nhất là ông chủ động hơn về đầu ra cho nông sản của mình khi trước đây phải vất vả tìm và phụ thuộc vào thương lái thì nay doanh nghiệp, khách hàng đến tận vườn mua sản phẩm.
Dẫn khách đi thăm vườn cây trái, ông Nguyễn Văn Sửa tự hào khoe: “Tôi canh tác an toàn nên không ngại cho khách vào vườn tham quan. Nhiều khách hàng thấy vườn cây, thảm cỏ đẹp liên hệ vào tham quan, chụp ảnh. Chính vì vậy, tôi còn đầu tư thêm quán nước gần nhà vườn vừa có chỗ cho khách đến nghỉ ngơi, vừa thưởng thức và chọn mua sản phẩm do nhà vườn chế biến”.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thiện, nông dân tại xã Phú Hòa (H.Định Quán) chia sẻ, việc bà đầu tư làm rượu bưởi cũng từ nguyên nhân bưởi rớt giá vẫn khó tìm thương lái đến thu mua. Bà mày mò nghiên cứu tự làm ra rượu bưởi từ nguồn trái cây tươi trong vườn để chủ động hơn về đầu ra. Với mô hình tự trồng, tự chế biến, mỗi tháng bà cung cấp ra thị trường khoảng 400 lít rượu bưởi, được chế biến tỉ mỉ theo cách thủ công. Nhờ chất lượng thơm ngon nên bà có nhiều khách quen tại địa phương cũng như trong và ngoài tỉnh. Rượu bưởi càng ủ lâu càng thơm ngon nên gia đình bà không còn áp lực vườn cây đến mùa thu hoạch lại rớt giá, tồn hàng, sản phẩm qua chế biến mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin