Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm cách tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Vương Thế
08:04, 02/10/2023

Doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN tư nhân đang có đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Khi Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào sân chơi toàn cầu, việc gia tăng năng lực nội sinh cho cộng đồng DN là điều rất quan trọng và cần có chiến lược bền vững.

Hỗ trợ về chính sách, cơ chế, nguồn lực, thị trường là điều mà doanh nghiệp rất cần trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong ảnh: Khách hàng tham quan một gian hàng tại Chợ công nghệ, thiết bị và thương mại Đồng Nai 2023. Ảnh: V.Thế
Hỗ trợ về chính sách, cơ chế, nguồn lực, thị trường là điều mà doanh nghiệp rất cần trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong ảnh: Khách hàng tham quan một gian hàng tại Chợ công nghệ, thiết bị và thương mại Đồng Nai 2023. Ảnh: V.Thế

Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù đang có những tiến bộ nhanh song nguồn lực vẫn còn yếu, những rào cản về chính sách đang khiến cho sự lớn lên của DN bị tác động.

* Cần tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển

Tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 được tổ chức ngày 19-9, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá nền kinh tế hiện đang có những vấn đề lớn đặt ra. Trước hết là xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng những nghịch lý như DN Việt giỏi chống chịu, “sống dai” nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. Nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp, khi lạm phát thấp thì lãi suất cao…

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên được nhằm vào chính là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.

Tương tự, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, DN Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn. Trong 8 tháng của năm 2023, tổng số DN đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý số DN ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực DN đáng báo động.

Trên thực tế, chất lượng cơ sở hạ tầng dù đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. Việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thực sự thuận lợi. Chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện khi mà sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả.

Theo các chuyên gia, cộng đồng DN thì DN Việt luôn có khát vọng đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc nhưng còn vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững. Do vậy cần tạo ra hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng, xây dựng cơ chế để DN có thể thực hiện được những gì pháp luật cho phép, thúc đẩy phát triển, đổi mới.

* Khai thác năng lực nội sinh của DN

Khu vực kinh tế tư nhân là lực lượng quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo ra phần lớn việc làm cho người lao động và gần 50% GDP của đất nước. Dù Việt Nam đã có nhiều cải cách nhưng hiện nay, DN tư nhân khó tiếp cận được nguồn lực, huy động nguồn vốn  nên khó có thể phát triển được để dẫn dắt được chuỗi giá trị sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Thậm chí nhiều DN còn cảm thấy lo ngại, chưa yên tâm trong sản xuất, kinh doanh hoặc họ sợ làm sai khi những quy định trong các luật, nghị quyết, thông tư còn chồng chéo, chưa thống nhất với nhau...

Trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay, nhiều DN đối diện với khó khăn do đầu tư dàn trải, chi phí hoạt động cao, hiệu quả thấp. Nhiều chủ DN gặp vấn đề trong việc quản lý nhiều chuỗi kinh doanh đa dạng nhưng không có hoạt động bổ trợ.

Đối với cộng đồng DN, thực tiễn cho thấy Đồng Nai vẫn luôn là địa chỉ được các DN, nhà đầu tư quan tâm mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên lợi thế cạnh tranh của địa phương đang có dấu hiệu giảm sút, điều này đòi hỏi cam kết “Đồng hành cùng DN” của chính quyền địa phương phải được triển khai hiệu quả trên thực tế. Theo Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long thì các DN thành viên của hội đã có mặt ở khắp các ngành nghề sản xuất. Trong thời gian tới đây, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai sẽ tiếp tục mở rộng, kết nạp thêm các hội viên mới, đồng thời xây dựng chi hội ở địa phương. Do đó, không chỉ chính sách vĩ mô ở cấp tỉnh mà các DN cũng rất mong muốn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương nơi đứng chân để có điều kiện hoạt động tốt hơn.

Để cộng đồng DN phát triển, điều tất yếu là phải gia tăng, phát huy và khai thác được năng lực nội sinh. Nếu kinh tế tư nhân không duy trì được thì sẽ khó thúc đẩy phát triển kinh tế. Điều mà DN cần nhất hiện nay là Nhà nước có các giải pháp để tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cho DN như miễn giảm lãi suất, phí, thuế, cùng với họ cắt giảm chi phí sản xuất để tồn tại trong giai đoạn khó khăn. Các cơ quan quản lý cần tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm mọi rào cản để doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi, tiếp cận với những cơ hội mới để phát triển. Đồng thời xây dựng thể chế chắc chắn, rõ ràng, minh bạch và có thể dự báo được những thời cơ, thách thức để DN tiên liệu được trong hoạt động của mình.

Vương Thế

Tin xem nhiều