Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để các dự án, sản phẩm khởi nghiệp “thi xong rồi để đó”

Văn Gia
08:27, 12/10/2023

Hoạt động khởi nghiệp và các dự án, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp ở Việt Nam cũng như Đồng Nai đang được quan tâm, phát triển. Những yếu tố thuận lợi đang tạo điều kiện cho các bạn trẻ khởi nghiệp, nhưng khó khăn cũng không ít, trong đó có vấn đề về kỹ năng quản trị DN, việc kết nối, phát triển thị trường để nâng tầm DN non trẻ.

Sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Laven Group tham gia một chương trình xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức
Sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Laven Group tham gia một chương trình xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức. Ảnh: V.Gia

Tại Đồng Nai, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức các chương trình hỗ trợ, kết nối DN với hệ thống siêu thị, kênh bán lẻ và xúc tiến thương mại khác nhưng kết quả mới chỉ ở bước đầu. Theo các DN, dự án khởi nghiệp, họ cần nhiều hơn các chương trình hỗ trợ để hiệu ứng từ các cuộc thi khởi nghiệp được tiếp diễn chứ không chỉ dừng lại bằng việc đạt các chứng nhận rồi phải... tự bơi.

* Hỗ trợ DN, dự án khởi nghiệp

Sở KH-CN được giao nhiệm vụ thường trực trong công tác triển khai chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Sở đã tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp qua các năm nhằm tuyển chọn những đơn vị có tiềm năng phát triển, hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường, nâng cao chất lượng quản lý sản xuất, kinh doanh. Đối với vấn đề kết nối giữa DN và các dự án khởi nghiệp, Phó giám đốc Sở KH-CN Huỳnh Minh Hậu cho hay, Đồng Nai luôn cố gắng thúc đẩy, hỗ trợ để kết nối kết quả nghiên cứu khoa học với các DN để thực hiện hóa các ý tưởng dự án, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường.

Bên cạnh Sở KH-CN thì các đơn vị, đoàn thể khác như: Đoàn thanh niên, ngành Công thương, hội phụ nữ, hội nông dân trong tỉnh cũng đã có những chương trình hỗ trợ. Việc lồng ghép những chương trình hỗ trợ với mục tiêu đưa sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm địa phương gia nhập thị trường, xây dựng thương hiệu là rất cần thiết.

Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương thuộc tốp đầu trong việc triển khai các chương trình dự án khởi nghiệp; nhiều cuộc thi về khởi nghiệp được tổ chức nhằm lan tỏa thương hiệu, sản phẩm đến với người tiêu dùng, tuy nhiên phía sau đó vẫn còn nhiều việc phải làm.

Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (thuộc Sở Công thương) Nguyễn Văn Lĩnh cho hay, Sở Công thương đang tập trung các chương trình xúc tiến thương mại và ưu tiên nhiều hơn cho các sản phẩm địa phương, các DN khởi nghiệp, quy mô nhỏ và vừa.

Đơn cử như năm 2022, trung tâm tổ chức 14 hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương, kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh; 10 hội chợ, triển lãm đã được tổ chức với sự tham gia của đa phần DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Trong 9 tháng của năm 2023, Sở Công thương tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại ở trong và ngoài tỉnh. Đơn vị sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động thương mại, hội nghị kết nối cung - cầu, kết nối các nhà sản xuất, cung ứng trong tỉnh với chợ đầu mối, chuỗi cung ứng, bán lẻ. Song song đó là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu mạng lưới xúc tiến thương mại, ngành hàng, thị trường nhằm đạt hiệu quả cao hơn.

Là DN khởi nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Laven Group (TP.Biên Hòa) Đình Thành Thiện chia sẻ, công ty có các dòng sản phẩm từ các máy pha cà phê đến các loại cà phê rang xay. Thị trường chính của công ty là khu vực Đồng Nai, trong đó tập trung nhiều ở Biên Hòa, Long Khánh… Tham gia các chương trình kết nối thương mại là cơ hội để công ty xây dựng thương hiệu, phát triển các kênh bán hàng tiềm năng, thị trường phù hợp với mình.

* Vẫn còn nhiều việc phải làm

Theo các DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa, để đưa DN phát triển lên ở mức cao mới, định vị thương hiệu, cần đưa được hàng hóa vào chuỗi phân phối hiện đại. Tuy nhiên, việc đưa hàng vào phân phối trong kênh siêu thị vẫn rất khó khăn. Tự tin về chất lượng sản phẩm song các DN nhỏ và vừa chưa thể nắm hết các thủ tục, hồ sơ để có thể tham gia vào kênh phân phối.

Trong quá trình gia nhập thị trường, DN, dự án khởi nghiệp mong muốn nhận được hỗ trợ từ các siêu thị, kênh phân phối và sự tạo điều kiện từ địa phương. Bên cạnh đó, vấn đề liên kết, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối các DN, dự án, tạo thành cộng đồng khởi nghiệp ở địa phương vẫn đang là bài toán bỏ ngỏ. Việc các dự án, cuộc thi khởi nghiệp “xong rồi để đó” đang phần nào hiển hiện.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ Vfarm (TP.Biên Hòa) Lê Thị Cẩm Vân, điều quan trọng là sau các chương trình, dự án, cuộc thi khởi nghiệp thì cần tiếp tục có các cơ chế, hoạt động để xây dựng, kết nối cộng đồng DN, sản phẩm khởi nghiệp lại với nhau, giúp họ luôn có nguồn động lực tiến về phía trước.

“Chúng tôi mong thấy được các hoạt động tiếp nối, thường xuyên sau những chương trình, cuộc thi khởi nghiệp chứ không chỉ tổ chức theo phong trào. Đơn cử như vấn đề hướng dẫn, hỗ trợ các dự án về kỹ năng viết bài quảng bá sản phẩm trên các nền tảng điện tử; cách chụp hình, làm video giới thiệu qua các kênh online… Cần tổ chức các lớp học về quản trị tài chính, con người, DN, đây là những điều mà nhà khởi nghiệp còn rất thiếu. Bên cạnh đó, phải xây dựng được hệ sinh thái, cộng đồng khởi nghiệp gắn bó với nhau một cách thực chất, định kỳ gặp gỡ, tìm ra các giải pháp kết nối hợp tác, giải quyết khó khăn…” - bà Vân kỳ vọng.

Văn Gia

Tin xem nhiều