Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp ngóng nguồn vốn lãi suất thấp

Hải Quân
09:02, 28/10/2023

Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, doanh thu bị sụt giảm, các doanh nghiệp (DN) mong muốn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng với lãi suất phù hợp, thủ tục đơn giản để duy trì và phục hồi sản xuất, xuất khẩu, nhất là trong những tháng cuối năm.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom). Ảnh: Hải Hà
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom). Ảnh: Hải Hà

Nhiều DN cho biết, thực tế thời gian qua, việc tiếp cận được nguồn vốn tín dụng nói chung, nhất là các nguồn vốn ưu đãi vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

* DN không dễ đáp ứng yêu cầu về doanh thu, tài sản thế chấp

UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị Kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn tỉnh năm 2023. Tại hội nghị, nhiều DN, hội, hiệp hội DN đã nêu các ý kiến, đặt câu hỏi liên quan đến các vấn đề tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, vay vốn trung và dài hạn để đổi mới công nghệ sản xuất, đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường; những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vay vốn trong một số lĩnh vực như: gỗ xuất khẩu, xây dựng…

Một số DN chia sẻ, không dễ đáp ứng được các yêu cầu với phương án kinh doanh, tài chính, không có tài sản thế chấp theo quy định nội bộ của các ngân hàng. Đặc biệt là khi tình hình kinh doanh của nhiều DN đang gặp khó khăn, đơn hàng bấp bênh, sụt giảm do ảnh hưởng bở tình hình kinh tế thế giới. Điều này khiến cho DN rất khó xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả do đầu ra không ổn định, khó đánh giá được những biến động khó lường của thị trường.

Vì thế, cần có thêm cầu nối giữa ngân hàng và DN để có hướng tiếp cận nguồn vốn phù hợp, nhất là các chương trình tín dụng ưu đãi. Hơn thế nữa, dù các ngân hàng đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất nhưng vẫn phải bảo đảm khả năng thanh khoản, bảo đảm an toàn cho ngân hàng và toàn hệ thống theo quy định.

Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai NGUYỄN THỊ KIM TUYẾN đề xuất, ngành ngân hàng cần có những gói vay tín chấp lãi suất thấp để DN vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn. Bởi, các DN nhỏ và vừa, DN mới khởi nghiệp không có tài sản thế chấp mà vay làm dự án, dẫn đến DN mất cơ hội phát triển.

Giám đốc Công ty TNHH Thiên Sơn Trang (TP.Biên Hòa) Trần Thị Nhung cho biết, công ty đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sắp tới, việc xây dựng, đáp ứng hồ sơ vay vốn của các ngân hàng không dễ. DN cần vốn để duy trì sản xuất, phục hồi, phát triển kinh doanh, nhưng khi “gõ cửa” các ngân hàng để vay vốn thì nhiều ngân hàng vẫn sợ rủi ro, nhất là các thủ tục thẩm định về doanh thu, tài sản thế chấp của DN trong khi hoạt động kinh doanh của DN trong thời gian qua rất khó khăn.

Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Nguyễn Thị Kim Tuyến cho rằng, DN bị tác động từ khủng hoảng kinh tế nên rất khó tăng trưởng, tăng doanh thu, nhưng khi DN muốn đáo hạn hoặc tăng hạn mức vay thêm, các ngân hàng đều buộc DN tăng doanh số so với năm 2022, việc này gây khó khăn và áp lực cho DN muốn hoạt động để tồn tại và phát triển. Ngoài ra, thị trường bất động sản đang rất trầm lắng, khi cá nhân hoặc DN muốn định giá lại qua ngân hàng khác để vay thêm hoặc đáo hạn hưởng lãi suất thấp hiện nay thì công ty thẩm định giá lại thẩm định giá thấp hơn ngân hàng đang cho vay nên vấn đề này cần được Ngân hàng Nhà nước xem xét lại.

* Cần đồng hành, gỡ khó cùng DN

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, thời gian qua, áp lực lớn đối với tín dụng không phải do các ngân hàng thương mại không muốn cho vay, chính ngân hàng thương mại cũng rất cần tăng trưởng tín dụng để đảm bảo kết quả kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, ngân hàng là ngành kinh doanh đặc biệt, bên cạnh việc tạo ra lợi nhuận còn cần tuân thủ và đảm bảo các chỉ tiêu tài chính nghiêm ngặt, thực hiện các quy chuẩn về cho vay để đảm bảo an toàn hoạt động cho ngân hàng thương mại, toàn hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Đối với việc hạ lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại gặp khó khăn do nguồn vốn vay hiện nay hầu hết được lấy từ nguồn huy động vốn cuối năm 2022, giai đoạn huy động với chi phí cao. Vì vậy, để phấn đấu hạ lãi suất vay đồng hành với DN, bản thân các ngân hàng thương mại phải cân đối khả năng tài chính, khả năng thanh khoản và các chỉ tiêu lợi nhuận, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của chính các ngân hàng thương mại.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Tạ Thành Long chia sẻ, trong thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục đề nghị các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tích cực rà soát, xem xét cắt giảm các loại phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, người dân; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng. Ngành ngân hàng trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chủ động triển khai các giải pháp, điều hành tín dụng trọng tâm theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát nợ xấu. Đồng thời, tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và các khoản vay mới, hỗ trợ và đồng hành với DN, người dân vượt qua khó khăn; hỗ trợ DN vay vốn để đổi mới công nghệ trong sản xuất…

Hải Quân

Tin xem nhiều