Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng hệ sinh thái bền vững cho ngành gỗ

Văn Gia
08:21, 31/10/2023

Sản xuất gỗ lớn nhưng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đang là một trong những vấn đề của ngành gỗ cả nước, cũng như của Đồng Nai hiện nay. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước phần lớn chưa đạt chất lượng và chứng chỉ của thế giới đã phần nào gây khó cho sự phát triển bền vững.

Khách hàng tham quan nguyên liệu gỗ hợp pháp tại khu chợ đầu mối đồ gỗ Hố Nai (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Gia

Xây dựng “hệ sinh thái” cho sản xuất, chế biến gỗ đang là mục tiêu lâu dài mà Đồng Nai cũng như các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ trên địa bàn hướng tới.

* Liên kết sản xuất gỗ mới chỉ bước đầu

Bên cạnh gỗ nhập khẩu thì nguyên liệu gỗ rừng trồng cũng đóng vai trò lớn. Tuy vậy, rừng trồng tại Đồng Nai có chất lượng không đồng đều. Nguồn nguyên liệu trong nước chủ yếu là gỗ nhỏ, chu kỳ khai thác ngắn, đa số được lấy từ rừng chưa có chứng chỉ phát triển rừng bền vững (FSC). Trong khi đó, ngành chế biến gỗ có vị trí quan trọng trong ngành Công nghiệp của tỉnh, sự liên kết, hợp tác giữa người trồng rừng và nhà sản xuất, chế biến gỗ chưa chặt chẽ, DN khó chủ động được nguồn nguyên liệu; giá cả không ổn định, chuỗi liên kết hình thành một cách tự phát và chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị.

Trong đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ rất quan trọng. Theo đó, tỉnh đề ra các giải pháp hỗ trợ nông hộ phát triển rừng cây gỗ lớn như: vận động các hộ nhận khoán rừng sản xuất chuyển hướng sang trồng rừng gỗ lớn bằng giống nuôi cấy mô; hỗ trợ nguồn giống cấy mô, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng và tìm kiếm kết nối với các DN sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh hợp đồng tiêu thụ nguyên liệu gỗ cho các hộ tham gia.

Đồng Nai hiện có gần 200 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 40 ngàn ha cây cao su và cây trồng phân tán, cây vườn nhà, là một tiềm năng lớn về nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ.

Đồng Nai cũng đang mở rộng vùng nguyên liệu là rừng trồng cây gỗ lớn và rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC để đạt tiêu chuẩn cho chế biến gỗ xuất khẩu từ 7 ngàn ha đã được cấp chứng chỉ tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà lên hơn 10 ngàn ha trong tổng số diện tích 40 ngàn ha rừng trồng hiện có của tỉnh. Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cũng đang phối hợp với Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TP.Biên Hòa) làm chứng chỉ FSC, qua đó gia tăng giá trị cho nguồn nguyên liệu gỗ.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi, việc liên kết giữa vùng nguyên liệu rừng trồng với các nhà sản xuất rất quan trọng. Do đó, các DN chế biến gỗ với các tổ chức, hộ gia đình trồng rừng nhỏ lẻ cần sớm liên kết chặt chẽ để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lớn đạt chuẩn FSC, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm gỗ. Đây là giải pháp giúp ngành gỗ của Đồng Nai phát triển bền vững. Trong thời gian tới, Đồng Nai khuyến khích, hỗ trợ các DN chế biến tham gia liên kết với các hộ dân, tổ chức trồng rừng lớn trên địa bàn nhằm thực hiện mục tiêu này.

* Xây dựng vùng nguyên liệu hợp pháp chất lượng tốt

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 900 DN chế biến gỗ. Trong đó có 180 DN vừa chế biến, vừa xuất khẩu. Cả nước hiện có 140 DN chế biến và xuất khẩu gỗ được xếp vào nhóm I, riêng Đồng Nai có 30 DN. Theo yêu cầu của thị trường thì ngày càng nhiều DN chế biến gỗ phấn đấu vào nhóm I, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Lợi ích này bao gồm cho tất cả các bên tham gia là DN, người dân tham gia trồng rừng, DN chế biến gỗ và nâng cao uy tín, vị thế của tỉnh, của quốc gia trên thị trường gỗ quốc tế.

Theo bà Nguyễn Nam Trân, Giám đốc Điều hành dịch vụ chứng nhận và hệ thống của Công ty TNHH SGS Việt Nam (TP.HCM) thì xu hướng chuỗi cung ứng bền vững sản phẩm gỗ rừng là điều bắt buộc hiện nay trên thế giới. Với tiềm năng, lợi thế về rừng của Đồng Nai thì việc được cấp chứng nhận FSC là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cho cộng đồng địa phương. Đồng thời, là cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản, thủ công mỹ nghệ ngành gỗ của Đồng Nai trên toàn quốc và trên thị trường quốc tế. SGS Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ DN, người trồng rừng trong công tác đào tạo, kiến thức, kỹ năng liên quan, không chỉ trong xây dựng nguyên liệu mà còn ở các lĩnh vực nhằm hướng tới sản xuất bền vững.

Tương tự, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tân Vĩnh Cửu Võ Quang Hà cho hay, công ty đang nỗ lực gắn kết ngành gỗ từ nhà cung cấp nguyên liệu đến nhà sản xuất và phân phối sản phẩm. Qua chương trình này, người trồng rừng sẽ được hỗ trợ làm chứng nhận rừng bền vững FSC theo yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu lớn hiện nay. DN cũng sẽ ứng vốn đầu tư cho người trồng chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, khi thu hoạch mới trừ chi phí đầu tư nhằm tạo sự yên tâm trong hợp tác. 

Văn Gia

Tin xem nhiều