Khi thị trường có nhiều xáo động và kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) liên tục đối mặt với nhiều áp lực. Một trong số đó là chi phí để hoạt động, dòng tiền luân chuyển trong sản xuất, kinh doanh không hiệu quả.
Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành bánh kẹo ở H.Long Thành. Ảnh: V.Gia |
Theo các chuyên gia, DN thì đây là thời điểm cần phải tái cấu trúc lại quy trình hoạt động nhằm đạt được tăng trưởng bền vững và giảm các chi phí phát sinh.
* Nhiều DN thiếu chiến lược về dòng tiền
Những năm qua, khi thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ, các DN trong nước đã có cơ hội tiếp cận được với nguồn vốn rẻ, tăng trưởng vượt bậc tương đối dễ dàng, nhanh chóng và sinh lời cao. DN đã tận dụng điều kiện thuận lợi của thị trường để mở rộng cơ hội đầu tư, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, rất ít trong số đó quan tâm đến việc xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững, hay xây dựng cấu trúc DN hoặc quy trình hoạt động để đảm bảo hiệu quả lâu dài.
Bà Liên Công, giảng viên Chương trình Quản trị nguồn vốn chuyên nghiệp (CTP) của tổ chức đào tạo Smart Train (TP.HCM) lưu ý, để quản trị hiệu quả nguồn vốn thì phải nắm được thực trạng dòng tiền hiện có, đâu là mức độ ưu tiên trong quản trị dòng tiền tại mỗi thời điểm, có báo cáo dự báo dòng tiền định kỳ, thiết lập các giả định, xác định mức độ chắc chắn của các biến cố…
Tương tự, theo TS Nguyễn Tấn Bình, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam (TP.HCM) thì chủ DN cần lập ra kế hoạch chặt chẽ, dự tính trước những vấn đề có thể xảy ra và phương án xử lý. DN dự kiến trước dòng tiền vào và dòng tiền ra trong một thời kỳ nhất định trong tương lai, nhằm xác định số tiền thừa, thiếu và đưa ra những biện pháp nhằm tạo ra sự cân bằng thu, chi.
TS Bình gợi ý ba nguyên tắc vàng giúp các nhà khởi nghiệp quản lý dòng tiền hiệu quả là: chọn đúng khách hàng và đối tác; tối ưu quy trình quản lý hàng hóa thành phẩm và hàng tồn kho để giải phóng dòng tiền; dự báo dòng tiền một cách chính xác.
* Tái cấu trúc để phòng ngừa rủi ro
Theo các chuyên gia, đây là thời điểm DN cần đánh giá lại và triển khai chiến lược thống nhất, thiết lập lại cấu trúc, quy trình hoạt động và nguồn nhân lực để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều đó giúp xác định lại chiến lược sản xuất, kinh doanh, thiết lập lại cấu trúc công ty phù hợp, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, cũng như thiết lập cơ chế kiểm soát rủi ro nhằm đạt được thành công, tăng trưởng bền vững và mang lại nhiều lợi ích. DN có được trọng tâm và phương hướng rõ ràng, giảm chi phí hoạt động, tăng lượng tiền mặt, quản trị dòng tiền tập trung và hiệu quả, nâng cao hiệu quả kiểm soát…
Trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay, nhiều DN đối diện với khó khăn do đầu tư dàn trải, chi phí hoạt động cao, hiệu quả thấp. Nhiều chủ DN gặp vấn đề trong việc quản lý nhiều chuỗi kinh doanh đa dạng nhưng không có hoạt động bổ trợ. |
Bà Trần Thị Xuân Mùi, Phó tổng giám đốc tổ chức đào tạo Smart Train (TP.HCM) chia sẻ, những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính gây áp lực ngày càng lớn lên các DN. Do vậy quản trị tính thanh khoản, nguồn vốn và quản lý rủi ro tài chính là những nội dung vô cùng quan trọng. Thông qua các chương trình đào tạo về quản trị nguồn vốn, Smart Train mong muốn hỗ trợ các DN nâng cao chuyên môn và nhận thức về tầm quan trọng của quản trị nguồn vốn, giúp các DN vượt qua thách thức, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.
Đối với các DN, nhiều vấn đề đang được đặt ra một cách cấp thiết như cách sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi trong thời điểm kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Những rủi ro có thể mắc phải trong quá trình quản trị nguồn vốn. DN có thể huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, làm sao để sử dụng nguồn vốn đi vay một cách hiệu quả. Tại sao các tập đoàn, DN lớn đều có bộ phận quản trị nguồn vốn nhưng vẫn mất thanh khoản…
Ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) kể, qua các năm “lao đao” vì dịch bệnh và những biến động của thế giới, DN đã có sức chống chịu tốt hơn nhưng vẫn còn rất gian nan. Do đó, việc tái cấu trúc, định hình lại phát triển là vấn đề mà công ty đang tính toán tới, vừa để tìm hướng đi bền vững, vừa có thể tránh được những biến động đột ngột về sau.
Những diễn biến trên thị trường cho thấy tái cấu trúc DN trong năm 2023 không chỉ là một yêu cầu mà còn là cơ hội để tồn tại và phát triển. Các DN cần đối mặt với các thách thức kinh doanh và tận dụng cơ hội mới để thích ứng và tiến bước trên con đường thành công. Bằng cách thích nghi với môi trường kinh doanh thay đổi, sử dụng các công cụ quản lý hiện đại và tập trung vào nguồn lực chính là con người, các DN có thể vượt qua thách thức và thành công trong thị trường cạnh tranh.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin