Báo Đồng Nai điện tử
En

Nan giải đất đắp cho các dự án giao thông trọng điểm

Phạm Tùng
08:39, 26/10/2023

Đồng Nai đã có kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép thí điểm đăng ký thu hồi vật liệu san lấp trong quá trình thực hiện phương án cải tạo đất nông nghiệp để phục vụ nhu cầu về đất đắp cho các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Khai thác đất đắp cho dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: P.Tùng

Nhu cầu về đất đắp đang rất lớn khi hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang và sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

* Giải quyết tốt nhu cầu dự án nhưng vướng thủ tục quy định

Để đáp ứng kịp thời, đầy đủ nguồn vật liệu san lấp chỉ dành riêng cho việc thi công dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, trên cơ sở khảo sát, đề nghị của Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư dự án), các sở, ngành và địa phương, năm 2020, UBND tỉnh đã thống nhất cho phép thực hiện 4 phương án hạ cote nền, cải tạo đất nông nghiệp, kết hợp thu hồi vật liệu san lấp (dự án cải tạo đất nông nghiệp) phục vụ thi công dự án.

Việc chấp thuận cho thực hiện các dự án cải tạo đất nông nghiệp để giải quyết nhu cầu về đất đắp cho dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được thực hiện trong bối cảnh dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ vì thiếu nguồn đất đắp. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh dù đã có quy hoạch và khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu san lấp nhưng với hàng loạt vướng mắc trong quy trình cấp phép, việc triển khai các dự án khai thác tại các khu vực này rất khó khăn.

Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, theo các quy định của pháp luật, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không thuộc trường hợp thu hồi đất, nhà đầu tư phải thỏa thuận với người dân để có đất. Trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất thì không thể thực hiện các thủ tục theo quy định để khai thác. Mặt khác, có rất nhiều quy định pháp luật liên quan khiến cho việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản mất nhiều thời gian.

Trên thực tế, việc chủ động, sáng tạo, vì lợi ích chung để cho phép triển khai các dự án cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp chỉ để phục vụ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây của Đồng Nai đã giúp đảm bảo tiến độ thực hiện của dự án. Điều này cũng đã được Thanh tra Chính phủ ghi nhận tại Kết luận thanh tra số 1896/KL-TTCP về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số tỉnh khu vực phía Nam cung cấp cho dự án giao thông quan trọng quốc gia (ngày 22-8-2023).

Theo đó, Thanh tra Chính phủ đánh giá, việc UBND tỉnh Đồng Nai vận dụng quy định của pháp luật tại Điều 9 Luật Đất đai năm 2013 (quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào các việc bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất…) để cho phép thực hiện 4 dự án cải tạo đất nông nghiệp phục vụ thi công dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại 4 khu vực gò, đồi bạc màu, canh tác nông nghiệp kém hiệu quả đã sắp xếp được nguồn vật liệu san lấp cho dự án. Đồng thời, đảm bảo được quyền lợi của người dân. “Việc vận dụng quy định của pháp luật nêu trên đã giải quyết được nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ dự án” - kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Mặc dù vậy, tại Kết luận số 1896, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc thu hồi vật liệu san lấp tại các dự án cải tạo đất nông nghiệp được tỉnh Đồng Nai cấp phép không được thực hiện theo các thủ tục quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010, từ việc thăm dò, xác định loại khoáng sản làm cơ sở để thực hiện các thủ tục liên quan khác. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc giữa các quy định trong Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản và Luật Đất đai.

Trong Kết luận số 1896, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc cải tạo đất nông nghiệp, thu hồi vật liệu san lấp để cung cấp cho dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây của UBND tỉnh Đồng Nai cần được cấp thẩm quyền nghiên cứu, xem xét như một cơ chế đặc thù trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, có các quy định cụ thể hơn nhằm đảm bảo hài hòa được quyền lợi của người có đất và cộng đồng dân cư khu vực có vật liệu san lấp cần thu hồi, của đơn vị thi công, tránh thất thu ngân sách nhà nước, đồng thời đảm bảo được các quy định về bảo vệ môi trường.

* Kiến nghị được thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2023-2025

Theo Phó giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Bôn, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án giao thông đã và sẽ được triển khai trong thời gian tới, gồm các tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, đường vành đai 3, 4 - TP.HCM, đường T1, T2 kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cùng với đó, tỉnh sẽ triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm khác của tỉnh. Vì vậy, nhu cầu về vật liệu san lấp phục vụ các công trình này rất lớn.

Tính toán sơ bộ cho thấy, nhu cầu về vật liệu san lấp phục vụ các dự án giao thông trọng điểm của trung ương và của tỉnh trên địa bàn vào khoảng 21,5 triệu m3, chưa tính nhu cầu cho các công trình xây dựng dân dụng công nghiệp và của người dân.

Trong bối cảnh việc thực hiện các thủ tục để cấp giấy phép khai thác tại các khu vực mà tỉnh đã quy hoạch và khoanh định vẫn hết sức khó khăn, Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét cơ chế để giải quyết nhu cầu về vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm.

Theo đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan chấp thuận cho địa phương thí điểm thực hiện đăng ký thu hồi vật liệu san lấp trong quá trình thực hiện các dự án cải tạo đất nông nghiệp. Thời gian thí điểm từ năm 2023-2025. Khối lượng đất đăng ký thu hồi làm vật liệu san lấp chỉ để phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình đầu tư công của tỉnh.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều