Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo đà cho chăn nuôi heo tăng trưởng mạnh vào cuối năm

Bình Nguyên
07:29, 22/09/2023

Hiện nay, giá heo ở mức dao động từ 57-59 ngàn đồng/kg vẫn là mức giá người chăn nuôi có lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, người chăn nuôi rất thận trọng khi tăng đàn dù vào dịp cuối năm nhu cầu tiêu thụ thịt heo có thể tăng.

Trại chăn nuôi heo tại H.Thống Nhất
Trại chăn nuôi heo tại H.Thống Nhất. Ảnh: B.NGUYÊN

Theo các chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2024, thị trường heo hơi còn nhiều dư địa tăng trưởng. Đồng thời, ngành chăn nuôi heo phải đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng chăn nuôi bền vững, tăng sức cạnh tranh.

Cơ hội kèm thách thức

Sau thời gian dài khó khăn, từ quý II-2023, thị trường heo hơi bắt đầu khởi sắc, nhiều thời điểm giá heo hơi tăng mạnh và đang dần ổn định về mức người chăn nuôi có lợi nhuận tốt.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo tiêu thụ thịt heo nước ta sẽ ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm khoảng 3,1% trong giai đoạn 2022-2023. Công ty Tư vấn Fitch Solution dự báo tiêu thụ thịt heo của Việt Nam sẽ tăng 25% trong giai đoạn 2018-2026. Đồng thời, với việc lạm phát hạ nhiệt từ tháng 3, nhu cầu tiêu dùng nhiều khả năng được cải thiện, là động lực giúp giá heo tăng trong nửa cuối năm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai NGUYỄN TRƯỜNG GIANG, ngành chăn nuôi được định hướng phát triển theo chuỗi liên kết, khép kín và có đầu ra. Đây là định hướng phát triển ngành chăn nuôi bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để tăng lợi thế cạnh tranh khi bước vào hội nhập.

Bên cạnh nhu cầu thị trường tiêu thụ đang trên đà hồi phục, việc giá nông sản, trong đó có nhiều nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, hạ nhiệt từ đầu năm cũng góp phần gỡ khó cho ngành chăn nuôi giảm chi phí đầu vào. Từ đầu năm 2023 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi nhiều lần giảm và dự báo từ nay đến cuối năm tiếp tục hạ nhiệt do giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ngày càng giảm. Từ ngày 1-9-2023, một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai tiếp tục có đợt giảm giá các loại thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục hạ nhiệt. Đây là những yếu tố khiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi nhận định ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi heo nói riêng tiếp tục theo đà tăng trưởng trong những tháng tới.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán phân tích, khó khăn trong cạnh tranh khiến chăn nuôi nông hộ giảm mạnh. Tuy nhiên, chăn nuôi công nghiệp, gia công cho các doanh nghiệp theo chuỗi liên kết ngày càng gia tăng nên dự báo tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm sẽ tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên, cơ hội cho chăn nuôi heo phát triển đi cùng với nhiều thách thức. Ông Nguyễn Kim Đoán cho biết thêm, giai đoạn chuyển mùa và vào cao điểm mùa mưa vừa qua, thời tiết biến động thất thường và một số nguyên nhân khác khiến tình hình dịch bênh trên đàn vật nuôi, nhất là dịch tả heo châu Phi xuất hiện và có nguy cơ bùng phát trở lại. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi tuy hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; rủi ro biến động bất lợi về thị trường tiêu thu vẫn tồn tại… khiến người chăn nuôi vẫn thấp thỏm lo âu khi đầu tư tái đàn.

Cần thay đổi về chất

Suốt thời gian qua, người chăn nuôi heo đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do ảnh hưởng chung của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. Trước những thách thức này, ngành chăn nuôi trong nước đã bộc lộ sự yếu thế trong cạnh tranh với các nước trên thế giới. 

Cụ thể, vài tháng trở lại đây, thị trường thịt heo trong nước gặp khó khăn do tình trạng nhập lậu heo sống từ Thái Lan, Campuchia… về Việt Nam. Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các địa phương đã quyết liệt ngăn chặn tình trạng heo nhập lậu. Thực tế trên cho thấy sự bất lợi trong cạnh tranh về giá của thịt heo trong nước so với các nước trong khu vực. Nguyên do là giá thành chăn nuôi heo trong nước còn quá cao so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới.

TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận xét, hiện giá thành chăn nuôi trong nước còn rất cao so với nhiều nước trên thế giới. Ngành chăn nuôi có phát triển bền vững hay không là do kinh tế thị trường quyết định và phải đảm bảo sự cân đối cung - cầu. Ngoài vai trò điều hành, quản lý của Nhà nước, nhất là chính sách kiểm soát thị trường nhập khẩu thì người chăn nuôi phải nhận thức rõ chăn nuôi heo hiện phải chuyển đổi theo hướng công nghiệp, khép kín và tuần hoàn… để nâng cao hiệu quả đầu tư, ổn định phát triển chăn nuôi. Trong đó, hạ giá thành chăn nuôi là yếu tố đặc biệt quan trọng thông qua hàng loạt giải pháp như: đầu tư về con giống, tăng tỷ lệ nội địa thức ăn chăn nuôi…

Dưới góc nhìn khác, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu (H.Vĩnh Cửu) Nguyễn Thị Hương chia sẻ, trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp (DN) luôn định hướng gắn với sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, DN luôn tìm giải pháp để giảm chi phí chăn nuôi; đầu tư quy trình khép kín từ trang trại nuôi đến giết mổ, phân phối, chế biến. DN đang nâng cấp quy trình sản xuất, chất lượng để sản phẩm đủ chuẩn tham gia thị trường xuất khẩu.

Theo bà Hương, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, DN kiến nghị được hỗ trợ về nguồn vốn lãi suất thấp; hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực; đặc biệt là hỗ trợ về công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại để sản phẩm chăn nuôi an toàn của tỉnh tiếp cận với người tiêu dùng trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng Nai hiện có nhiều vùng không phù hợp với chăn nuôi, mong tỉnh quy hoạch các vùng chăn nuôi để DN tiếp tục duy trì, phát triển ngành chăn nuôi.

Bình Nguyên

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN: 

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững

Nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi, Cục Chăn nuôi đang bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.

Đây là những đề án được xây dựng rất công phu, khoa học, trên cơ sở của chiến lược, là “rường cột” để thực hiện chiến lược về giống, công nghiệp giống, thức ăn, môi trường, thiết bị chăn nuôi, chế biến, khoa học công nghệ và cũng là những căn cứ pháp lý quan trọng, xuyên suốt trong thời gian dài.

Phó tổng giám đốc Công ty Thuốc thú y Trung ương 2 (Bộ NN-PTNT), TS NGUYỄN XUÂN HẠNH: 

Nhiều hoạt động hỗ trợ tiêm vaccine dịch tả heo châu Phi

Hiện vaccine phòng dịch tả heo châu Phi đã cho phép bán rộng rãi ngoài thị trường nên bất cứ ai có nhu cầu đều có thể mua về sử dụng. Tuy nhiên, hiện Bộ NN-PTNT giao cho DN chịu trách nhiệm về vaccine này ở 2 khía cạnh sản xuất và đánh giá về chất lượng trước khi đưa ra thị trường. Thứ 2 là DN phải cùng với bà con theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.

Về phân phối, DN có nhiều kênh như thông qua các chi cục chăn nuôi; qua các đại lý phân phối hoặc trực tiếp làm việc, hướng dẫn họ trong công tác tiêm phòng. DN đã chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

                Lê Quyên (ghi)

Tin xem nhiều
Đồ ăn chó Thức ăn khô cho chó