Xu thế hội nhập, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có hiệu lực, đã đặt các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước vào sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nước ngoài ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm hàng Việt tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Quân |
Để có thể cạnh tranh, các DN trong nước, đặc biệt là các DN địa phương, DN nhỏ và vừa phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới, xác định phân khúc thị trường phù hợp…
* Nỗ lực giữ thị phần ngay trên sân nhà
Hiện nay, khi nhiều FTA, nhất là các FTA thế hệ mới có hiệu lực, các hàng rào thuế quan dần bị xóa bỏ, thị trường ngày càng bình đẳng hơn… Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các DN trong nước mở rộng thị trường. Song song đó là những thử thách đến từ sự cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa nước ngoài.
Các công ty nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia sẽ “đổ bộ” vào thị trường trong nước nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường hàng hóa trong nước ngày càng phong phú, chất lượng và giá thành cạnh tranh. Từ đó, các DN trong nước phải chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên sân nhà.
Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM Trần Ngọc Liêm chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập FTA thế hệ mới hiện nay, ranh giới giữa thị trường nội địa và thị trường thế giới đã mong manh hơn trước xu thế mở của kinh tế toàn cầu. Thị trường tiêu thụ dần trở thành “sân chơi” chung với sự cạnh tranh ngày càng gắt gao tới từ hàng hóa trên thế giới. Do đó, vấn đề về nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt cần phải ở mức cao hơn so với trước đây.
Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển thực sự về chiều sâu. Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố rất cơ bản như: chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà còn các yếu tố như: an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc xuất xứ, công dụng hoặc tính năng sản phẩm, chứng nhận chất lượng…
Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai Phạm Gia Hải chia sẻ, xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, bền vững hiện nay được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Thị hiếu người tiêu dùng có nhiều sự thay đổi đòi hỏi các DN nội địa phải thích nghi, nỗ lực nhiều hơn từ việc cải tiến quy trình sản xuất đến việc đa dạng các kênh tiếp thị, hậu mãi trên nhiều nền tảng…
* Mở rộng các kênh xúc tiến thương mại
Cùng với quá trình hội nhập, những thương hiệu, hàng hóa nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam ngày càng nhiều. Hàng Việt đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt, không chỉ dừng ở các thương hiệu lớn có tên tuổi, mà ngay cả sản phẩm từ các DN nhỏ, mới thành lập ở nước ngoài có cùng chủng loại với chất lượng và giá thành tốt, được hỗ trợ về mặt marketing (tiếp thị, quảng bá chuyên nghiệp)… cũng đã có mặt tại Việt Nam và bán khá chạy.
Theo nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, hàng Việt ngày càng có sự thích nghi với nhu cầu thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Nhiều DN trong nước đã chú trọng nhiều hơn về chất lượng, sự tiện ích của sản phẩm, nâng cao tính thân thiện, an toàn cho sản phẩm; cũng như triển khai nhiều hoạt động tiếp thị, kích cầu tiêu dùng… |
Người tiêu dùng đã và đang có nhiều sự lựa chọn trong giỏ hàng, từ nội - ngoại nhập đến giá thành, mẫu mã phù hợp với nhu cầu, xu thế. Hàng ngoại không chỉ có sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm mà đang len lỏi đến các sản phẩm vốn là thế mạnh của Việt Nam.
Chị Nguyễn Huyền Nhung (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cho biết: “Theo tôi, các DN Việt cần tích cực chủ động đổi mới, tạo sự khác biệt thông qua nét đặc sắc từ chính câu chuyện, văn hóa, đặc sản vùng miền phong phú của địa phương, đất nước mình. Đồng thời, cần có chiến lược mở rộng thị trường trong nước thông qua phát triển hệ thống bán hàng đa kênh, đặc biệt là đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử”.
Ông Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, các DN trong nước cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa; đồng thời, tăng cường các hoạt động quảng bá thương hiệu, nắm bắt những thay đổi về thị hiếu tiêu dùng; đẩy mạnh tiếp thị, xúc tiến thương mại để tăng độ nhận diện, thu hút khách hàng, qua đó giữ thị phần, nâng cao giá trị cạnh tranh ngay trên sân nhà. Trong đó, cần linh động triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cả trực tiếp lẫn trực tuyến để đa dạng các kênh tiếp cận với những đối tác, khách hàng.
TS Tô Bình Minh, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản tại TP.HCM nhận định, trong xu thế mở của nền kinh tế hội nhập, các DN cần tăng cường kết nối với nhau, thúc đẩy tính liên kết giữa các DN để tạo ra năng lực cạnh tranh tốt hơn. Bên cạnh sự nỗ lực của DN, vai trò của các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng để góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho DN trên thị trường quốc tế cũng rất quan trọng, nhất trong hoạt động kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường.
Hải Quân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin