Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm kênh xuất khẩu sản phẩm OCOP tại chỗ

Bình Nguyên
08:04, 29/09/2023

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN-PTNT luôn chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ đặc sản và sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm).

Du khách, người tiêu dùng đến Tuần lễ Tôn vinh trái cây sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai năm 2023. Ảnh: B.Nguyên
Du khách, người tiêu dùng đến Tuần lễ Tôn vinh trái cây sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai năm 2023. Ảnh: B.Nguyên

Tại diễn đàn Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 22-9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP đã, đang và sẽ được xác định là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ nông sản, là kênh quảng bá cho nông sản địa phương; góp phần gia tăng giá trị nông sản từ hoạt động du lịch.

* Thành quả ấn tượng của chương trình OCOP

Cũng tại diễn đàn trên, Phó chánh Văn phòng Điều phối trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trung ương Phương Đình Anh cho biết, chương trình OCOP ra đời vào năm 2018. Qua hơn 5 năm triển khai, chương trình đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Mục tiêu của Bộ NN-PTNT, đến năm 2025, cả nước có 10 ngàn sản phẩm OCOP nhưng mới đến quý III-2023 đã có trên 10 ngàn sản phẩm. Chính vì sự gia tăng số lượng sản phẩm OCOP ngày càng lớn nên việc xúc tiến thương mại, quảng bá cho sản phẩm OCOP được cho là nhiệm vụ trọng tâm.

Tại Đồng Nai, đến nay toàn tỉnh đã có 167 sản phẩm của 90 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, có 90 sản phẩm OCOP đã tham gia bán hàng trên sàn thương mại điển tử, có nhiều sản phẩm OCOP được phân phối ổn định tại các hệ thống siêu thị như BigC, Co.opmart, MM Mega Market, các điểm du lịch vườn, điểm dừng chân trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 4 điểm trưng bày bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch.

Theo ý kiến của các chuyên gia du lịch, cần đánh giá cụ thể, chọn lọc kỹ lưỡng để sản phẩm OCOP thật sự là đặc sản mang tính đặc thù, hương vị đặc trưng của văn hóa địa phương, tạo thuận lợi hơn cho phát triển du lịch nông thôn.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai Trần Đăng Ninh chia sẻ, các sản phẩm tại các vùng nông thôn, trong đó có sản phẩm OCOP, đang là tiềm năng lớn của cả đất nước nói chung và của riêng Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới. Việc kết nối để du khách sử dụng, thưởng thức các đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương được tỉnh rất chú trọng, vì vừa góp phần phát triển du lịch nông nghiệp, vừa góp phần tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại chỗ để mang lại lợi ích cho người nông dân làm ra các sản phẩm này.

* Cần chiến lược phát triển song song 2 mục tiêu

OCOP là sản phẩm mang tính chất quy mô làng xã, có nhiều sản phẩm ở quy mô sản xuất nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Với quy mô này, người tiêu dùng khó biết đến nếu không có lộ trình, chiến lược để quảng bá cho sản phẩm OCOP. Việc đóng hàng vào container để xuất khẩu đi các nước không phải là con đường duy nhất vì nhiều cơ sở OCOP quy mô nhỏ, rất nhỏ, không đáp ứng được về sản lượng.

Du khách đến thử và chọn mua sản phẩm tại nhà máy của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, H.Định Quán
Du khách đến thử và chọn mua sản phẩm tại nhà máy của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, H.Định Quán

Du lịch là kênh xuất khẩu cho sản phẩm OCOP. Thực tế, nhiều sản phẩm OCOP của địa phương đã lên máy bay cùng khách du lịch đi Mỹ, Pháp, Anh… Ở đây cần chiến lược gắn kết giữa du lịch nông thôn và OCOP. Du lịch nông thôn là không gian để phát triển sản phẩm OCOP và OCOP chính là nơi khơi nguồn tạo ra những tài nguyên bản địa, phát huy tài nguyên bản địa, phát huy văn hóa của mỗi vùng miền, dân tộc, tạo ra những sản phẩm rất đặc trưng để từ đó cuốn hút khách du lịch đến địa phương.

Giám đốc Công ty CP Saigon Asset (TP.HCM) Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ ra: "Ở góc độ làm du lịch các tour tuyến, khi giới thiệu đây là sản phẩm đặc sản của địa phương thì khách hàng nói sản phẩm nơi này, nơi kia cũng có, khiến doanh nghiệp du lịch thấy "hơi ngại" với khách hàng, liệu đây có thật sự là sản phẩm đặc sản của địa phương này không?".

Theo ông Nghĩa, sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc thù của từng địa phương nhưng khi phát triển hơn 10 ngàn sản phẩm thì việc trùng lặp các sản phẩm đang diễn ra khá nhiều. Sản phẩm OCOP cần sự khác biệt, có tính nhân văn, là hồn văn hóa của địa phương. Mỗi địa phương chỉ cần 1-2 dòng sản phẩm chuyên biệt, đặc sắc nhất, chỉ bán ở địa phương đó mà thôi.

Góp ý về chính sách hỗ trợ để sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, ông Trần Đăng Ninh cho rằng, để người tiêu dùng, trong đó có du khách quốc tế, thưởng thức được các sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng của vùng, miền cần có “bà đỡ”, cần có doanh nghiệp trung chuyển để đưa các sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng. Ở đây, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tìm sản phẩm OCOP, tổ chức phân phối đến tay người tiêu dùng.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích