Báo Đồng Nai điện tử
En

Thúc đẩy chuyển đổi số trong các nhà máy

Văn Gia
08:03, 08/09/2023

Công nghệ và số hóa quy trình sản xuất là giải pháp giúp cho doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc, liên kết hữu hiệu giữa người sản xuất và tiêu dùng.

Nhà máy kết cấu thép GSB (Khu công nghiệp Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) đầu tư công nghệ để hướng tới sản xuất xanh, sản xuất thông minh. Ảnh: V.Gia
Nhà máy kết cấu thép GSB (Khu công nghiệp Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) đầu tư công nghệ để hướng tới sản xuất xanh, sản xuất thông minh. Ảnh: V.Gia

Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ thì điều kiện để DN đầu tư nâng cấp quy trình sản xuất, ứng dụng số hóa, trí tuệ nhân tạo ngày càng rộng mở. Trong quá trình đó, theo các chuyên gia, DN cần phải coi việc lưu trữ dữ liệu là yếu tố quan trọng để thúc đẩy số hóa nhà máy nói riêng và đóng góp chung vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

* DN không thể chậm chân với số hóa

Theo ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCM), trí tuệ nhân tạo (AI) đang là cơ hội cũng như thách thức cho DN trong thời đại Internet vạn vật (IOT). Kinh tế khó khăn tạo ra thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để các DN tận dụng và đẩy nhanh chuyển đổi số, tái cấu trúc, xây dựng lại quy trình quản trị để có những bước chuyển mình tốt hơn. Việc đưa AI vào vận hành DN, nhà máy vừa giúp bắt kịp xu thế tất yếu của tương lai, vừa giúp tối ưu chi phí. Tuy nhiên, phân tích dữ liệu AI và dữ liệu lớn chưa được các DN chú trọng và khai thác hết tiềm năng. Đây đang là điểm nghẽn cần phải được khai thông và VCCI-HCM sẽ cùng phối hợp với các địa phương, trong đó có Đồng Nai, tuyên truyền, giới thiệu và đào tạo để các DN thay đổi nhận thức, từ đó ứng dụng công nghệ một cách tốt hơn.

Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp  (KCN) Đồng Nai Nguyễn Trí Phương chia sẻ, hiện tỉnh có 33 KCN được thành lập với tổng diện tích đất hơn 10,5 ngàn ha. Các KCN đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư hơn 2 ngàn dự án, trong đó 1.430 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 29,2 tỷ USD, các KCN tạo việc làm cho hơn 582,2 ngàn lao động. Công nghiệp luôn là động lực, là nền tảng để Đồng Nai phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đây cũng là thách thức của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai trong mục tiêu thu hút đầu tư các dự án công nghiệp xanh, công nghệ cao, đóng góp lớn cho ngân sách trong một diện tích đất nhỏ.

“Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều thay đổi và dự báo trong tương lai sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì DN cần sẵn sàng để chuẩn bị cho một sự đổi mới liên tục để cập nhật các xu hướng tiếp theo” - ông Phương nhấn mạnh.

Trong những năm qua, việc đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn Đồng Nai luôn được quan tâm. Đối với DN, khoảng 3-4 năm trở lại đây đã chú trọng nhiều hơn đến chuyển đổi số, nhiều đơn vị đưa máy móc tự động vào sản xuất để giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thông minh hóa trong quá trình hoạt động.

* Không có mô hình chuẩn cho số hóa nhà máy

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là một tiến trình, không phải là một mô hình hay phương thức. Do vậy, không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi DN, tổ chức. Đây là một cuộc cách mạng tư duy, đòi hỏi các DN phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của tiến trình chuyển đổi số để định hình chiến lược và mô hình chuyển đổi phù hợp.

Theo trang tin Tài chính Finbold, giá trị ước tính của thị trường trí tuệ nhân tạo toàn cầu năm nay là hơn 207 tỷ USD. Dự đoán sẽ lên mức 1.060 tỷ USD vào năm 2028 và tăng lên 1.870 tỷ USD vào năm 2030.

Một vấn đề nữa là cần chú trọng hơn đến công tác quản lý dữ liệu (Data). Dữ liệu là nền tảng của tiến trình chuyển đổi số, tính nền tảng này được thể hiện thông qua việc vốn hóa dữ liệu trở thành một “hệ thống ngôn ngữ giao tiếp dữ liệu chung”. Thông qua việc xây dựng kiến trúc dữ liệu nền tảng theo chiến lược nền tảng, các DN sẽ hoạch định được một bức tranh chuyển đổi tổng thể.

Từ góc độ DN cung ứng giải pháp, Giám đốc điều hành Công ty Western Digital tại Việt Nam Trương Bá Toàn nhìn nhận hạ tầng dữ liệu và tính toán của Việt Nam mới đang ở mức sơ khởi. Các DN Việt dù lo lắng quá nhiều hay chủ quan cho rằng chưa cần thì nay cũng vẫn phải buộc thay đổi để tiếp cận AI. Chỉ cần DN biết khai thác một cách có hiệu quả thì sẽ trở thành một khối tài sản vô giá, từ đó giúp cắt giảm chi phí, tăng thời gian phát triển và tối ưu hóa sản phẩm, đồng thời hỗ trợ con người đưa ra những quyết định đúng và hợp lý hơn.

Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Huy, Trưởng bộ môn Kỹ thuật phần mềm Đại học Sài Gòn cho rằng, để thành công phải tìm được chìa khóa tháo gỡ điểm nghẽn. Muốn phát triển công nghệ AI, Việt Nam phải có bước đi phù hợp trong đào tạo nguồn nhân lực cả bề rộng và chiều sâu. Khi biết cách tận dụng AI vào vận hành, phát triển nền kinh tế thì lúc đó năng suất, chất lượng, hiệu quả cũng sẽ được tăng lên rất nhiều, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Văn Gia

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Top 3 loại băng tải con lăn tốt nhấtSáng kiến ESG tại việt nam