Các thị trường nhập khẩu gỗ của Đồng Nai ngày càng đòi hỏi cao yếu tố sản xuất bền vững, mẫu mã đa dạng nên ngành gỗ phải đầu tư cho công nghệ để tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm.
Các doanh nghiệp tham quan trình diễn máy móc công nghệ tại hội chợ Đồ gỗ xuất khẩu phục vụ thị trường nội địa vừa được tổ chức ở Đồng Nai |
Tới thời điểm hiện tại, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn gặp nhiều khó khăn do sụt giảm đơn hàng. Hiện các doanh nghiệp (DN) đang tích cực đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành như: áp dụng công nghệ, chủ động nguồn nguyên liệu nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành; tìm cách tiếp cận với những thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu…
* Xây dựng thương hiệu gỗ vẫn yếu
Là một trong những quốc gia đứng tốp đầu về xuất khẩu gỗ trên thế giới nhưng theo nhận định của các chuyên gia, định dạng thương hiệu gỗ Việt trên toàn cầu vẫn chưa cao. Nguyên nhân là ngành gỗ vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất theo chuỗi của thương hiệu lớn. Các nhà xuất khẩu gỗ của Việt Nam hầu hết là DN nhỏ và vừa, trình độ công nghệ còn thấp, nguồn lực tài chính hạn chế nên chưa đủ để đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh. Công nghệ thấp nên dẫn đến năng suất thấp, cản trở sự phát triển bền vững của ngành.
Bên cạnh đó, mẫu mã sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn đơn điệu, thương hiệu của DN còn yếu, không có đủ kinh phí xây dựng thương hiệu, năng lực về quản trị, marketing thấp, ảnh hưởng chung đến thương hiệu gỗ xuất xứ từ Việt Nam. Hơn nữa, cơ cấu sản phẩm vẫn nghiêng về các sản phẩm có giá trị thấp như xuất khẩu dăm gỗ đứng hàng đầu thế giới. Những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn như: gỗ ván, nội ngoại thất tỉ trọng còn thấp, hiệu quả sử dụng gỗ còn lãng phí so với thế giới.
Hiện chế biến, xuất khẩu gỗ của Đồng Nai cũng như cả nước đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, bên cạnh việc sụt giảm đơn hàng thì còn gặp trở ngại là trình độ thấp, máy móc còn lạc hậu. Vì thế, đầu tư máy móc hiện đại là cách thức duy nhất để giảm lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để cạnh tranh hiệu quả.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập nhận định, máy móc hiện đại và nguyên liệu gỗ là 2/4 trụ cột phát triển của DN ngành gỗ. Do đó, việc áp dụng công nghệ sẽ giúp gia tăng năng suất lao động, hỗ trợ quản trị, nâng cao thương hiệu DN, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh hiện nay, đồng thời mở ra cơ hội giao thương bền vững, lâu dài.
* Đồng Nai tiên phong trong sản xuất gỗ bền vững
Đồng Nai hiện xếp thứ 2 cả nước về xuất khẩu gỗ. Tỉnh cũng là trung tâm lớn của hệ sinh thái ngành gỗ từ việc cung ứng nguyên liệu gỗ, cung cấp máy móc công nghệ và là nơi chế biến, sản xuất gỗ xuất khẩu.
Là quốc gia xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn trên thế giới nên nước ta có nhu cầu đáng kể về máy móc và linh kiện chế biến gỗ. Bình quân mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 240 triệu USD máy móc chế biến gỗ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã của các đối tác lớn. |
Ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện các đối tác yêu cầu thời gian giao hàng phải rút ngắn từ 70-90 ngày xuống còn 45-60 ngày. Những đòi hỏi trên của nhà nhập khẩu buộc DN phải đầu tư công nghệ, máy móc có tính đa năng hơn mới đáp ứng được tiêu chuẩn của đối tác.
Cũng theo ông Hà, không chỉ đầu tư vào máy móc, công nghệ mà ngành gỗ Đồng Nai đang muốn trở thành tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái cho sản xuất gỗ bền vững. Theo đó, sẽ liên kết, hợp tác giữa những tổ chức, người dân trồng rừng và nhà sản xuất, DN để tạo nên chuỗi khép kín từ trồng rừng tới sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đưa các mẫu mã mới của thế giới về Việt Nam để người dân có cơ hội sử dụng với giá cả phải chăng.
Về phía địa phương, Đồng Nai đã có đề án về Sản xuất, chế biến lâm sản bền vững trên địa bàn Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngành gỗ tiếp tục được xác định là một trong những ngành sản xuất mũi nhọn. Giải pháp nâng cao tính cạnh tranh cho ngành gỗ là củng cố và nâng cấp hệ thống chế biến gỗ quy mô vừa và nhỏ thành chế biến gỗ quy mô lớn. Đối với công nghệ, tỉnh khuyến khích DN sử dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và các công nghệ nhân tạo, thân thiện môi trường.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin